Vì sao ngân hàng thừa tiền nhưng không cho vay?

Cập nhật 05/06/2012 08:10

Hơn 90% doanh nghiệp địa ốc tại TP.HCM đang tê liệt, thua lỗ vì thiếu vốn. Trong khi đó, các ngân hàng khẳng định họ đang thừa tiền nhưng cũng không có ý định rót vốn cho các doanh nghiệp địa ốc thời điểm này.

Ông Từ Tiến Phát, phó giám đốc khối khách hàng cá nhân ngân hàng ACB, khẳng định: các tổ chức tín dụng dù đang thừa vốn nhưng vẫn chưa có ý định rót vốn cho các doanh nghiệp bất động sản (BĐS). Với các ngân hàng, lãi suất cho vay BĐS vẫn duy trì ở mức cao từ 17 – 19%/năm. Nguồn cung căn hộ, đất nền lại tiếp tục tăng cao, vượt xa mức cầu, trong đó rất nhiều nhà đầu tư cá nhân không trả được nợ ngân hàng nên phải bán tháo để trả nợ. Theo ông Phát, xu hướng này sẽ tiếp tục tăng cao do tình hình nợ xấu của các tổ chức tín dụng tăng nhanh.

Doanh nghiệp khó vay vốn để triển khai dự án mới hoặc tiếp tục các dự án dở dang. Ảnh chỉ mang tính minh hoạ. Ảnh: Lê Quang Nhật

Sẽ không rót vốn trực tiếp


Chưa hết, theo ACB, thời gian tới nguồn vốn cho các doanh nghiệp BĐS đầu tư dự án mới hoặc tiếp tục hoàn thành các dự án dở dang trực tiếp từ ngân hàng sẽ bị tắc. Do vậy, doanh nghiệp BĐS hãy tự cứu lấy mình bằng cách huy động vốn từ khách hàng. Về việc hỗ trợ vốn, ông Phát cho biết, ACB sẽ không rót vốn trực tiếp cho doanh nghiệp mà sẽ hỗ trợ thông qua các khách hàng, đặc biệt là lượng khách hàng thân thiết của ngân hàng. Hiện nay ACB có khoảng 3.000 khách hàng thân thiết. Vấn đề còn lại là doanh nghiệp đưa ra mức giá bán nào để có thể kéo những người mua nhà thực sự chấp nhận mua. Ông Phát đề xuất để hỗ trợ cho người tiêu dùng mua nhà, cần chính sách theo hướng người tiêu dùng sẽ ứng trước 30% giá trị căn nhà, 30% là từ vốn nhà nước, 40% là từ các ngân hàng thương mại cho vay với lãi suất thấp, trả chậm.

Tương tự ACB, ngân hàng BIDV cũng cho biết không trực tiếp rót vốn cho các doanh nghiệp BĐS, mà sẽ hỗ trợ vốn thông qua gói liên kết bốn nhà, gồm: ngân hàng – chủ đầu tư – nhà thầu – nhà sản xuất vật liệu xây dựng. Theo ông Đậu Trí Dũng, phó giám đốc ban phát triển sản phẩm và tài trợ thương mại ngân hàng BIDV, tiêu chí quan trọng của gói này là sản phẩm của các doanh nghiệp BĐS muốn vay vốn phải phù hợp với đầu ra của thị trường. Các doanh nghiệp phải có công trình được hoàn thành trong năm 2012 – 2014.

Nhiều doanh nghiệp cho biết họ khó có thể đáp ứng các tiêu chí như BIDV đưa ra. Theo ông Nguyễn Văn Đực, phó giám đốc công ty địa ốc Đất Lành: “Không chỉ chúng tôi mà nhiều công ty trên thị trường không tài nào vượt qua được những chuẩn cho vay quá khắc nghiệt của các ngân hàng. Chúng tôi buộc phải vay với lãi suất cao hoặc thậm chí có doanh nghiệp phải chơi với tín dụng đen để có tiền duy trì hoạt động”.

Nợ xấu chặn đứng dòng tiền

Tại buổi hội thảo về chủ đề vực dậy nguồn lực BĐS tại TP.HCM gần đây, TS Lê Xuân Nghĩa, nguyên phó chủ tịch uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia cho biết, hiện nút thắt chung của nền kinh tế cũng như dòng vốn của BĐS nằm ở nợ xấu. Nợ xấu như chiếc xe lật chắn ngang đường làm tê liệt toàn bộ hệ thống giao thông. Vì nợ xấu mà ngân hàng chờ doanh nghiệp mang đồng vốn lưu động để trả vào ngân hàng, rồi sau đó ngân hàng không cho vay lại. Cũng vì nợ xấu mà ngân hàng dù có tiền nhưng không dám cho vay, dẫn đến cửa chết với doanh nghiệp.

Ông Nghĩa cho biết, Chính phủ đã giao cho ngân hàng Nhà nước đứng ra giải quyết nợ xấu. Theo ông nguyên tắc cơ bản là giải quyết xong nợ xấu thì ngân hàng thương mại mới mạnh dạn cho vay mới. Một thông tin đáng chú ý đã được đưa ra là ngân hàng Nhà nước sẽ thành lập công ty mua bán nợ xấu. Số nợ xấu dự kiến sẽ được xử lý khoảng 100.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, việc này cần thời gian.

Ông Phan Khắc Long, chủ tịch HĐQT công ty Phan Vũ cũng cho rằng, vấn đề nợ xấu hiện nay cần được xử lý theo hướng xâu chuỗi. Bởi vì khi các dự án đầu tư công bị cắt nguồn vốn, các công ty liên quan sẽ bị ảnh hưởng theo. Do đó, khi Nhà nước bơm tiền cho các ngân hàng để giải cứu các doanh nghiệp thì cần sớm tính tới các dạng nợ xấu này để tránh từ 1 đồng nợ xấu sẽ dễ dẫn đến 3 hay 4 đồng nợ xấu của những công ty liên quan.

Tương tự, theo ông Nguyễn Lam Sơn, tổng giám đốc công ty VinaTrust, để thị trường phát triển thì phải làm sao cho tính thanh khoản của thị trường tăng lên. Do vậy, việc bơm vốn nên tập trung đến người mua cuối cùng thì thị trường mới có thể phát triển. Ở các nước, nhà nước ít hỗ trợ cho doanh nghiệp, bởi vì dễ gây ra lãng phí, phát triển chênh lệch. Bên cạnh đó, cũng cần xây dựng lại hệ thống thẩm định giá để định lại giá trị thực của BĐS.

Thứ trưởng bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam công bố tại hội thảo là từ nay tới cuối năm, 120.000 tỉ đồng vốn đầu tư công chưa dùng hết có thể được bơm ra. Liệu việc này có gỡ được bế tắc cho thị trường bất động sản hay đã đến lúc doanh nghiệp bất động sản phải tự thiết kế những sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường?

DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Tiếp Thị