Cố Cung

Cập nhật 14/10/2010 11:30

Tại trung tâm Bắc Kinh, có một quần thể kiến trúc mái vàng rực rỡ, trang nghiêm huyền bí - đó là Tử Cấm Thành, tức Cố Cung. Cố cung Bắc Kinh là viên ngọc sáng ngời trong các kiến trúc cung đình của Trung Quốc, cụm kiến trúc kết cấu bằng gỗ có quy mô lớn nhất và nguyên vẹn nhất trên thế giới.


Cố Cung do Chu Đệ, đời vua thứ hai nhà Minh ra lệnh xây dựng vào năm 1406 và kéo dài suốt 14 năm mới hoàn thành. Trong gần 500 năm lịch sử, cho đến khi triều đình nhà Thanh bị lật đổ, tổng cộng có 24 đời vua từng sống và xử lý quốc sự tại đây. Quy mô to lớn, phong cách đẹp mắt, kiến trúc hoành tráng, bày biện sang trọng của Cố Cung đều thuộc loại hiếm có trên thế giới. Diện tích Cố Cung hơn 20.000 m2, chiều dài nam - bắc gần 1.000m, chiều đông - tây rộng 800m, xung quanh có tường thành cao hơn 10m bao bọc, bên ngoài bức tường có sông hộ thành rộng hơn 50m.


Cố Cung được xây dựng theo trật tự lễ giáo, quy phạm chính trị và tinh thần luân lý của các vương triều phong kiến Trung Quốc. Bố cục chỉnh thể cũng như quy mô, hình dáng, màu sắc trang trí và trưng bày của Cố Cung đều thể hiện quyền vua tối cao và đẳng cấp nghiêm ngặt. Ba ngôi điện lớn trong Cố Cung thu hút sự chú ý của mọi người nhất. Đó là điện Thái Hoà, điện Trung Hòa và điện Bảo Hoà, là những ngôi điện chính của các nhà vua thi hành quyền lực thống trị và tổ chức các nghi lễ long trọng.


Điện Thái Hoà là kiến trúc tráng lệ nhất trong Cố Cung. Trên quảng trường hướng nam rộng 30.000m2, điện Thái Hoà được xây trên các bậc thang màu trắng cao 8m, chiều cao của điện gần 40m, là kiến trúc cao nhất trong Cố Cung. Trong nền văn hóa Trung Quốc, rồng tiêu biểu cho quyền vua, nhà vua được coi là "chân long thiên tử", các vật trang trí trong điện Thái Hoà đều sử dụng nhiều hình tượng của rồng, phía trên bên dưới có tới gần 13 nghìn hình tượng con rồng.

Kiến trúc của Cố Cung còn nhiều thứ để nghiên cứu. Các cung điện trong Cố Cung đồ sộ, lầu các trùng điệp, truyền rằng tổng cộng có 9.999 gian. Người thời xưa cho rằng, nhà ở của Thiên Đế, tức vua trời trên tiên cung, có 10 nghìn gian, nhà vua là con của Thiên hoàng, phải hạn chế bản thân, không được vượt quá Thiên đế, cho nên số lượng các gian nhà trong Cố Cung ít hơn Thiên cung nửa gian.


Cụm kiến trúc Cố Cung đồ sộ, đã tập trung kết tinh trí tuệ vượt bậc của nhân dân lao động Trung Quốc. Lớn là kết cấu của cả cụm kiến trúc, nhỏ là mỗi thứ trang trí các loại trên mái nhà, cửa ra vào, tường vách đều giàu trí tưởng tượng kỳ diệu. Nền móng bằng đá trắng của điện Thái Hoà đã khiến ngôi điện này trở nên càng đồ sộ và hoành tráng.


Cố Cung là cụm kiến trúc bằng gỗ, thợ kiến trúc các đời vua đã vắt óc cho phương pháp phòng hỏa hoạn. Trong Cố Cung có bốn dãy nhà bên trong bằng đá, bên ngoài trông như nhà cửa, nhưng toàn bộ bên trong đều do những phiến đá tạo thành, đây là tường phòng hỏa do các kiến trúc sư dày công thiết kế. Trong các khuôn viên của Cố Cung, tổng cộng đặt 308 chiếc vạc lớn, bên trong vạc quanh năm đều chứa đầy nước dùng để phòng hỏa. Đến mùa đông, cho người đốt lửa ở dưới để giữ cho nước ấm không bị đóng băng.

Cố Cung là cụm kiến trúc cung điện cổ đại được bảo tồn nguyên vẹn nhất và lớn nhất trên thế giới hiện nay. Theo sách sử ghi chép lại, trong thời gian xây dựng Cố Cung, triều Minh từng huy động hàng trăm nghìn thợ các loại và hàng triệu phu xây dựng, nguyên vật liệu chở từ khắp các nơi trong cả nước đến, kể cả từ tỉnh Vân Nam cách Bắc Kinh hằng mấy nghìn km.

Vì là Hoàng cung nên Cố Cung còn lưu trữ rất nhiều văn vật quý hiếm. Theo thống kê, có tới hơn hàng triệu văn vật còn lưu giữ, chiếm một phần sáu tổng số văn vật của cả Trung Quốc, trong đó có rất nhiều quốc báu có một không hai. Những năm 80 của thế kỷ trước, chính phủ Trung Quốc đã cho xây hơn 100 gian nhà kho ngầm, phần lớn văn vật được cất giữ ở bên dưới "địa cung" này.

Cụm kiến trúc Cố Cung đồ sộ hoành tráng đã trở thành biểu tượng của nền văn hóa Trung Quốc. Các nhà kiến trúc trong và ngoài nước công nhận rằng, ̣ thiết kế và kiến trúc của Cố Cung Bắc Kinh là một kiệt tác không gì sánh nổi, nó là tiêu chí của truyền thống văn hóa lâu đời Trung Quốc, thể hiện thành tựu xuất sắc về kiến trúc của những người thợ Trung Quốc cách đây hơn 500 năm.


Cố Cung đã trải qua hơn 580 năm kể từ khi xây, phần lớn kiến trúc trong Cố Cung đã cũ. Những năm gần đây, các du khách đến thăm quan Cố Cung ngày một đông, lưu lượng du khách hằng năm gần 10 triệu lượt người. Để giữ gìn Cố Cung được tốt hơn, từ năm 2003, chính phủ Trung Quốc bắt đầu cho trùng tu từng phần cho đến toàn diện Cố Cung. Công trình trùng tu này sẽ được tiến hành liên tục trong 20 năm.

DiaOcOnline.vn - Theo VnExpress