Nét đẹp “vầng trăng khuyết”

Cập nhật 29/10/2007 08:24

Là 1 trong 9 công trình xuất sắc đạt tiêu chuẩn cao nhất về kiến trúc trong số các dự án tham gia tranh giải thưởng kiến trúc Aga Khan 2007, công trình Đại học Kỹ thuật Petronas (University of Technology Petronas) của Malaysia đã giới thiệu một loại hình kiến trúc kỹ thuật cao mang tính biểu trưng và đầy ngẫu hứng cho một môi trường giáo dục nâng cao ở một quốc gia Hồi giáo đang có những bước phát triển rất nhanh chóng.




Công trình Đại học Kỹ thuật Petronas là một học viện lớn trong vùng đào tạo chuyên sâu các ngành chuyên môn về dân sự, kỹ thuật, hóa học và công nghệ điện tử. Công ty kiến trúc Foster + Partners và Công ty GDP Architects đã đưa ra phương án thiết kế và triển khai xây dựng từ năm 1998, đến năm 2004 là hoàn thành.




Trường đại học tọa lạc trong một vùng phong cảnh xinh đẹp của Seri Iskandar, cách thủ đô Kuala Lumpur khoảng 300km về phía Bắc. Khu đất rộng 450 ha, có địa hình đồi dốc và nhiều hồ nước.

Thiết kế đã đáp ứng được với vùng cảnh quan đã có sẵn và điều kiện khí hậu tương đối đặc biệt ở khu vực này. Tại đây, mùa nắng trời rất nóng, nhưng vào thời điểm gió mùa, buổi chiều trời lại mưa như trút. Vì vậy, công trình đã tạo ra mái che hình trăng lưỡi liềm vút lên cao bao vòng cả khu đất. Hệ mái được nâng bởi những chiếc cột thanh mảnh giao nhau ở giữa khu đất, ôm trọn một công viên sinh hoạt với cây cối cao rậm và có cả những xếp đặt nước chảy tự nhiên như một khu rừng.



Điểm nhấn ngay lối vào chính của trường là một thiết kế trung tâm dữ liệu có hình cái trống. Nơi đây có một thư viện lớn và một nhà hát đa chức năng, là tâm điểm của những hoạt động sinh hoạt quần chúng.


Với loại hình kiến trúc kỹ thuật cao mang tính biểu trưng, công trình Đại học Kỹ thuật Petronas đã giới thiệu một cấu trúc đầy tính ngẫu hứng cho một môi trường giáo dục nâng cao ở một quốc gia có bước phát triển rất nhanh chóng, đáp ứng được những yêu cầu và khát vọng của xã hội Hồi giáo đã được hình thành trên cơ sở tìm tòi, nghiên cứu, thấu hiểu và nỗ lực đưa ảnh hưởng năng động của những thay đổi vật chất vào những cộng đồng Hồi giáo.





Theo Tuổi Trẻ