Những thành phố tuyệt đẹp hồi sinh từ đống đổ nát

Cập nhật 28/11/2017 09:08

Đứng giữa con đường tấp nập của các thành phố tuyệt đẹp này, du khách khó có thể tưởng tượng rằng chiến tranh hay thảm họa thiên nhiên đã từng biến nơi đây thành những đống đổ nát.


Warsaw, Ba Lan: Thủ đô nhộn nhịp của Ba Lan ngày nay đã từng chỉ là đống đổ nát, bị hư hỏng nặng nề do vụ đánh bom vào năm 1939 khi Đức xâm lược Ba Lan. Sau đó 5 năm, trước khi rút quân, lực lượng Đức tiếp tục phá hủy thành phố nhằm trả thù Cuộc nổi dậy ở Warsaw. Tuy nhiên, sau khi chiến tranh kết thúc, thành phố đã được xây dựng lại. Điều đáng chú ý nhất là quảng trường Old Market lịch sử ở Warsaw và một phần của Old Town được Unesco công nhận là di sản thế giới đã được xây dựng lại từ đống đổ nát còn lại sau chiến tranh. Ảnh: Expedia.


Dresden, Đức: Thành phố Dresden của Đức nổi tiếng với kiến trúc baroque lạ thường, đồng thời là trung tâm văn hoá của châu Âu cũng như thủ đô lịch sử của Electors of Saxony.  Đêm 13/2/1945, đánh dấu sự khởi đầu của một trong những nhiệm vụ liên minh gây tranh cãi của Thế chiến II, vụ đánh bom Dresden. RAF và USAAF đã thực hiện 4 cuộc đột kích từ ngày 13/2 đến ngày 15/2/1945, ném 3.900 tấn bom và các thiết bị gây cháy xuống Dresden, khiến thành phố bị phá hủy nặng nề. Ngày nay, các tòa nhà nổi tiếng nhất của thành phố bao gồm Frauenkirche, cung điện Zwingler và Nhà hát lớn đã được phục dựng lại giống như trước chiến tranh. Ảnh: Radurlaub.


London, Anh: London là một trong những thành phố chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ chiến tranh trong Thế chiến II, đặc biệt là từ cuộc tấn công ném bom của Đức, được gọi là The Blitz, bắt đầu vào ngày 7/9/1940, và kéo dài 37 tuần. Có thông tin cho rằng khoảng 20.000 quả bom đã được ném xuống London và phá hủy hàng triệu ngôi nhà. Sau đó, công cuộc xây dựng lại thành phố đã bắt đầu ngay khi các vụ đánh bom kết thúc. Ảnh: Songquan Deng/123RF.


Berlin, Đức: Trong giai đoạn cuối Thế chiến II, khoảng 80% thành phố Berlin đã bị phá hủy nặng nề. Ngày nay khi ghé thăm Berlin xinh đẹp, du khách vẫn có thể bắt gặp một số khu vực không bao giờ được xây dựng lại, tạo thành những không gian trống rỗng lạ mắt ở giữa thành phố nhộn nhịp. Tuy vậy, Berlin vẫn được coi là một trong những thành phố đẹp nhất châu Âu. Ảnh: Viajesolympia.


Hiroshima, Nhật Bản: Vào ngày 6/8/1945, Mỹ đã ném quả bom nguyên tử đầu tiên xuống thành phố Hiroshima, Nhật Bản, phá hủy 2/3 thành phố và khiến hàng chục nghìn người mất mạng. Ngay sau đó, thành phố và các công trình quan trọng đã được xây dựng lại, trong đó có lâu đài Hiroshima thế kỷ 16 được phục dựng vào những năm 1950. Trong khi đó, mái vòm Genbaku Dome tồn tại qua trận ném bom đã được Unesco công nhận là di sản thế giới, đồng thời trở thành đài tưởng niệm hòa bình nổi tiếng thế giới. Ảnh: Intrepidtravel.


Beirut, Lebanon: Thủ đô của Lebanon đã bị thiệt hại nặng nề trong cuộc nội chiến kéo dài 15 năm từ năm 1975 đến năm 1990. Tuy nhiên, ngày nay, Beirut đã trở thành biểu tượng của sự hiện đại và sang trọng. Thay vì phục dựng lại các tòa nhà cũ bị hư hỏng nặng, các công trình hiện đại đã được lựa chọn để xây dựng và thay thế, đem đến bộ mặt hoàn toàn mới cho thành phố. Ảnh: Lonelyplanet.


Mostar, Bosnia Và Herzegovina: Mostar là thành phố lớn nhất và quan trọng nhất  khu vực Herzegovina. Mostar nằm 2 bên dòng sông Neretva và là thành phố lớn thứ 5 của Bosna và Hercegovina. Thành phố nổi tiếng khắp châu Âu trong nhiều thế kỷ vì kiến trúc tuyệt đẹp, bao gồm Stari Mosti mang tính biểu tượng thế kỷ 16 cùng với sự pha trộn của nền văn hoá Hồi giáo, Công giáo và Serb Orthodox. Tuy nhiên, sau Chiến tranh Bosnia, Mostar đã biến thành đống đổ nát, cho đến những năm gần đây, nhiều tổ chức quốc tế đã tài trợ nhằm tái thiết và xây dựng lại thành phố. Ảnh: Shutterstock.


Tokyo, Nhật Bản: Vào ngày 1/9/1923, tại Tokyo, Yokohama và các thành phố khác phía nam đảo Honshu, đã xảy ra trận động đất Kanto mạnh 7,9 độ richter và gây sóng thần, phá hủy những tòa nhà bằng gỗ của Tokyo. Ngày nay, các nhà sử học cho rằng động đất là một bước ngoặt đối với thủ đô của Nhật Bản vì trận thiên tai đã dẫn đến việc định hình và xây dựng Tokyo thành một thành phố hiện đại. Ảnh: Alexfind.


Lisbon, Bồ Đào Nha: Trận động đất ngày 1/11/1755 xảy ra tại Lisbon kèm theo những dư chấn đã phá hủy khoảng 85% thành phố với các cung điện, nhà thờ, thư viện cùng hàng nghìn ngôi nhà. Trận động đất không chỉ ảnh hưởng đến Lisbon mà còn lan rộng khắp Bồ Đào Nha. Tuy nhiên, bất chấp thảm họạ này, Lisbon ngày nay đã trở thành một trong những thủ đô giàu có về văn hoá và kiến trúc bậc nhất ở châu Âu. Ảnh: Ảnh: Theguardian.


San Francisco, Mỹ: Trận động đất San Francisco năm 1906 là một trong những thảm hoạ thiên nhiên lớn nhất ở Mỹ. Trận động đất mạnh 7,8 độ richter gây ra những thiệt hại nặng nề về kinh tế và con người tại một trong những trung tâm văn hoá và tài chính lớn nhất ở miền Tây nước Mỹ. Tuy nhiên, đến năm 1915, chưa đầy một thập kỷ sau thảm hoạ thiên nhiên, thành phố đã có những phát triển ngoạn mục. San Francisco mới có các đường phố lớn hơn cùng nhiều khu vực mới phát triển. Thành phố là nơi tổ chức Hội chợ Thế giới năm 1915, cũng như lễ kỷ niệm việc hoàn thành kênh đào Panama và sự hồi sinh kỳ diệu của San Francisco. Ảnh: Allpropertymanagement.


DiaOcOnline.vn - Theo Zing