Vốn điều lệ của 10 ngân hàng được bổ sung thêm hơn 43.500 tỷ trong 9 tháng đầu năm

Cập nhật 11/11/2018 08:30

Tuy nhiên, còn hơn 15 ngân hàng vẫn chưa hoàn tất được kế hoạch tăng vốn trong năm nay, hoặc chỉ mới hoàn thành được một phần nào đó. Nhiều nhà băng đang ráo riết hơn cho kế hoạch tăng vốn trong 2 tháng còn lại của năm tài chính 2018.

Vốn điều lệ của hệ thống được bơm hơn 42.500 tỷ đồng trong 9 tháng

Theo thống kê, ước tính trong 9 tháng đầu năm, có khoảng 10 ngân hàng đã tăng được vốn điều lệ, bổ sung thêm hơn 43.500 tỷ đồng. Những cái tên này bao gồm Techcombank, VPBank, MB, SHB, ACB, LienVietPostBank, TPBank, OCB, BacABank, NamABank; chủ yếu tăng vốn nhờ việc phát hành cổ phiếu để trả cổ tức và cổ phiếu thưởng. Tuy nhiên, trong 10 ngân hàng này, mới chỉ có một số đến nay đã hoàn thành xong kế hoạch tăng vốn được đề ra trong năm nay là Techcombank, VPBank, MB, ACB.

Techcombank là ngân hàng tăng vốn điều lệ nhanh nhất từ mức 11.655 tỷ đồng hồi đầu năm lên tới gần 35.000 tỷ đồng cuối tháng 9/2018 (tăng gấp 3 lần) thông qua việc chia cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 1:2 cho các cổ đông vào hồi tháng 7/2018. Theo đó, nhà băng hiện trở thành ngân hàng có vốn điều lệ lớn thứ 2 trong hệ thống, chỉ sau Vietcombank khoảng 1.000 tỷ và đứng trước BIDV, VieitinBank, Agribank.

Ngoài Techcombank, VPBank và MB cũng đã hoàn tất kế hoạch tăng vốn điều lệ trong quý 3 vừa rồi. Vốn điều lệ của VPBank đã tăng thêm hơn 10.500 tỷ so với hồi đầu năm lên 25.300 tỷ đồng. Trong khi đó, MB cũng đã tăng hơn 3.400 tỷ đạt 21.600 tỷ đồng.

Vốn điều lệ của một số ngân hàng có kế hoạch tăng vốn cụ thể trong năm 2018

Bên cạnh đó, mới đây trong tháng 11, ACB cũng đã thực hiện xong việc chi trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 15% để nâng vốn điều lệ lên gần 12.886 tỷ đồng.

Chạy đua tăng vốn cuối năm

Tuy nhiên, còn hơn 15 ngân hàng khác vẫn chưa hoàn tất được kế hoạch tăng vốn trong năm nay, hoặc chỉ mới hoàn thành được một phần nào đó. Chỉ còn 2 tháng nữa là hết năm tài chính 2018, nhiều ngân hàng đang ráo riết để thực hiện tăng vốn xong trong năm 2018, hoặc muộn hơn là vào đầu năm 2019.

Ngày 5/12 tới đây, TPBank sẽ chốt danh sách cổ đông để trả cổ tức và phát hành cổ phiếu thưởng tỷ lệ lần lượt 8,38% và 19,74%, theo đó nâng vốn điều lệ lên 8.500 tỷ đồng. Trong khi đó, VIB vừa cũng vừa được NHNN chấp thuận tăng vốn điều lệ từ 5.644 tỷ đồng hiện nay lên 7.834 tỷ đồng. Phương án tăng vốn thông qua việc chia cổ phiếu thưởng cho cổ đông với tỷ lệ 41,13%. Ngày đăng ký cuối cùng 19/11 tới đây.

Cánh cửa tăng vốn cũng đang rộng mở với các ngân hàng thương mại nhà nước. Sau nhiều năm chờ đợi và gặp nhiều khó khăn, ngày 30/10 vừa qua, BIDV đã chính thức xin ý kiến cổ đông về việc phát hành riêng lẻ hơn 600 triệu cổ phiếu cho KEB Hana - một ngân hàng Hàn Quốc. Dự kiến việc phát hành sẽ diễn ra vào cuối 2018 hoặc năm 2019.

Vietcombank mới đây cũng bất ngờ thông báo đã được NHNN chấp thuận tăng vốn điều lệ lên hơn 39.575 tỷ đồng (tương ứng phát hành thêm tỷ lệ 10%) theo phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ đã được cổ đông thông qua. Nếu thành công ở lần tăng vốn này, Vietcombank sẽ trở thành ngân hàng có vốn điều lệ cao nhất thị trường.

VietinBank chưa có động thái cụ thể, tuy nhiên theo tình hình hiện tại thì đã có tín hiệu lạc quan hơn khi tại Quyết định 986/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển của ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025 nêu rõ, đối với các NHTM Nhà nước (không bao gồm Agribank), sẽ tăng vốn điều lệ để đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn theo chuẩn mực Basel II, song vẫn bảo đảm Nhà nước nắm giữ ở mức tối thiểu 65% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Còn trong giai đoạn 2021 – 2025, sở hữu của Nhà nước tại các NHTM Nhà nước sẽ được giảm xuống còn 51%.

Mới đây, Thống đốc NHNN cũng đã đề nghị Quốc hội xem xét, sửa đổi các Nghị quyết của Quốc hội hoặc bổ sung vào Nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 theo hướng cho phép sử dụng ngân sách nhà nước để tăng vốn điều lệ cho các NHTMNN (ngoại trừ các NHTM mua bắt buộc). 

DiaOcOnline.vn - Theo Trí Thức Trẻ