Từ sáng nay 28-9, lãi suất đồng USD giảm 0%/năm đối với doanh nghiệp, còn cá nhân gửi chỉ được hưởng 0,25%/ năm. Tại sao Ngân hàng Nhà nước có quyết định này?
Hạ lãi suất đồng USD là chỉ nhằm ổn định tỉ giá - Ảnh TTO
|
Theo các chuyên gia, động thái này nhằm ổn định tỉ giá, tiến tới hạ lãi suất VND, song từ lý thuyết đến thực tế là khoảng cách rất xa, cần phải chờ phản ứng của thị trường.
Phản ứng thị trường ra sao?
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng, cho biết ông khá bất ngờ trước quyết định hạ lãi suất đồng USD được áp dụng từ sáng 28-9 của Ngân hàng Nhà nước.
Bình luận việc giảm lãi suất tiền gửi bằng USD, ông Nguyễn Trí Hiếu nhận định Nhà nước sẽ không khuyến khích người dân và tổ chức giữ đồng USD trên các tài khoản tại các ngân hàng.
Chắc chắn động thái này cũng sẽ giảm áp lực lên tỉ giá khi chênh lệch giữa lãi suất huy động tiền đồng và USD ngày càng rộng ra.
Ngân hàng Nhà nước cho biết đến thời điểm này, lãi suất tiền gửi tiền đồng kỳ hạn ngắn là 5-5,5%/ năm, trong khi đó lãi suất gửi đồng USD chỉ 0-0,25%/năm.
Cùng quan điểm với chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, TS ông Nguyễn Đức Độ, phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế - tài chính (Học viện Tài chính) cho rằng đây là chính sách tích cực.
Việc hạ lãi suất đồng USD khiến tính hấp dẫn của việc gửi đồng USD sẽ kém đi rất nhiều. Người dân và DN sẽ giảm nắm giữ USD mà chuyển sang gửi tiền Việt Nam đồng.
Ngoài việc ổn định tỉ giá, tiến sĩ Nguyễn Đức Độ đánh giá việc hạ lãi suất tiền gửi đồng USD sẽ giúp hạ lãi suất huy động và cho vay Việt Nam đồng.
Ông phân tích: “Khi người dân không gửi đồng USD nữa mà chuyển sang tiền Việt Nam đồng thì nguồn cung Việt Nam đồng sẽ dồi dào. Đây là cơ hội để hạ lãi suất huy động và tiến tới hạ lãi suất cho vay.
Trên lý thuyết là như vậy, còn thực tế lãi suất huy động Việt Nam đồng có giảm được hay không thì phải chờ phản ứng của thị trường trong một thời gian nữa. Trường hợp lượng tiền USD dịch chuyển sang tiền Việt Nam đồng đủ lớn thì lãi suất tiền gửi Việt Nam đồng mới có thể hạ được”.
Phục hồi thị trường bất động sản?
Về hiệu quả của động thái hạ lãi suất đồng USD, ông Nguyễn Trí Hiếu cho rằng từ lý thuyết đến thực tế là khoảng cách rất xa.
Sẽ có một số khách hàng không mặn mà gửi đồng USD trên tài khoản nữa. Nhưng liệu có việc người dân và doanh nghiệp chuyển từ đồng USD sang gửi đồng Việt Nam hay không, nếu có thì mức độ là bao nhiêu, có đủ để tăng mạnh cung cho tiền Việt Nam đồng hay không?
Mặt khác, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu đánh giá việc hạ lãi suất đồng USD có thể khuyến khích dòng tiền sẽ chảy vào thị trường bất động sản khi thị trường này đang có dấu hiệu khả quan.
Tuy nhiên, tiến sĩ Nguyễn Đức Độ cho rằng điều này khó có thể diễn ra khi để đầu tư vào bất động sản phải có trên 1 tỉ đồng trở lên nên không phải ai cũng có số tiền nhàn rỗi lớn như vậy.
Hơn nữa, dấu hiệu hồi phục của thị trường bất động sản chưa đủ hấp dẫn nhà đầu tư. Mặt khác, thị trường bất động sản là đầu tư dài hạn, có nhiều rủi ro.
Trên phương diện lý luận, việc hạ lãi suất tiền gửi có nghĩa là chính sách tiền tệ đang nới lỏng để bơm một lượng tiền ra thị trường nhằm khuyến khích phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, hiện tại Ngân hàng Nhà nước chỉ hạ lãi suất tiền gửi đồng USD mà thôi. Do đó, với việc hạ lãi suất tiền gửi đồng USD từ ngày 28-9 chỉ nhắm vào mục đích ổn định tỉ giá.
Chuyên gia ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu
DiaOcOnline.vn - Theo Tuổi trẻ