Người Malaysia gọi đây là thành phố cảnh mộng, người nước ngoài gọi nó là thành phố vườn, Chính phủ Malaysia gọi nó là thành phố thông minh… Nhưng riêng tôi thích gọi là thành phố mỏ thiếc, bởi thành phố mới này mới được hình thành trong vòng một thập kỷ, từ một mỏ thiếc đã bị khai thác và bỏ hoang.
Trở lại thăm thành phố này lần thứ hai, tôi cứ mãi tự hỏi: làm cách nào họ làm được điều đó với thời gian kỷ lục như vậy? Lần trước cách nay năm năm, thành phố này chỉ mới là dự án phác thảo, đất đá ngổn ngang cùng với câu hỏi "tiền đâu" để đầu tư… Và tôi chợt nghĩ: liệu TP.HCM hay Hà Nội có thể xây dựng được một thành phố với cách làm sáng tạo tương tự như vậy không?
Kiến trúc theo trật tự.
Đó là một thành phố tuyệt vời bởi sự ra đời của nó gắn liền với khát vọng của người dân và niềm tự hào của một dân tộc. Một thành phố vệ tinh đúng nghĩa khi thủ đô Kuala Lumpur đã trở nên quá tải, có nguy cơ phình rộng vô tổ chức. Một thành phố mới mà ở đó cả người dân, quốc hội, chính phủ cùng tham gia tuyển lựa phương án qui hoạch để nó từ một thành phố vệ tinh trở thành một biểu tượng mới của Malaysia trong thế kỷ mới.
Từ ý tưởng thành lập trung tâm hành chính mới của chính phủ liên bang được bàn cãi từ thập niên 1980, năm đồ án đã được lọt vào chung kết. Năm 1993, khu đất ở bang Prang Besar được chọn do vị trí chiến lược của nó giữa Kuala Lumpur và sân bay quốc tế mới xây dựng. Từ hai nơi này đến thành phố tương lai chỉ mất 30 phút đường bộ. Năm 1996 nó trở thành "Trung tâm điều hành chính phủ", được đặt tên sau đó là Putrajaya để tưởng niệm thủ tướng đầu tiên của Malaysia - ông Raman Putra Al Haj.
Tượng điêu khắc Mercu Tanda.
Thành phố tương lai này chiếm khoảng 4.580ha, cách Kuala Lumpur 20km và được qui hoạch dựa trên ba yếu tố chính: con người và đấng tạo hóa; con người và con người; con người và thiên nhiên. Chính phủ đã mua lại khu mỏ thiếc bỏ hoang và một phần đất đang canh tác của người dân, tổ chức thi tuyển thiết kế qui hoạch.
Sau khi phương án thiết kế được chọn, các biện pháp thúc đẩy xây dựng thành phố được đưa lên hàng đầu. Biện pháp thúc đẩy đó là chính phủ chỉ bỏ một phần vốn để mua đất và đầu tư phần hạ tầng chính, các công trình tôn giáo văn hóa, giáo dục, xây dựng trước các trụ sở của chính phủ, ngoại giao đoàn, các viện nghiên cứu, trường đại học. Phần còn lại đem bán đấu giá từng lô đất, kêu gọi các tập đoàn trong nước, nước ngoài tham gia.
Giáo đường Putrajaya.
Cầu Seri Wawasan
Khi hàng loạt các công ty đã đặt văn phòng tại đây cũng là lúc các khu dân cư với từng căn hộ liên kế, chung cư cao tầng được xây dựng với nguồn vốn từ cổ phiếu của người dân tạo ra một thành phố phát triển nhanh không thể tưởng. Từ đó chính phủ thu được một khoảng lợi nhuận khổng lồ để tái đầu tư vào cảnh quan môi trường và an ninh xã hội.
Việc tái đầu tư từ những khoản lợi nhuận khi đấu giá các lô đất cho tư nhân dùng vào việc tiện ích là có một không hai của thành phố. Mọi cư dân trong thành phố có thể lấy thông tin, vào mạng Internet, đi xe buýt, vé máy bay hay trả thuế thu nhập, giao dịch qua ngân hàng mà chỉ cần duy nhất một thẻ từ như thẻ chứng minh nhân dân của ta. Tất cả các khu nhà ở, các văn phòng làm việc đều có mạng cáp quang, và mọi người có thể làm việc tại nhà với đủ mọi dịch vụ phục vụ.
Sự hòa hợp của thiên nhiên và kỹ thuật ở đây được xem là một đỉnh cao của nhân bản và trí tuệ, nó tạo ra ý thức cộng đồng và niềm kiêu hãnh của người dân. Các cư dân tương lai của thành phố đều phải ý thức rằng mỗi sự chăm chút cho môi trường sống này là một đóng góp thật sự cho tương lai của thành phố.
Văn phòng theo kiểu resort tại Putrajaya.
Hơn 40% diện tích đất của thành phố được dành cho công viên, vườn bách thảo, những khu hồ và những đầm lầy nhân tạo. Những mỏ thiếc cũ nối ăn thông với nhau được tận dụng để tạo ra một quần thể hồ nhân tạo như một dạng hồ Hoàn Kiếm, hồ Tây ở Hà Nội.
400ha hồ nhân tạo trong lòng thành phố kết hợp với đồi núi xung quanh và hệ thống giao thông hoàn chỉnh tạo cho bộ mặt của Putrajaya trông như Đà Lạt hay Hà Nội ở Việt Nam nhưng thơ mộng và hoành tráng hơn.
Khu vực trung tâm của thành phố là khu đất của chính phủ, tòa nhà chính và dinh thủ tướng được lợp ngói màu xanh ngọc, màu duy nhất nổi bật, nằm giữa một khu hồ nhân tạo rộng 49ha.
Nét đẹp Malaysia.
Nó trông xuống khu quảng trường Dataran Putra, nơi cử hành những sự kiện quốc gia. Đối diện với nó là thánh đường Hồi giáo Putra, tuyệt đẹp và hùng vĩ với lối kiến trúc Dersian thời Sfarid. Thánh đường này chứa được 15.000 người cầu nguyện cùng một lúc.
Các khu vực còn lại được phân khu rõ ràng như khu trung tâm thương mại, tài chính, khu văn hóa giáo dục, khu giải trí thể thao, khu ngoại biên với 14 khu dân cư ở đó nhà biệt thự và chung cư cao tầng được thiết kế hài hòa và đồng nhất.
Mỗi khu ở này là một kiệt tác về kiến trúc với những qui định gắt gao khi xây dựng. Ở đây không có sự dễ dãi, thỏa hiệp cho những loại nhà phố, nhà ống trên ở dưới buôn bán như ở ta. Cây xanh được phủ kín từng mét vuông đất, giao thông thuận tiện bằng đường xe lửa, đường cao tốc, hệ thống xe buýt máy lạnh được phủ khắp.
Theo Địa Ốc Tuổi Trẻ
>>Putrajaya thành phố thông minh