Trong tiếng ngân của chuông chùa Hàn Sơn, du khách chợt nhớ đến tiếng chuông nửa đêm năm nào trong bài Phong kiều Dạ bạc của nhà thơ Trương Kế. Cảnh tuy đã khác, người cũng không còn, nhưng tiếng chuông xưa vẫn vang vọng một hồi ức khó quên.
Đến với vùng Cô Tô xưa và Tô Châu nay, du khách sẽ nghe kể nhiều về ngôi chùa cổ mang tên Hàn Sơn tự. Tuy không to lớn, nhưng gắn liền với ngôi chùa là câu chuyện cảm động về tình bè bạn và những bài thơ Đường bất hủ mãi tận ngày nay của Trương Kế thi gia.
Hàn Sơn Tự là ngôi chùa cổ nằm ở phía tây của trấn Phong Kiều, cách trung tâm Tô Châu gần 5 cây số, bên cạnh con kinh hẹp và có một cây cầu đá dốc cao bắc ngang trước chùa. Chùa được xây dựng vào khoảng thế kỷ VI, thời nhà Lương (502-519) với tên gọi ban đầu là Diệu Lợi Phổ Minh Tháp viện. Đến thời nhà Đường, tên gọi Hàn Sơn mới được đặt, nhằm tưởng nhớ đến nhà sư trụ trì nơi đây. Sau những thăng trầm, Hàn Sơn tự đã được các triều nhà Thanh gìn giữ, tu bổ cho đến ngày nay. Việc đặt tên chùa Hàn Sơn liên quan đến chuyện kể về hai người bạn kết nghĩa anh em có tên là Hàn Sơn và Thập Đắc.
Chuyện kể rằng, ngày xưa ở miền quê nọ, có 2 chàng trai tên là Hàn Sơn và Thập Đắc, họ thân thiết và sống với nhau trong tình nghĩa anh em. Khi gia đình đi hỏi vợ cho mình, Hàn Sơn mới biết rằng cô dâu tương lai ấy chính là người yêu của Thập Đắc. Vì sợ buồn lòng em vì vậy, chàng đã lặng lẽ bỏ nhà ra đi và dừng chân ở một ngôi chùa nhỏ. Về phần Thập Đắc, nghĩ rằng vì mình mà Hàn Sơn ra đi nên cũng quyết đi tìm anh. Cuối cùng, như duyên trời định, họ lại gặp nhau tại chính ngôi chùa nơi Hàn Sơn ẩn mình. Họ lại sống cùng nhau như huynh - đệ ngày nào. Cảm động vì câu chuyện trên vì vậy, tên gọi Hàn Sơn đã được đặt cho ngôi chùa để tưởng nhớ.
Không chỉ thu hút du khách bằng những câu chuyện kể, Hàn Sơn tự còn là nguồn cảm hứng vô tận của bao lớp thi nhân. Trong cảnh tình miền sông nước Giang Nam, Trương Kế đã viết nên những vần thơ Đường bất hủ, gói tròn trong Phong Kiều Dạ Bạc về một đêm trăng tàn chợt ngân lên tiếng chuông đêm từ cổ tự Hàn Sơn.
“Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên
Giang phong ngư hỏa đối sầu miên
Cô Tô thành ngoại Hàn Sơn Tự
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền”.
Bài thơ được thi sĩ Tản Ðà dịch qua thể lục bát:
“Trăng tà tiếng qụa kêu sương
Lửa chài cây bến sầu vương giấc hồ
Thuyền ai đậu bến Cô Tô
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San”.
Tương truyền, Trương Kế (742-756), người Tương Châu (nay gần Thành Phố Tương Phán, tỉnh Hồ Bắc) trên đường về lại cố quận trong đêm thanh vắng đã neo thuyền trên bến Phong Kiều gần chùa Hàn Sơn. Với tâm trạng buồn bã vì vừa thi rớt, thêm vào cảnh quạnh quẽ hoang vắng với ánh lửa le lói của dân thuyền chài, nghe tiếng quạ kêu và tiếng chuông chùa Hàn Sơn, ông đã "tức cảnh sinh tình" sáng tác bài thơ "Phong Kiều Dạ Bạc",trở thành tác phẩm nổi tiếng trong văn học Trung Hoa.
Chỉ bốn câu thôi, nhưng cũng đủ để người ta hình dung về một khoảng trời mênh mông, giữa màn sương lạnh, vạn vật dường như đã đi vào giấc nồng của vũ trụ, chợt vang lên tiếng chuông đêm thánh thót làm cho cả không gian dường như bừng tỉnh.
Tháp chuông Hàn Sơn Tự.
|
Hàn Sơn Tự nổi tiếng với nhiều kiến trúc trang nghiêm và cổ kính như Ðại Hùng Bửu Ðiện, Phổ Minh Tháp Viện, Hàn Thập Ðiện, La Hán Ðường, Hàn Tháp Ðình, Phương Trượng Thư, Hoằng Pháp Ðường, Tàng Kinh Lâu, Tăng Ðường và vườn Phong Kiều. Nhưng đặc biệt nhất có lẽ là tháp chung trên đó chỉ treo duy nhất một quả chuông đồng nặng 2 tấn (2,000 kg), mỗi khi ngân lên nghe thanh thoát làm tan biến mọi phiền não. Nghe nói, Trương Kế năm sau đó đã đậu Tiến Sĩ vì ở lại học ôn tại Hàn Sơn Tự và hằng đêm nghe tiếng chuông thanh tịnh làm trí óc minh mẫn thêm.
Ngày nay, khi đến viếng Hàn Sơn tự du khách sẽ có dịp chiêm ngưỡng bức bích họa nổi tiếng mang tên “Hàn Sơn - Thập Đắc” được khắc trên đá của danh họa đời Thanh – La Sính Sở, thủ bút của thư pháp gia nổi danh Trương Xư Liêu - đời Tống qua bộ kinh Kim Cương hay khám phá Tàng Kinh các - nơi lưu trữ kinh thư nhà Phật.
Tàng kinh các.
Tượng thập bát La Hán trong Hàn Sơn Tự.
|
Ngoài ra, Hàn Sơn còn có hệ thống tượng Phật, Tôn hành giả, Thập bát La Hán, những bia đá ghi lại những vần thơ tuyệt tác của các thi nhân ở Trường Lang và cũng không quên nhắc đến những chiếc chuông đã làm nên cái hồn cho Hàn Sơn tự, nhất là vào những đêm trừ tịch - khi 108 tiếng chuông ngân vang lên giữa đêm (cầu Phật Tổ ban phúc lành cho bá tánh), người ta mới cảm hết được cái thần và hồn của Phong Kiều Dạ bạc trên bến nước Cô Tô.
DiaOcOnline.vn tổng hợp
Ảnh: Internet