Phong cách kiến trúc Đông Dương đầu tiên ở Hà Nội

Cập nhật 04/10/2010 11:30

Sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất, nước Pháp cho tiến hành Chương trình khai thác thuộc địa Đông Dương lần thứ 2 với quy mô gấp nhiều lần giai đoạn trước đó. Chương trình này đã dẫn tới sự biến đổi mạnh mẽ nền kinh tế và xã hội ở Hà Nội nói riêng và toàn cõi Đông Dương nói chung.

Cùng với đó là sự biến đổi về mặt nhận thức của giới trí thức Pháp ở thuộc địa, họ đã nhận ra rằng việc áp đặt một cách đơn thuần những giá trị văn hoá chính quốc vào một sứ sở vốn đã có truyền thống văn hoá từ lâu đời là không chấp nhận được.

Từ đó, một xu hướng mong muốn kết hợp hài hoà giữa văn hoá Phương Đông và Phương Tây, giữa văn hoá bản địa và chính quốc đã diễn ra ở nhiều lĩnh vực, trong đó kiến trúc là một trong những lĩnh vực đi tiên phong.



Đại học Đông Dương. Mặt chính công trình (ảnh chụp đầu thế kỷ 20)

Từ đầu thập niên 1920, một loạt công trình kiến trúc được xây dựng theo phong cách kết hợp giữa kiến trúc kinh viện Châu Âu với các thành phần và giải pháp kiến trúc bản địa, sau này được Ernest Hébrard - Kiến trúc sư hàng đầu của phong cách này, gọi là phong cách Kiến trúc Đông Dương.

Tác phẩm đầu tiên theo phong cách Kiến trúc Đông Dương được xây dựng ở Hà Nội do kiến trúc sư E.Hébrard thiết kế năm 1924 là Toà nhà chính của khu Đại học Đông Dương đã hình thành trước đó. Toạ lạc tại vị trí án ngữ một đại lộ lớn lúc bấy giờ - Boulevard Carreau (phố Lý Thường Kiệt ngày nay), xế phía trước lại có một vườn hoa nhỏ, công trình đã tạo ra một điểm nhấn đô thị nổi bật.

Theo thiết kế ban đầu thì đây là một công trình mang phong cách Tân cổ điển với cấu trúc hình khối kiến trúc đăng đối hoàn toàn, mặt bằng không gian theo kiểu chính thống, nhấn mạnh khối sảnh trung tâm, hai phía là giảng đường lớn và thư viện được bố trí trên hai tầng nhà.

Tuy nhiên trong quá trình xây dựng, Hébrard đã thay đổi hầu như hoàn toàn hình thức mặt đứng công trình bằng cách đưa vào khá nhiều thành phần kiến trúc Á Đông.

Điểm nhấn cho khối trung tâm là bộ mái ngói nhiều lớp theo hình thức bát giác, giữa các lớp mái là các cửa nhỏ trang trí hoa văn bên cạnh hàng con sơn đỡ mái theo kiểu Trung Hoa cổ. Bộ mái ngói còn được sử dụng như một hình thức kết thúc phương đứng ở hai cánh nhà, ở tiền sảnh phía sau nhà. Các cửa sổ cũng được che bởi các ô văng chéo dán ngói.

Hệ thống cửa của công trình cũng được kiến trúc sư – tác giả hết sức lưu tâm. Cửa ra vào chính là một cửa dạng vòm có độ cao tương đương hai tầng nhà được trang trí bằng kính và kim loại theo phong cách Art Nouveau, không chỉ làm đẹp cho công trình khi nhìn từ ngoài vào mà làm tăng tính thẩm mỹ cho khu đại sảnh khi nhìn từ trong ra.



Bản vẽ mặt chính theo thiết kế ban đầu của E. Hébrard.

Các cửa sổ mở rộng kiểu cuốn vòm ở tầng 1 được nhóm thành hai cửa sổ hình chữ nhật ở tầng 2 cùng các cửa nhỏ trên mái sảnh tạo ra sự biến hoá nhưng vẫn mang tính thống nhất cao.

Các họa tiết trang trí Á Đông được sử dụng rộng rãi, mặt tiền tòa nhà được trang trí bởi các hình hoa văn chữ triện, hình bát giác rất phổ biến trong kiến trúc đình chùa Việt cổ, các hình này còn được nhắc lại trên các diềm mái càng làm tôn nổi tính bản địa của công trình.

Nhắc tới Đại học Đông Dương thì chúng ta không thể bỏ qua phần nội thất của công trình. Nếu mặt ngoài toà nhà mang dáng vẻ Á Đông thì phần nội thất lại chủ yếu theo tinh thần kinh viện Châu Âu. Chính sảnh được phủ bởi một bộ vòm hai lớp với các hàng cột, các hoạ tiết trang trí kiểu Tân cổ điển. Các không gian lớn và thoáng đãng đặc trưng của các đại học lớn ở Pháp thời bấy giờ. Đặc biệt là trong giảng đường chính có bức tranh tường lớn nhất Việt Nam do hoạ sĩ Victor Tardieu thực hiện, mô tả cuộc sống của người Hà Nội đầu thế kỷ 20 với sự hiện diện của 200 nhân vật đại diện cho xã hội thời bấy giờ.

Công trình Đại học Đông Dương có thể được coi là thử nghiệm đầu tiên của E. Hébrard theo phong cách kết hợp nên còn thiếu sự ăn nhập giữa nội - ngoại thất công trình.

Tuy nhiên với hình khối được tổ chức chuẩn mực theo tinh thần cổ điển kết hợp với các hình thức trang trí mặt đứng theo tinh thần Á Đông, toà nhà chính Đại học Đông Dương có thể coi là công trình tiên phong của trường phái Kiến trúc Đông Dương, một sự kết hợp thành công bước đầu giữa kiến trúc nói riêng và văn hoá Phương Đông và Phương Tây nói chung ở Hà Nội.



Hoa văn trang trí cửa vào (trước đây sử dụng kính màu).



Chi tiết trang trí vòm trần chính sảnh.



Nội thất chính sảnh theo tinh thần Tân cổ điển.



Bức tranh tường của hoạ sĩ Victor Tardieu trong giảng đường lớn.

DiaOcOnline.vn - Theo website ĐH Đông Dương