Vốn FDI quá lớn, rủi ro cao

Cập nhật 23/08/2010 09:10

Nước nào có tỉ trọng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) càng lớn sẽ khiến nền kinh tế nước đó phụ thuộc vào nước ngoài. Thu hút FDI phải nhằm mục tiêu ưu tiên chiến lược là cải thiện chất lượng tăng trưởng

Nhiều năm qua, VN luôn được xem là một trong số ít địa chỉ đầu tư tốt nhất thế giới. Thực tế cũng đã cho thấy sức cạnh tranh thu hút đầu tư của VN vượt trội nhiều nền kinh tế khác và thành tích thu hút dự án cũng như nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của VN ít nước sánh được.


Do không triển khai, một dự án có vốn đầu tư nước ngoài lên đến 38 triệu USD nằm trên khu vực phường Bến Gót, TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ vừa bị thu hồi giấy phép đầu tư. Ảnh: Thế Kha

Nên thay đổi quan niệm về đầu tư

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia kinh tế, nguồn vốn FDI thời gian gần đây có những dấu hiệu bất ổn, nhất là hiện tượng nhiều dự án lớn chậm triển khai, có nguy cơ vốn ảo... Ông Nguyễn Đình Cung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng đã đến lúc phải đánh giá lại những mặt được và chưa được của việc thu hút FDI và phải thay đổi quan niệm về đầu tư nước ngoài. Theo tiêu chuẩn quốc tế, vốn FDI chỉ được chiếm 5% tổng đầu tư toàn xã hội và chiếm tỉ lệ thấp hơn nữa trong GDP của một quốc gia vì tỉ trọng FDI càng lớn sẽ khiến nền kinh tế đó phụ thuộc vào nước ngoài.

Còn ở VN, ông Nguyễn Đình Cung dẫn chứng vốn FDI hiện nay chiếm khoảng 25% tổng đầu tư toàn xã hội, đóng góp gần 20% GDP. Như vậy là khu vực FDI đã quá lớn, rất rủi ro vì thu nhập họ tạo ra không phải của ta, phần lớn lợi nhuận thuộc về nhà đầu tư nước ngoài. Những cái VN được hưởng chỉ là công lao động và một phần rất nhỏ từ lợi nhuận.

Cũng theo ông Nguyễn Đình Cung, thiếu hụt cán cân thanh toán được bù đắp bằng vốn FDI mới và những nguồn khác, chứ không phải số ngoại tệ mà doanh nghiệp FDI đang hoạt động tạo ra. Do đó, lợi ích tạo ra ngoại tệ là không có ở khu vực FDI. Việc chuyển giao công nghệ cũng gần như là con số 0. Nhà đầu tư nước ngoài đặt nhà máy ở VN hay ở Singapore, Trung Quốc là như nhau. Họ đưa vào nhà máy hiện đại nhưng chỉ dùng lao động phổ thông, xu hướng chuyển giao công nghệ ngày càng ít đi vì hình thức doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài ngày càng tăng lên, chiếm đa số. Trong các lợi ích về vốn, lao động, công nghệ, ngoại tệ, quản lý... chúng ta nên đặt tiêu chí công nghệ lên hàng đầu khi xác định mục tiêu thu hút FDI trong thời gian tới.

Kêu lỗ nhiều nhưng không ai bỏ

Cũng chung mối quan ngại về tình hình thu hút FDI, ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế VN, nói: “Có người cho rằng VN là “thiên đường đầu tư”. Theo ý kiến của một cán bộ công tác lâu năm trong Bộ Kế hoạch-Đầu tư (KH-ĐT) thì có 60%-80% nhà đầu tư vào VN làm ăn kêu lỗ triền miên. Rất lạ dù họ kêu lỗ nhiều nhưng không ai bỏ chạy. Vì sao? Chỉ có thể giải thích việc kêu lỗ như vậy để trốn thuế và chuyển giá. Vậy thì thiên đường của ai, vì ai? Vì họ chuyển giá được nên VN là thiên đường cho nhà đầu tư?.

Nhiều chuyên gia đề nghị cần xem xét lại chiến lược FDI để nền kinh tế tăng trưởng bền vững. Ông Trần Đình Thiên nhìn nhận nguồn vốn FDI trong thời gian qua chủ yếu đóng vai trò công cụ thực hiện mô hình tăng trưởng hướng tới tốc độ tăng trưởng GDP chứ chưa nhằm mục tiêu ưu tiên chiến lược là cải thiện chất lượng tăng trưởng, nâng cao trình độ công nghệ của nền kinh tế và của các doanh nghiệp trong nước. Dù không sai nhưng không thể tiếp tục duy trì mãi xu thế này. Vũng Áng ở Hà Tĩnh có nhà máy thép công suất thiết kế 20 triệu tấn, lẽ ra phải là một đô thị khổng lồ. Hoặc ở Vũng Tàu có đến 17 dự án thép, công suất 10 triệu tấn. Những dự án như vậy gây tranh chấp căng thẳng nguồn lực giữa các thành phần kinh tế - ông Thiên nói.


Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ KH-ĐT:

Loại bỏ nhà đầu tư không có năng lực

Hiện cả nước có 24 dự án có quy mô từ 1 tỉ USD trở lên, trong đó, hiện tượng dự án chậm triển khai, nguy cơ vốn ảo là có. Vì vậy, cần sàng lọc lại các dự án, loại bỏ những nhà đầu tư không có năng lực. Để làm việc này, phải có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương vì việc cấp phép đã được phân cấp cho các địa phương; các bộ, ngành liên quan quản lý về ngành dọc chỉ cho ý kiến khi được tham khảo.

Trước đây, chúng ta quy định thời hạn cấp phép sau 15 ngày đăng ký và 45 ngày thẩm tra. Nhưng sau đó bỏ quy định này và “khóa” bằng tiến độ dự án. Một nhà đầu tư có năng lực về tài chính mà triển khai chậm thì không bằng một nhà đầu tư ít tiền nhưng triển khai đúng tiến độ. Vừa qua, tôi thấy công tác kiểm tra giám sát của các cấp, các ngành địa phương đã làm nhưng chưa đủ và chúng ta chưa cương quyết xử lý mạnh mẽ đối với các dự án vi phạm pháp luật. Mặt khác, cũng do chế tài còn thấp, chưa đủ mức răn đe.

Luật đã quy định, một trong những điều kiện để xem xét cấp phép đầu tư là dựa theo quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Nhưng vì sao vẫn có quá nhiều dự án thép ngoài quy hoạch, có quá nhiều sân golf? Đây là vấn đề năng lực thực thi của bộ máy, ai không làm đúng thì phải bị xử lý. Theo tôi, đây là chuyện kiểm tra giám sát, chế tài và tính kiên quyết trong khâu xử phạt. Quan trọng là hậu kiểm thế nào, làm tốt khâu này sẽ tránh được những hiện tượng đã nói ở trên và phải định hướng những ngành, lĩnh vực cần thu hút đầu tư. 

DiaOcOnline.vn - Theo Người Lao Động