Karnak – Đền của các ngôi đền

Cập nhật 18/04/2008 11:35

Karnak là quần thể kiến trúc đền lớn nhất Ai Cập nằm gần Luxor Temple, với nhiều cột đá, tượng khắc đá và tháp nhọn vuông. Ngôi đền này chủ yếu thờ thần Amon, ngoài ra còn thờ thần gió và không khí, cùng với nữ thần Mut (vợ của Amon) và con trai là thần Mặt Trăng Cohens.



Là công trình kiến trúc - nghệ thuật tiêu biểu cho sự thịnh vượng của Ai Cập thời tân đại (khoảng 1.500-1.000 năm trước Công nguyên), đền được xây dựng trên một khu đất rộng 40 ha với hàng trăm cột trụ đá cao 16 m và to đến mười người ôm mới xuể.



Những bút tháp (obelisk) bằng đá granit nguyên khối, cao 29 m, nặng 385 tấn, sừng sững giữa trời như thách thức kỹ thuật kiến trúc hiện đại. Đền được nối liền với đền Luxor bằng một đại lộ dài 3.000 m, hai bên san sát hai hàng nhân sư (sphinx) bằng đá.



Khác với các công trình ở Hy Lạp chỉ xây một lần bởi một kiến trúc sư, các công trình kiến trúc cổ Ai Cập được xây dựng qua nhiều thời kỳ khác nhau, bởi nhiều Pharaon khác nhau, có khi từ vị nọ đến vị kia cách nhau cả nghìn năm và ông vua nào cũng muốn để lại trên các công trình dấu ấn của mình.



Nếu các công trình ở Hy Lạp cốt vươn tới cái đẹp thì tại Ai Cập lại nhằm đạt đến sự uy nghi, để tôn vinh quyền lực thần thánh của các Pharaon. Đứng trước các công trình hoành tráng này, du khách nào cũng phải sững sờ trước khả năng tưởng tượng lạ lùng của con người thuở đó, và không khỏi nghĩ về nỗi khổ đau của những người dân phải lao động khổ sai để xây dựng chúng.

DiaOcOnline.vn tổng hợp