Vốn hỗ trợ lãi suất có chảy vào chứng khoán, bất động sản?

Cập nhật 05/06/2009 10:30

Tham khảo cho câu trả lời từ những dữ liệu và phân tích mà Ngân hàng Nhà nước vừa công bố.

Từ tháng 3/2009, thị trường chứng khoán Việt Nam bắt đầu bước vào đà hồi phục mạnh mẽ. Chỉ số VN-Index từ mốc 246 điểm đã tăng vọt lên gần 460 điểm (tính đến phiên ngày 4/6), tăng gần gấp đôi chỉ sau ba tháng.

Ngoài những nguyên nhân được giới đầu tư tập trung phân tích là từ những chuyển biến của nền kinh tế và hiệu quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết, từ tín hiệu phục hồi của chứng khoán thế giới, từ sự hấp dẫn nội tại của thị trường chứng khoán sau hơn một năm điều chỉnh sâu…

Nhưng, trong các dòng thông tin trên thị trường, có giả thiết đề cập đến khả năng có một dòng chảy của nguồn vốn được hỗ trợ lãi suất từ chính sách kích cầu của Chính phủ vào thị trường chứng khoán. Giả thiết này được gắn với quá trình giải ngân mạnh nguồn vốn nói trên của từ các ngân hàng thương mại thời gian qua, với sức mạnh của nguồn tiền trên sàn chứng khoán qua những phiên có tổng giá trị giao dịch từ 2.000 – 3.000 tỷ đồng; trong khi đó, vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp nước ngoài chưa thực sự có chuyển biến mạnh…

Tương tự, câu hỏi cũng đặt ra là liệu có dòng chảy từ vốn hỗ trợ lãi suất trong dấu hiệu ấm dần của thị trường bất động sản thời gian gần đây?

Tham khảo cho câu trả lời câu hỏi trên, Ngân hàng Nhà nước vừa công bố một bản phân tích khá chi tiết cùng những dữ liệu cụ thể của ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Vụ trưởng Vụ Dự báo - thống kê tiền tệ, với những thông tin đáng chú ý.

Theo thông tin công bố nói trên, về cho vay đầu tư, kinh doanh chứng khoán và bất động sản, số liệu báo cáo của các tổ chức tín dụng đến cuối tháng 4/2009 cho thấy, dư nợ cho vay chứng khoán là 7.157 tỷ đồng, tăng 4% so với cuối năm 2008, chiếm 0,5% tổng dư nợ và tương đương 4,4% tổng vốn điều lệ của hệ thống các tổ chức tín dụng (một mức rất thấp so với giới hạn được phép là 20% vốn điều lệ).

Cũng tính đến cuối tháng 4/2009, dư nợ cho vay đầu tư, kinh doanh bất động sản của các tổ chức tín dụng là 148.451 tỷ đồng, giảm gần 12% so với cuối năm 2008, chiếm 10,5% tổng dư nợ.

Tính chung, tổng dư nợ cho vay đầu tư, kinh doanh chứng khoán và bất động sản đến cuối tháng 4/2009 là 155.608 tỷ đồng, chiếm 11% tổng dư nợ (tỷ lệ này ở thời điểm cuối năm 2008 là 13,7%). So với cuối năm 2008, tổng dư nợ cho vay đầu tư, kinh doanh chứng khoán và bất động sản đến cuối tháng 4/2009 giảm 19.318 tỷ đồng; trong đó dư nợ cho vay chứng khoán tăng 276 tỷ đồng và dư nợ cho vay bất động sản giảm 19.594 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Hữu Nghĩa, “các con số nói trên cho thấy việc cho rằng thời gian qua các tổ chức tín dụng đẩy mạnh cho vay đầu tư, kinh doanh chứng khoán và bất động sản là không đúng. Dư nợ cho vay đầu tư, kinh doanh chứng khoán, bất động sản vẫn trong tầm kiểm soát an toàn của hệ thống ngân hàng”.

Thay vào đó, ông Nghĩa cho rằng, từ cuối tháng 3/2009, thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản khởi sắc khá mạnh là do nhiều yếu tố khác nhau, trong đó có yếu tố quan trọng là kết quả kinh tế trong nước đạt được khả quan trong quý 1, liên tục được củng cố ở các tháng 4, 5/2009 và niềm tin của nhà đầu tư đã trở lại.

“Vì vậy, không nên dựa vào sự khởi sắc của thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản trong thời gian qua để suy đoán rằng một phần vốn tín dụng ngân hàng được hỗ trợ lãi suất đã chảy vào các thị trường này”, ông Nghĩa khuyến nghị.

“Nợ xấu vẫn trong tầm kiểm soát”

Ngoài những thông tin và nhận định trên, Vụ trưởng Vụ Dự báo - thống kê tiền tệ cũng cho biết nợ xấu của hệ thống có xu hướng tăng nhưng vẫn nằm trong tầm kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng.

Đến cuối tháng 5/2009, tổng vốn huy động của hệ thống ngân hàng ước tăng khoảng 13% (cùng kỳ năm ngoái tăng 6,1%) và tổng dư nợ tín dụng cho nền kinh tế ước tăng khoảng 15% (cùng kỳ năm ngoái tăng 17,7%) so với cuối năm 2008. Doanh số cho vay, thu nợ 5 tháng đầu năm 2009 ước tương đương khoảng 82% - 83% doanh số cho vay, thu nợ 5 tháng đầu năm 2008. Số dư nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng có xu hướng tăng khá nhanh (trên 30% so với cuối năm 2008). Tỷ lệ nợ xấu so tổng dư nợ tín dụng khoảng 2,6%.

Nợ xấu tăng khá nhanh, theo ông Nghĩa, là do mức độ rủi ro cao hơn trong hoạt động tín dụng ngân hàng, tác động bất lợi từ những khó khăn kinh tế vĩ mô và sự xấu đi về năng lực tài chính, hoạt động của khu vực phi ngân hàng.

Mặt khác, nợ xấu tăng nhanh cũng cho thấy các tổ chức tín dụng đang thực hiện nghiêm túc việc phân loại nợ, đánh giá chất lượng tín dụng theo quy định của pháp luật. “Quan trọng hơn, điều này chứng tỏ không phải có một bộ phận lớn các khoản cho vay trong khuôn khổ hỗ trợ lãi suất đã được các tổ chức tín dụng đảo nợ để che đậy bản chất rủi ro tín dụng”, ông Nghĩa phân tích.

DiaOcOnline.vn - Theo VnEconomy