Nhỏ nhắn Malacca

Cập nhật 20/02/2008 08:57

Malaysia gây ấn tượng chẳng phải bởi Kuala Lumpur với tháp đôi Petronas cao ngất trời, hay cao nguyên Genting có sòng bạc khổng lồ trong mây, mà quyến rũ nhất là Malacca nhỏ nhắn nhưng là nơi "bắt đầu tất cả" - như người Malaysia vẫn nói.

Từ cửa khẩu Woodland của Singapore, chỉ mất 5 phút làm thủ tục và đổi xe là đã có thể đặt chân sang đất Malaysia để nghe những lời đón chào niềm nở “Selamat Datang” (Hoan nghênh bạn đến Malaysia) vây bọc ngay ở cửa ngõ đất nước.



Pháo đài A'Famosa của người Hà Lan
để lại đã gội mưa nắng gần 500 năm.


Nhìn trên bản đồ, Malacca (còn đọc là Melaka) chỉ là một đốm nhỏ (bang nhỏ thứ 2 ở Malaysia, diện tích 1.658 km2) ở phía Tây Nam. Nhưng chính cái đốm nhỏ đó đã cho cả dải đất này và vùng biển cạnh đó những cái tên nổi tiếng - bán đảo Malacca, eo biển Malacca.

Khác với vùng biển sôi động ngoài kia, thành phố Malacca yên ả thanh bình với những nếp nhà một tầng tường trắng mái đỏ giữa um tùm cây lá: xoài măng cụt, sầu riêng... và đặc biệt rất nhiều dâm bụt vừa làm hàng rào vừa làm cảnh.



Hoa dâm bụt ở đây được coi là quốc hoa (giở những đồng Ringgit ra ngắm thấy nó có mặt ở khắp các tờ tiền). Hầu hết các nhà đều có chiếc garage nhỏ bên cạnh để ôtô. Xe ở đây khá rẻ chỉ khoảng 6.000 - 8.000 USD một chiếc Proton.

Lượn qua nhiều dãy đồi và những khu phố với những kiểu kiến trúc hết sức đa dạng là vào đến trung tâm thành phố. Vẫn một không khí tĩnh lặng thanh bình, có thể do cơn mưa chiều bất chợt, nhưng hơn cả là bởi vì nơi đây được mệnh danh là thành phố lịch sử, mà các di tích lại quy tụ khá dày ở trung tâm.

Nếu đã đến Malacca, du khách rất nên ra đường vào buổi tối, không phải để shopping mà là để hưởng không khí trong lành mát rượi. Lạ, ban ngày nắng tháng 7 như đổ lửa mà ban đêm mát lạnh như Hà Nội cuối thu.

Sẽ thấy thi vị hơn nữa nếu làm một cuốc xe trishaw (xe lôi 3 bánh) tham quan vòng quanh thành phố. Xe trishaw là một “đặc sản” Malacca rất gây ấn tượng với du khách. Nom nó giống một giàn hoa di động với hoa lá, lông ngỗng sặc sỡ cài cắm đầy xe và cả người lái.

Còn nếu dạo bộ, du khách hãy nhớ thỉnh thoảng nhìn xuống chân kẻo vô tình dẫm phải những chú ốc sên to kềnh bò ra từ các bụi cây ven đường. Chỉ dăm bước quanh cổng khách sạn đã gặp vài chục con ốc sên to cỡ gần nắm tay trẻ con. Cây cối ở đây được bảo vệ rất nghiêm ngặt. Dù là cây trong vườn nhà, muốn chặt cũng phải xin phép, nếu không sẽ bị phạt (đến 50 USD).

Lịch sử Malacca bắt đầu vào năm 1403, khi hoàng tử Parameswara xứ Sumatra bị lưu đày tìm chốn dung thân tại một làng chài nhỏ phía bờ biển đối diện cố hương.

Truyền thuyết kể rằng, vừa đặt chân tới đây hoàng tử chứng kiến cảnh một chú hươu nhỏ bị con chó đuổi cùng đường đã quay lại húc con chó kia xuống sông. Coi đây là điềm tốt báo hiệu miền đất lành, hoàng tử quyết định xây dựng thành phố tại đây và gọi tên là Malacca, theo tên loài cây mà ông ngồi nghỉ dưới vòm lá xanh khi chứng kiến cảnh ngoạn mục trên.

Một truyền thuyết điển hình Á Đông, nhưng người Malaysia đã biết biến cái vô hình thành thứ có thể sờ, ngắm được. Cái cây, nơi hoàng tử Parameswara từng ngồi, nằm ngay trên sườn đồi Thánh Paul ở trung tâm thành phố và được bảo vệ bằng một vòng rào khá nhã nhặn.

Cây không lớn như mọi người tưởng, có lẽ nó thuộc hàng cháu chắt của cái cây 600 năm trước. Nhưng câu chuyện huyền thoại bao quanh nó cùng tấm biển đồng dưới gốc bỗng khiến cây Malacca mảnh dẻ dường như có hồn vía và trở nên lung linh hơn trong mắt du khách.

Ban mai ở Malacca yên ả thanh khiết, cả thành phố như vẫn say ngủ trong sương hồng. Dưới quảng trường trung tâm chỉ thấy các nhóm du khách đang háo hức nhìn ngắm, khiến ta có cảm giác như đang đứng giữa một thị trấn châu Âu.

Đứng trên đỉnh đồi Thánh Paul có thể nhìn thấy hầu như toàn bộ khu phố cổ với chi chít các thắng cảnh, di tích như một tấm gương phản chiếu lịch sử của đất nước Malaysia.



Toàn cảnh nhà thờ Thánh Paul.


Ngay dưới chân đồi, phía bên trái là tòa nhà Staddhuys (có lẽ là State House trong tiếng Anh) màu đỏ, cửa trắng đậm phong cách Hà Lan, hồi thế kỷ 17 vốn là công thự của các thống đốc Hà Lan, nay là bảo tàng Dân tộc học.

Cách mấy bước liền kề là đài phun nước với cột đá kiểu Anh tưởng niệm Nữ hoàng Victoria. Xa hơn một chút là phố Tàu với ngôi đền Thanh Vân Đường rực rỡ sắc màu đúng kiểu Trung Hoa thờ Nữ thần biển - người đã phù hộ cho bao thế hệ người Hoa vượt biển sang định cư nơi này.

Đi xuống chân đồi phía bên phải, du khách sẽ lọt vào một thế giới đích thực Mã Lai với tòa cung điện “Melaka Sultanate” nổi tiếng làm hoàn toàn bằng gỗ tếch, nay là Bảo tàng văn hóa được gọi là “Serajah Melayu” (nghĩa là “Biên niên sử Malay”).




Cung điện Sultan bằng gỗ tếch cho
ta biết rất nhiều về văn hoá Malaysia.


Sự đa dạng về kiến trúc và văn hóa ở đây là điều dễ hiểu nếu lần giở lại những trang sử hơn 600 năm của mảnh đất này. Dười thời Parameswara, Malacca nhanh chóng trở thành một thương cảng sầm uất cho nhiều tàu thuyền và thương nhân từ Trung Hoa, Ấn Độ, Ảrập và châu Âu.

Người Bồ Đào Nha dưới sự chỉ huy của Alfonso de Albuquerque đã đến chinh phục Malacca đầu tiên và đặt ách thực dân suốt 130 năm (từ năm 1511). Liền sau đó, người Hà Lan thế chân thống trị mảnh đất này 154 năm. Từ năm 1824 cho đến khi Malaysia giành quyền độc lập (năm 1957) đây là thuộc địa của Anh, đấy là chưa kể 3 năm chiếm đóng của Nhật Bản trong Thế chiến II. Còn người Hoa đã đời đời kế tiếp nhau định cư ở đây từ thế kỷ 15.

Chính sự đa dạng văn hóa của Malacca là thứ dẫn dụ người ta đến đây nhiều nhất. Tất cả tồn tại bên nhau hồn nhiên, hài hòa: đây quảng trường Bồ Đào Nha, kia phố Tàu, cung điện Sultan đứng cạnh pháo đài Hà Lan, nhà thờ Hồi giáo cách không xa nhà thờ Catholic.

Ngay trong một nhà thờ Thánh Christ cũng thấy đủ hết các dấu ấn từ Bồ Đào Nha, Hà Lan đến Anh. Một điểm hấp dẫn nữa ở đây là hiện tượng đa ngôn ngữ. Có những người nói được nhiều thứ tiếng (Malay, Hoa, Ấn Độ), người thuần Hoa, người thuần Ấn, rồi hậu duệ người Bồ Đào Nha và những người Âu - Á..., nhưng cứ "bắn" tiếng Anh là họ hiểu hết, chứ không phải vất vả tay chân.

Theo Địa Ốc Tuổi Trẻ