Tổng dư nợ cho vay bất động sản của hệ thống ngân hàng cho đến nay đạt 115.500 tỷ đồng, chiếm 9,15% tổng dư nợ trên toàn hệ thống.
Trần lãi suất cho vay được kéo dần xuống mức thấp theo diễn biến của lãi suất cơ bản và hiện nay còn 12,75%/năm. Các ngân hàng cho vay còn áp dụng mức thấp hơn so với trần quy định trên, do tiến độ giải ngân vốn hiện nay khá chậm khiến vốn khả dụng có dấu hiệu dư thừa. Song do nhiều lý do, vốn vào bất động sản vẫn khó, dù các điều kiện tín dụng đã được ngân hàng mở rộng hơn so với 3 quý đầu năm.
Trong tổng số 2.000 tỷ đồng Ngân hàng Á Châu (ACB) dành để giải ngân cho lĩnh vực bất động sản, hỗ trợ những người có nhu cầu về nhà ở thực sự kể từ tháng 9/2008 đến nay, ông Bùi Tấn Tài, Phó tổng giám đốc ACB cho biết, chỉ giải ngân được phân nửa. Các điều kiện tín dụng trong cho vay mua nhà trả góp hiện nay cũng thông thoáng hơn.
Cụ thể, ACB sẽ xem xét thanh khoản của từng địa bàn cũng như giá trị tài sản đảm bảo để đưa ra quyết định hạn mức tín dụng cấp cho khách hàng dao động từ 50 - 70%. Lãi suất cho vay được kéo về dưới trần 12,75%/năm và thời hạn nâng lên tối đa khoảng 10 năm, thay vì dưới 5 năm như 2 quý đầu năm.
Thế nhưng, so với ACB, tiến độ giải ngân của một số ngân hàng khác vào lĩnh vực bất động sản còn chậm hơn, cho dù đã bắt tay nối lại cho vay bất động sản. Tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần cho biết, hiện ngân hàng này không chỉ cho khách hàng cá nhân vay tiền mua nhà ở dưới hình thức trả góp, mà còn xem xét các dự án hiệu quả để rót vốn cho chủ đầu tư. Tuy nhiên, theo ông, trong giai đoạn này, các chủ đầu tư có dự án hiệu quả vẫn chưa mặn mà với vốn vay, do thị trường bất động sản còn đóng băng và đầu ra cũng hạn chế.
Riêng với chủ đầu tư đang cần vốn để triển khai tiếp các dự án dở dang thì ngân hàng tỏ ra chần chừ, do lo ngại hiệu quả kém. Hiện các ngân hàng cũng chỉ chọn những dự án đã ra thành phẩm và đầu ra tốt để hỗ trợ vốn cho chủ đầu tư. Có thể kể đến dự án Chung cư E.home của Nam Long tại Quận 9, TP. HCM đã liên kết được 2 ngân hàng hỗ trợ vốn cho người mua nhà là Việt Á Bank và Techcombank.
Có thể nói, chủ đầu tư và ngân hàng vẫn chưa tìm được tiếng nói chung, khiến dòng vốn vào bất động sản chững lại. Còn với khách hàng cá nhân, vay vốn trong thời điểm này để mua nhà trả góp cũng chưa hẳn là giải pháp được ưu tiên, do tâm lý của nhiều người còn chờ đợi xu hướng giảm thêm của giá nhà đất. Ngay cả các chuyên gia kinh tế cũng nhận định, khả năng đến cuối năm sau thị trường bất động sản mới có cơ hội phục hồi, nhất là ở phân khúc nhà ở có mức giá 1 tỷ đồng trở lên.
Tổng giám đốc Liên Việt Bank, ông Nguyễn Đức Hưởng cho biết, với tín dụng bất động sản, Ngân hàng đã nâng hạn mức cấp vốn lên 50 - 60% trên tổng giá trị tài sản đảm bảo, lãi suất cho vay cũng giảm nhiều so với trước.
Song để giải ngân được vốn vào lĩnh vực này hoàn toàn không dễ dàng như trước, một phần do rủi ro thị trường gia tăng buộc Ngân hàng phải thận trọng hơn. Chính vì tham gia thị trường tài chính đầu năm nay, Liên Việt Bank đã phần nào nhìn thấy được rủi ro cho vay vào bất động sản khi giá nhà, đất giảm mạnh nên dư nợ tín dụng vào lĩnh vực này rất thấp.
ABBANK vừa có chương trình khuyến mãi "vay tiền được thưởng vàng" dành cho khách hàng vay tiền mua nhà trong vòng 10 năm, thời gian ân hạn tối đa là 3 tháng. Ngân hàng này cho biết, mức cho vay tối đa là 70% tổng nhu cầu vốn nhưng không vượt quá 70% giá trị tài sản đảm bảo.
Nhìn chung, các ngân hàng vẫn kiểm soát nhưng không quá chặt đối với tín dụng bất động sản như 2 quý đầu năm, nhất là cho vay mua nhà trả góp. Tuy nhiên, tiến độ giải ngân vốn vào bất động sản lúc này vẫn khó tăng, dù lãi suất đã giảm.
Trả lời báo chí trong cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ dịp cuối năm tại TP. HCM mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu cho biết, tổng dư nợ cho vay bất động sản của hệ thống ngân hàng cho đến nay đạt 115.500 tỷ đồng, chiếm 9,15% tổng dư nợ trên toàn hệ thống. Như vậy, dư nợ tín dụng lĩnh vực bất động sản của các ngân hàng đã giảm khoảng 8.500 tỷ đồng so với đầu năm.
DiaOcOnline.vn - Theo Đầu Tư Chứng Khoán