Choáng váng vì biệt thự quá xịn

Cập nhật 12/04/2012 15:50

Ngôi biệt thự đẹp ngập tràn hương gỗ, gây choáng ngợp cho bất cứ ai bước vào trong

Đến thăm nhà anh Hiếu, chị Thắm tại khu biệt thự thuộc đô thị Văn Quán (Hà Nội), chúng tôi không khỏi choáng ngợp trước sự sang trọng đầy chất cổ điển hiếm thấy của một ngôi nhà có gia chủ ưa chuộng đồ gỗ. Điểm nổi bật nhất của toàn thể khối kiến trúc không gian sống của gia đình anh chị chính là ở nội thất hoàn toàn bằng gỗ tự nhiên được đặt từ thương hiệu nổi tiếng Đồng Kỵ. Chính vì vậy, chúng tôi cũng chẳng quá ngạc nhiên khi được biết gia chủ chính là chủ sở hữu của 1 trong 1000 chiếc trống đồng được dành riêng cho đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long.


Căn biệt thự hơn 200m2 đón chúng tôi bằng hương gỗ pơmu thơm dịu và sắc vàng nâu bóng bẩy phủ khắp toàn bộ ngôi nhà. Ưa chuộng sự bền lâu và cảm giác chắc chắn, vững chãi của gỗ thịt, lại mê mẩn những đường nét chạm trổ tinh xảo và cầu kỳ, nên gia chủ đầu tư không ít tâm sức để lựa chọn và bảo quản từng bộ bàn ghế, từng đồ vật, từng bức tranh, từng chi tiết nhỏ trong nhà. Do đó, không gian sống của anh chị không chỉ đẹp mắt và sang trọng mà còn đáp ứng được những yếu tố phong thủy vốn rất quan trọng trong đời sống của mỗi gia đình.

Phòng khách ấm cúng của ngôi biệt thự phủ màu vàng nâu sang trọng và quý phái.


Nội thất gỗ Đồng Kỵ chạm trổ cầu kỳ mang lại vẻ đẹp cổ điển.

Vật trang trí bằng ngọc cũng tinh xảo không kém.

Tận mắt chiêm ngưỡng chiếc trống đồng 1000 năm được các nghệ nhân Việt đúc bằng phương pháp thủ công.


Gia chủ sử dụng bàn thờ nơi phòng khách để thờ vọng Hồ chủ tịch. Đồng thời nơi này cũng treo một bức tranh “Vinh quy bái tổ” khảm vàng tuân thủ chặt chẽ các tiêu chí phong thủy để “rước lộc vào nhà”.

Chiếc đồng hồ quả lắc bằng gỗ tự nhiên trong phòng khách được chủ nhà cất công đặt đóng từ tận nước Đức xa xôi.

Tiếp nối phòng khách là không gian dành cho một bộ sập gụ, cũng là nơi thờ ba vị thần Phúc – Lộc – Thọ của gia đình.


Gia chủ thờ ba vị Phúc, Lộc, Thọ trên bộ sập tủ, bên bình gỗ nguyên khối được chạm trổ và lư hương đồng.

Lư hương bằng đồng có năm con kỳ lân tượng trưng cho Ngũ phúc.

Bước qua gian thờ thần, chúng ta đến được khu vực bàn ăn và tủ bếp của gia đình. Tại đây, gia chủ treo các bức tranh 4 mùa Tùng – Cúc – Trúc – Mai mang hơi hướng nội thất và kiến trúc Đông phương cố điển.


Phòng ăn nối tiếp khu vực thờ ba vị thần.


Nơi đây cũng sử dụng các đồ nội thất bằng gỗ thịt chắc chắn, tuy nhiên gia chủ lựa chọn những đường nét mềm mại và ít chạm trổ hơn.

Bộ tranh Tứ quý đại diện cho 4 mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông được treo ở địa điểm dễ nhìn và hợp mắt


Bộ tủ bếp “nặng cân” này quả cũng là điều đáng mơ ước đối với nhiều bà nội trợ.

Tạm biệt tầng một của căn biệt thự, chúng tôi bước chân lên tầng 2 và tầng 3, tiếp tục hành trình tham quan, chiêm ngưỡng với những ngạc nhiên và trầm trồ mới. Không phải bởi gia chủ trưng bày thêm những vật mới lạ, kỳ thú, mà chúng tôi trầm trồ bởi sự đầu tư và chuyên sâu của gia đình anh Hiếu chị Thắm trong sở thích của mình. Cảm quan kiến trúc có thiên hướng gần gũi với thiên nhiên, ưa chuộng sự thư thái và hiền hòa của gỗ, tỉ mẩn với những chạm trổ tinh xảo và quý phái tiếp tục được thể hiện vô cùng rõ nét tại đây.

Trụ cầu thang được chạm trổ theo tích xưa.
 

Không gian tầng hai mở ra với bức tranh cô gái Hà Nội xưa được rọi sáng dưới ánh đèn vàng ấm áp.

Trên tầng 2, gia chủ tiếp tục dành không gian cho một phòng khách sang trọng với bộ bàn ghế Cửu Long tranh châu (9 con rồng) và Ngũ Phúc (5 con dơi).




Bộ bàn ghế Cửu Long, Ngũ Phúc được chạm trổ hết sức cầu kỳ bởi đôi bàn tay vô cùng khéo léo của các nghệ nhân làng gỗ.

Bổ trợ cho không gian này là những vật trang trí bằng ngọc rất tinh xảo.

Còn tầng 3 của căn biệt thự được kiến tạo như một không gian tương lai cho cậu con trai của vợ chồng gia chủ. Cũng với phòng khách, không gian chờ dành cho phòng ngủ, phòng vệ sinh, ban công,… nơi đây có đầy đủ các tiện nghi của một căn hộ riêng được lồng ghép vào căn nhà chính.

Tầng 3 đón khách khứa tới nhà bằng bức tranh hoa đào tươi mới.





Không gian rộng lớn của tầng ba hiện đang ít được dùng đến do cậu con trai còn nhỏ tuổi. Nơi đây cũng sử dụng các tiện nghi nội thất tương xứng và đồng bộ với các phòng còn lại trong nhà, và đang là một không gian mở để chờ đợi đến ngày được cậu chủ nhỏ sử dụng.

Ngoài các phòng dành cho mục đích sử dụng của các thành viên trong nhà, anh Hiếu chị Thắm còn kiến tạo tầng áp mái thành một không gian nghỉ ngơi rộng rãi cho những mâm cơm tề tựu đông vui ngày Tết và một phòng thờ để làm nơi hiếu kính với tổ tiên.


Khu vực phòng thờ được thiết kế hợp lý trên tầng áp mái của căn biệt thự.

Bên cạnh các không gian sinh hoạt chung, chúng tôi cũng được phép chọn và “đột nhập” một trong số các phòng ngủ của gia đình để chiêm ngưỡng và kiểm chứng sự toàn tâm, toàn ý với niềm đam mê gỗ của gia chủ.




Phòng ngủ sử dụng giấy dán tường màu vàng nâu hòa hợp với sắc gỗ ấm áp của bộ giường tủ theo phong cách Hoàng hậu. Trên mỗi đầu giường của 2 người đàn ông trong nhà đều có treo chữ Phúc để đón lộc vào nhà.




Không rập khuôn, gò ép mọi ngóc ngách trong nhà, các phòng vệ sinh được gia chủ khoác lên một diện mạo cơ bản và khá phổ biến trong những ngôi nhà có diện tích rộng lớn.

Khách đến nhà cảm thấy mê đắm với những chiếc đèn quá đẹp


Các loại đèn trong nhà từ đèn chùm cho đến đèn tường được gia chủ lựa chọn rất tinh tế




Những chiếc đèn làm mê mẩn bất cứ ai được ngắm Một điểm nổi bật khác nữa của căn biệt thự đã được chúng tôi nhắc đến từ đầu: mùi hương gỗ pơmu đến từ những mảng trần chạm khắc của nghệ nhân được gia chủ cất công mời từ Đà Nẵng. Không chỉ tỏa ra hương thơm êm dịu và thư thái, những mảng trần này còn được chiếu sáng và tô điểm bởi rất nhiều loại đèn đắt tiền và sang trọng do chính tay gia chủ lựa chọn.

DiaOcOnline.vn - Theo Eva