Prambanan: Di sản kiến trúc Hindu giáo

Cập nhật 12/07/2013 08:19

Prambanan là ngôi đền Hindu giáo lớn nhất Java, Indonesia ở mọi thời đại, Prambanan tập trung tất cả những tinh hoa về kiến trúc, điêu khắc do vua Rakai Pikatan xây dựng, nhằm thể hiện sự hưng vượng của vương triều lên các nét trang trí ngôi đền. Vẻ đẹp ngàn năm của Prambanan cho đến nay vẫn là một biểu tượng rõ nét nhất trong lối xây dựng đền đài Hindu giáo ở Java.


Tổng thể các đền tháp chính ở Prambanan.


Từ trung tâm của thành phố Yogjakarta – thành phố ở miền trung Java – chỉ mất chưa đầy nửa giờ xe buýt, tôi đã đến được vùng đất xưa kia từng là nơi phát triển nghệ thuật đỉnh cao của Hindu giáo ở giai đoạn từ thế kỷ 6 đến thế kỷ 10. Với rất nhiều các đền tháp cổ còn sót lại, các cuộc khai quật khảo cổ đã đưa ra những minh chứng về một thời kỳ vàng son của Hindu giáo ở vùng đất này. Trong đó, nổi bật nhất là ngôi đền Prambanan, với 240 toà tháp lớn nhỏ, là một kiệt tác về kiến trúc, điêu khắc, được xây dựng vào khoảng năm 856, thờ ba vị thần cao cả nhất của Hindu giáo là Shiva (đấng huỷ diệt), Vishnu (đấng bảo hộ) và Brahma (đấng tạo hoá).

Ảnh hưởng từ Ấn Độ

Sự ảnh hưởng của văn hoá Ấn Độ đến Java bắt đầu từ thế kỷ thứ 1 sau Công nguyên. Đến thế kỷ 7 và 8 việc giao thương trên con đường tơ lụa Biển Đông ngày càng phát triển mạnh, các nền văn hoá của vương triều Gupta, Pallava và Pala từ Ấn Độ được du nhập mạnh mẽ vào Java, dẫn đến kết quả các kiến trúc nhà ở, đền đài xây dựng cũng bị ảnh hưởng, và đền Prambanan cũng nằm trong số ấy.

Theo các tài liệu ghi lại, tên gọi ban đầu của đền Prambanan là Shiva Grha có nghĩa là “ngôi nhà của thần Shiva” với tháp chính – là tháp lớn nhất trong tổng số 140 tháp của đền được dành để thờ thần Shiva. Tên gọi Prambanan sau này lấy từ tên của ngôi làng gần vị trí mà ngôi đền toạ lạc.


Mặt bằng tổng thể




Dựa trên kiến trúc còn lại của ngôi đền, các nhà khảo cổ đã xác định Prambanan được kiến thiết rất cẩn trọng bởi các kiến trúc sư tài ba dựa trên quy hoạch chính của một đồ hình Mandala mà sau này thường thấy trong Phật giáo Mật Tông. Theo những luận thuyết Ấn cổ, các kiến trúc đền đài, nhà ở, đô thị Hindu giáo thường được quy hoạch theo một trật tự nhất định với đồ hình vuông.

Bố cục Prambanan

Kiến trúc Prambanan phân thành ba khu vực cách nhau bằng những tường thành, và đặt theo tên gọi riêng biệt: phần ngoài cùng của cụm đền là Bhurloka, tượng trưng cho con người và cuộc sống trần tục, kế đến là Bhurvaloka tượng trưng cho giới tu hành, phần trọng tâm nơi có các tháp chính là Svarloka tượng trưng cho đấng tối cao.

Tổng thể đền Prambanan gồm 240 tháp lớn nhỏ, phần tháp chính có tên gọi Loro Jonggrang bao gồm sáu toà tháp bố trí thành hai hàng theo trục Bắc Nam, ba toà tháp lớn nhất nằm ở vị trí trung tâm, với tháp giữa thờ thần Shiva cao đến 47m, hai tháp còn lại thờ thần Vishnu và Brahma. Cả ba cửa đền đều quay mặt về hướng đông – hướng của sự sống – một kiểu xây dựng quen thuộc thường thấy ở đền đài Hindu giáo. Cửa hướng đông là cửa mở duy nhất, ba cửa còn lại của mỗi ngôi đền đều được bít kín, gọi là cửa dụ, vì người Hindu giáo quan niệm rằng cửa mở chỉ dành cho người phàm, còn thần linh có phép thần thông sẽ ra vào các cửa dụ.



Có ba tháp nhỏ hơn nằm đối diện ba toà tháp chính, gọi là Candi Vahana, thờ ba vật cưỡi: bò thần Nandin của thần Shiva, ngỗng thần Hamsa của thần Brahma và chim thần Garuda của thần Vishnu. Trong ba đền này chỉ có ngôi đền chính giữa là có linh vật bò thần Nandin được tạc từ một khối đá rất lớn, còn lại hai toà tháp kế cận thờ chim thần Garuda và ngỗng thần Hamsa, nhưng không có linh vật bên trong gian thờ chính, thế nên các nhà khảo cổ học không gọi hai đền này theo tên mà định danh đền ở hướng bắc là tháp A và hướng nam là tháp B.

Sử thi Ramayana ở Prambanan

Là một trong những ngôi đền Hindu giáo đẹp và đồ sộ nhất thế giới, Prambanan đã được UNESCO công nhận là di sản văn hoá từ năm 1991, vẻ đẹp của Prambanan đến từ những chi tiết điêu khắc trang trí, với các tích truyện chép từ sử thi Ramayana của Hindu giáo thể hiện lên nền đá núi lửa, một loại chất liệu địa phương quen thuộc trong xây dựng kiến trúc ở miền trung Java.



Khi tiếp cận khu vực tháp chính, sẽ dễ nhận ra ngay các mảng dưới chân đền chạm trổ tinh xảo hình sư tử (sinha), hai bên là hai cây sự sống có các vị thần bảo vệ châu báu mang đầu người mình chim Kinnara/Kinnari đứng dưới bóng cây. Mảng trang trí Kinnara/Kinnari cũng có khi thay thế bằng hươu, cừu, khỉ, ngựa, voi. Đây là các mảng phù điêu độc đáo mang nét riêng của Prambanan, vì vậy được các nhà khảo cổ định danh luôn là các mảng điêu khắc Prambanan.

Ở toà tháp chính nơi thờ thần Shiva, ở gần phần cổng nam có mảng điêu khắc tuyệt đẹp miêu tả lại cuộc chiến của Jatayu – vị thần hình chim, cháu của chim thần Garuda – với quỷ vương Ravana nhiều đầu nhiều tay trong sử thi Ramayana. Mảng điêu khắc rất sống động, tả cảnh quỷ Ravana đang bắt cóc nàng Sita – vợ của anh hùng Rama, đem về đảo Lanka làm vợ, Jatayu đang giao tranh dữ dội với Ravana. Theo sử thi, cuộc chiến này Jatayu bị thua, nhưng Jatayu đã biết hướng đi của quỷ Ravana để chỉ cho anh hùng Rama sau khi lưu đày trở về và tìm đường đi giải cứu nàng Sita. Nhờ vậy, anh hùng Rama với sự hỗ trợ của tướng khỉ Hanuman đã giải cứu được nàng Sita từ đảo Lanka.

Kiệt tác về điêu khắc

Prambanan hình thành với chất liệu chính là đá núi lửa, không mịn và mềm như đá sa thạch, việc điêu khắc hẳn gặp rất nhiều khó khăn, thế nhưng những gì còn lại trên các nét điêu khắc ở ngôi đền này đã thể hiện một trình độ đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật điêu khắc trên đá.





Nổi bật và lớn nhất trong điêu khắc ở Prambanan là gương mặt Kala trên các cửa chính của các ngôi đền, thể hiện đầy đủ các chi tiết về sự dữ tợn, chở che, bảo vệ. Mảng điêu khắc ấy cũng nhắn gửi thông điệp khi con người bước lên đền, đi dưới gương mặt Kala, chính là đi vào cõi vĩnh viễn, bất tử.

Các phần nóc mái, hành lang của Prambanan được trang trí bằng những tháp nhỏ được khắc rãnh tượng trưng cho các viên kim cương, chi tiết điêu khắc này cũng được thấy trong các đền đài Phật giáo ở Java, đây là lối trang trí trong kiến trúc cổ của Java, một lối trang trí tiêu biểu cho nghệ thuật chạm khắc đỉnh cao tại Java ở thế kỷ thứ 10.

Trải qua nhiều biến thiên của thời gian, tổng thể Prambanan hôm nay dẫu không còn nguyên vẹn 240 toà tháp như nền tảng ban đầu, nhưng với những gì lưu lại, đủ để hấp dẫn lữ khách từ khắp nơi tìm đến, khám phá một thời kỳ hưng thịnh trong nghệ thuật kiến trúc Hindu giáo đạt đến trình độ đỉnh cao ở Java khi xưa.

DiaOcOnline.vn - Theo SGTT