Vốn nhàn rỗi đang chờ...

Cập nhật 21/04/2012 08:15

Từ đầu năm đến nay với 2 lần điều chỉnh hạ trần lãi suất huy động, NHNN đã phát đi thông điệp đến cuối năm lãi suất huy động sẽ chỉ còn 10%/năm. Nhiều dự đoán điều này sẽ làm dòng vốn tiền gửi có thể chuyển dịch sang các kênh đầu tư khác, nhưng thực tế cho thấy vốn nhàn rỗi vẫn chờ thời tại kênh tiền gửi NH.

Tiền gửi vẫn tăng


Trước đây, mỗi khi hạ trần lãi suất huy động các NHTM đều đồng loạt niêm yết lãi suất đụng trần ở tất cả kỳ hạn. Nhưng khi trần lãi suất được điều chỉnh giảm còn 12%/năm, nhiều NHTM đã niêm yết các kỳ hạn dài từ 6 tháng trở lên dưới mức 12%/năm, trong khoảng 11,3-11,75%/năm các kỳ hạn 3-6 tháng.

Theo một lãnh đạo NH cổ phần, điều này là tất yếu bởi dự đoán lãi suất từ nay đến cuối năm trong xu thế giảm nên các NHTM không niêm yết lãi suất cao ở kỳ hạn dài để tránh rủi ro lãi suất trong tương lai. Động thái này cũng phản ánh thanh khoản ngắn hạn của các NHTM đã được cải thiện đáng kể.

Số liệu mới đây của NHNN cho biết tính đến 26-3, tổng số dư tiền gửi của khách hàng tại các TCTD ước tăng 1,39%, trong khi tăng trưởng tín dụng của TCTD vẫn tiếp tục giảm 1,96%. Nhiều NHTM vốn thừa nhưng không cho vay ra được nên buộc phải giảm lãi suất đầu vào để hạ chi phí đầu ra nhằm kích thích tăng trưởng.

Trong xu thế giảm lãi suất hiện nay, liệu dòng vốn tiền gửi có thể chuyển sang các kênh đầu tư khác? Nhận định vấn đề này, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng kênh tiền gửi NH đang mất sức hấp dẫn khi NHNN điều hành chính sách lãi suất theo lạm phát mục tiêu chứ không phải lạm phát thực.

Điều này có thể tác động làm giảm nhẹ dòng vốn tiền gửi NH trong ngắn hạn, nhưng lại có tác dụng tích cực kích hoạt các kênh đầu tư chủ động khác như chứng khoán, bất động sản, sản xuất kinh doanh... Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế rất khó khăn hiện nay nhiều người dân đang có tâm lý e ngại các kênh đầu tư như bất động sản, vàng, chứng khoán… ẩn chứa nhiều rủi ro.

Hơn nữa, dù trần lãi suất đã giảm nhưng trên thị trường vẫn còn tình trạng NHTM lách trần lãi suất với số tiền gửi lớn.

Ghi nhận của ĐTTC cho thấy sau khi hạ trần lãi suất các NHTM liên tục chạy đua khuyến mại để giữ chân khách hàng, trong đó có nhiều chương trình cho phép khách hàng gửi tiền vài ngày đến 1 tuần cũng được nhận khuyến mại. Đây là cơ sở giúp các dòng vốn nhàn rỗi sẽ ưu tiên đổ vào kênh tiền gửi NH.

Gửi dài hay ngắn?

Theo các NHTM, lượng vốn huy động dù có tăng nhưng vẫn bất thường, không ổn định, lúc tăng lúc giảm nên áp lực huy động vốn tiền gửi từ nay đến cuối năm vẫn không nhỏ.

Ông Lý Xuân Hải, Tổng giám đốc ACB, cho rằng lãi suất tăng hay giảm còn quyết định bởi hành vi của người gửi tiền và người vay tiền. Hành vi này phụ thuộc vào việc người gửi tiền có tin vào công cụ quản lý và chính sách của Nhà nước.

Khách hàng gửi tiền vào SCB. Ảnh: LÃ ANH

Nếu người dân tin tưởng lạm phát từ nay đến cuối năm chỉ 6%, tỷ giá tăng không quá 2%, họ sẽ chọn gửi tiền tiết kiệm vì lãi suất 10%/năm vẫn có lời. Còn nếu họ dự đoán lạm phát năm nay ở mức 10%, tỷ giá tăng 5% và trong xu thế lãi suất giảm xuống 10%/năm, họ sẽ chuyển sang các kênh đầu tư khác.

Ngoài ra, hành vi của người gửi tiền còn liên quan đến trần lãi suất, trong đó vấn đề nổi cộm là liệu tất cả NHTM có thực hiện nghiêm trần lãi suất? Vì chưa thể khẳng định được rằng với lãi suất hiện nay người dân có ưu tiên chọn kênh gửi tiền hay không. Tuy nhiên, theo ông Hải, với người chỉ có số tiền nhỏ từ vài chục triệu tới trăm triệu đồng, kênh tiền gửi có lợi hơn khi so sánh với các kênh đầu tư khác.

Theo một chuyên gia NH, giá bất động sản hiện nay đã rất rẻ và sẽ không xuống quá sâu nữa, nên với người dân có nhu cầu mua nhà thực sự để ở, thời điểm này có thể sử dụng vốn nhàn rỗi cộng với vốn vay NH để “tậu” cho mình một căn nhà.

Tuy nhiên, thị trường bất động sản được nhận định chưa thể phục hồi nhanh dù NHNN đã phát đi thông điệp giải cứu. Vì thế dùng vốn nhàn rỗi đầu tư kinh doanh, mua đi bán lại bất động sản trong thời điểm này chưa chắc an toàn và có lợi. Bởi thực tế hiện nay người bán nhà vẫn nhiều hơn người mua và tính thanh khoản của thị trường chưa cao nên người dân vẫn cân nhắc khi dùng vốn nhàn rỗi đầu tư bất động sản.

Cũng theo vị chuyên gia này, trong ngắn hạn 3-6 tháng kênh tiền gửi NH vẫn là kênh lựa chọn ưu tiên của người dân. Tuy nhiên, trước xu thế lãi suất kỳ hạn dài đang được các NHTM niêm yết thấp hơn trần 12%/năm, người dân có thể gửi tiết kiệm một phần tiền nhàn rỗi ở kỳ hạn ngắn để hưởng lãi suất cao.

Phần tiền còn lại có thể gửi kỳ hạn dài với lãi suất 11%/năm vẫn có lợi vì xu thế lãi suất cuối năm có thể về mức 10%/năm. Hơn nữa, hiện nay các NHTM đang có xu hướng thừa vốn nên không loại trừ NHNN sẽ đẩy nhanh lộ trình kéo giảm lãi suất huy động, khi đó người dân nào đầu năm gửi tiền kỳ hạn dài sẽ được lợi.

DiaOcOnline.vn - Theo ĐTTC