Vay tiền để mua nhà: nói dễ nhưng vay không dễ

Cập nhật 26/12/2012 09:43

Nhiều người dân đã khấp khởi mừng thầm trước thông tin Chính phủ công bố sẽ hỗ trợ vốn ưu đãi với lãi suất 7 – 8%/năm trực tiếp cho người có nhu cầu mua căn nhà đầu tiên. Tuy nhiên, theo lãnh đạo một ngân hàng, đây mới chỉ là những giải pháp dài hơi trong thời gian tới. Còn ở thời điểm hiện tại, người dân muốn vay mua nhà vẫn phải chịu mức lãi suất từ 15 – 19%/năm.
 

Khách hàng tìm hiểu thông tin về vay vốn mua nhà tại một hội chợ bất động sản. Ảnh: Thanh Hảo


Chị N.T.T. Linh (quận 9, TP.HCM), sau khi nghe thông tin một căn hộ hai phòng ngủ giảm giá còn 700 triệu đồng, đã đến một ngân hàng để hỏi vay 70% giá trị căn hộ. Tuy nhiên, niềm hy vọng của chị lập tức tan biến khi nhân viên ngân hàng tính lãi suất cho chị lên đến 19%/năm. Với mức lãi suất này, mỗi tháng chị phải trả riêng tiền lãi tới gần chục triệu đồng, chỉ thấp hơn một chút so với thu nhập hàng tháng của hai vợ chồng chị.

Hàng loạt gói hỗ trợ nhưng…

Theo tìm hiểu của phóng viên báo Sài Gòn Tiếp Thị, trong những tháng cuối năm, nhiều ngân hàng thương mại lớn đã dành các gói tín dụng lên tới hàng ngàn tỉ đồng cho vay mua nhà ở với lãi suất ưu đãi. Mới đây, ngân hàng Eximbank dành 5.000 tỉ đồng cho cá nhân mua và sửa chữa nhà vay với lãi suất 12%/năm, được vay tối đa 70% giá trị tài sản đảm bảo và thời hạn vay đến 15 năm. Với gói hỗ trợ này, Eximbank cam kết giữ mức lãi suất cố định trong vòng hai năm. Sau hai năm, lãi suất sẽ được tính bằng lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 13 tháng cộng thêm 2,5%.

Trước đó, BIDV đã dành 4.000 tỉ đồng cho vay mua nhà với lãi suất 12%/năm trong vòng sáu tháng đầu tiên. Vietcombank dành 2.000 tỉ đồng để cho khách vay kinh doanh, mua, sửa chữa nhà cũng với mức lãi suất 12%/năm; Vietinbank dành 5.000 tỉ đồng cho vay mua nhà.

Các ngân hàng cũng đã đưa ra các chương trình giảm lãi suất, như VIB cho vay bất động sản với lãi suất 9,9%/năm trong ba tháng đầu. Ngân hàng này cũng vừa công khai lãi suất cho vay tại tất cả các chi nhánh. Còn ANZ giảm lãi suất cho vay 3%/năm trong ba tháng vay đầu tiên, thời gian vay 20 năm…

Một cán bộ ngân hàng thừa nhận, dù đã có nhiều gói cho vay bất động sản nhưng lại rất ít các khoản vay của ngân hàng chảy vào nhà ở xã hội. Một trong những lý do là với mức lương còn thấp và không ổn định, nhiều người không đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn để vay tại các ngân hàng.

Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, phó giám đốc ngân hàng Nhà nước TP.HCM, chưa bao giờ thanh khoản các ngân hàng thương mại lại dồi dào như hiện nay. Dù vậy, các ngân hàng giải ngân rất chậm, do người dân thắt lưng buộc bụng trong thời buổi khó khăn, thu nhập không ổn định.

Theo giám đốc một ngân hàng thương mại có trụ sở ở TP.HCM, dù có nhiều nỗ lực từ phía ngân hàng nhưng thực tế với lãi suất quá cao vượt thu nhập từ lương thì người dân cũng không thể tiếp cận. Ông tính toán, một công chức vay 100 triệu đồng sửa nhà, thì một năm người vay phải trả lãi trên dưới 20 triệu đồng, đó là chưa kể khoản tiền nợ gốc phải trả kèm. Còn gói hỗ trợ của Chính phủ hỗ trợ lãi suất cho người mua nhà từ 7 – 8%/năm mới là chủ trương, cũng chưa biết ngân hàng nào sẽ được giao để thực hiện mà dù có thực hiện cũng chỉ tập trung vào nhà xã hội; còn nhà thương mại, người dân vẫn phải chịu theo mức lãi suất của các ngân hàng đưa ra.

Tưởng rẻ mà không rẻ

Tại buổi làm việc giữa bộ Tài chính và hiệp hội Bất động sản TP.HCM mới đây, ông Nguyễn Xuân Quang, chủ tịch hội đồng quản trị công ty cổ phần đầu tư Nam Long cho biết, suốt một thời gian dài, ngân hàng nói là giảm lãi suất cho vay nhưng thực tế người dân vẫn khó hoặc không dám vay. Bởi lẽ, các ngân hàng thương mại nói cho khách hàng vay mua nhà với lãi suất 8 – 9%/năm, nhưng thời gian áp dụng chỉ ba đến bốn tháng. Trong khi người dân vay thường 10 – 15 năm, và trong tương lai họ không biết lãi vay tăng, giảm thế nào nên không ai dám vay. Do vậy, theo ông Quang, để người dân có thể yên tâm vay tín dụng mua nhà, ngân hàng cần tạo niềm tin cho thị trường bằng chính sách lãi suất minh bạch.

Đồng quan điểm, ông Lê Chí Hiếu, phó chủ tịch hiệp hội Bất động sản TP.HCM, cho rằng để phá băng bất động sản lúc này hiệu quả cần hỗ trợ lãi vay giá rẻ cho người mua nhà. Ông Hiếu tính toán, theo thống kê, tổng số cán bộ, công chức (chưa bao gồm lực lượng vũ trang) thành phố khoảng 212.000 người, trong đó riêng ngành giáo dục 68.000 người, ngành y tế 32.000 người. Giả định có khoảng 50% số người này có nhu cầu mua nhà thì việc xử lý hàng tồn kho bất động sản trên địa bàn thành phố hoàn toàn có thể làm được. Nhưng để các đối tượng này mua nhà thì cần có cơ chế hỗ trợ tín dụng ưu đãi ở mức 8%/năm trong thời gian 10 – 15 năm cho người mua nhà đầu tiên, người đang ở nhà chật hẹp dưới 8m2/người.

Anh Nguyễn Tuấn Anh, nhân viên phòng quảng cáo của một đài truyền hình nói chính sách hỗ trợ của Chính phủ chỉ áp dụng với nhà ở xã hội, mà điều kiện để mua nhà xã hội lại rất ngặt nghèo. Do vậy, những người như anh chỉ dám kỳ vọng vào việc giảm lãi suất từ các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, với lãi suất hiện nay thì dù có muốn anh cũng không dám mua nhà.
 

Tại buổi làm việc của Thủ tướng với UBND TP.HCM mới đây, thống đốc ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho hay, trong quý 2 và 3/2013, ngân hàng Nhà nước sẵn sàng cung ứng khoảng 40.000 tỉ đồng hỗ trợ người mua nhà với lãi suất hợp lý, khoảng 8% thời hạn 5 – 10 năm. “Chúng tôi cũng sẵn sàng hỗ trợ cho các dự án phục vụ mục đích này, hoặc những dự án tiêu thụ được. Còn dự án nào, đối tượng như thế nào thì tôi đề nghị có sự tham gia của bộ ngành chức năng”, ông Bình nói.



DiaOcOnline.vn - Theo SGTT