Vàng phải chịu thuế như ôtô, rượu?

Cập nhật 26/10/2012 09:50

Kinh doanh vàng có thể sẽ phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt là thông tin được ông Lê Minh Hưng, phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước, cho biết tại buổi trao đổi với báo chí chiều 25-10.

Ngân hàng Nhà nước không khuyến khích dân giữ vàng. Trong ảnh: người dân giao dịch và kiểm định vàng tại chi nhánh Công ty SJC miền Bắc ngày 25-10 - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Ông Hưng cũng khẳng định mục tiêu quản lý thị trường vàng là không ảnh hưởng đến mục tiêu vĩ mô, đảm bảo ổn định tỉ giá và để vàng kém hấp dẫn với người dân. Ở nhiều nước, cá nhân, tổ chức kinh doanh vàng đều phải nộp thuế như thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt.

Hiện Ngân hàng (NH) Nhà nước đã đề xuất với Bộ Tài chính xem xét đánh thuế đối với vàng. Về lâu dài cần thiết đánh thuế, nhưng còn thời điểm và mức thuế sẽ phải được cân nhắc thận trọng sao cho phù hợp. Có thể sẽ cân nhắc đến thuế tiêu thụ đặc biệt với vàng vì đây là mặt hàng Nhà nước không khuyến khích người dân cất giữ. Đã kinh doanh hàng hóa thì phải chịu thuế giá trị gia tăng. Hiện nay vàng chỉ chịu thuế xuất khẩu 10%, còn vàng nguyên liệu nhập khẩu không chịu thuế.

Xem xét lùi thời gian huy động vàng

Theo ông Hưng, do không khuyến khích người dân nắm giữ nhưng cũng không cấm, Nhà nước không bình ổn giá vàng vì nó không ảnh hưởng đến quốc kế dân sinh. Còn hiện nay, giá vàng chênh lệch với thế giới tới 2-3 triệu đồng/lượng thì người dân được lợi, còn các tổ chức tín dụng huy động vàng đang phải trả giá.

Theo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt, loại thuế này nhằm hạn chế tiêu dùng một số hàng hóa, dịch vụ mang tính chất xa xỉ như thuốc lá, rượu bia, ôtô dưới 24 chỗ, kinh doanh mátxa, karaoke, casino, trò chơi điện tử có thưởng, kinh doanh sân golf...
“Lúc người dân gửi vàng vào các NH khi giá thấp. Còn nay, khi giá vàng cao, khách được nhận vàng là được lợi, còn NH thì ngược lại” - ông Hưng nói.

Theo ông Nguyễn Quang Huy - vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối, thời gian qua dù giá vàng lên cao nhưng khách đến mua tại các công ty vàng chỉ có NH mua để thanh toán cho người gửi vàng. Tính từ đầu năm đến nay, hệ thống NH đã mua vào hơn 60 tấn vàng. “Để tất toán trước ngày 25-11, tức là thời điểm chấm dứt việc huy động vàng, các NH còn phải mua khoảng 20 tấn. Dù số vàng này không lớn, song NH Nhà nước đang cân nhắc việc lùi thời hạn đóng cửa việc huy động vàng” - ông Hưng cho biết.

Theo ông Hưng, không phải NH Nhà nước “chùn tay” mà để tránh áp lực lên một vài NH cũng như toàn hệ thống. Vì thông thường quý 4, thanh khoản của hệ thống NH có căng hơn những tháng đầu năm. Do vậy NH Nhà nước đang tính toán kỳ hạn huy động vàng dài hơn, nhưng chỉ được tính bằng tháng chứ không phải là năm. Tinh thần là từ nay đến ngày 25-11, NH thương mại được huy động vàng nhưng với kỳ hạn dài hơn.


Ngân hàng Nhà nước đã đề xuất đánh thuế đối với vàng. Trong ảnh: gia công vàng miếng tại Công ty SJC, TP.HCM - Ảnh: Thanh Đạm

Người dân bị thiệt nếu mua phải vàng dỏm

Từ ngày 25-5, NH Nhà nước độc quyền dập thương hiệu vàng miếng SJC cũng là để siết thị trường vàng, đặc biệt là ngăn chặn vàng lậu, vàng giả. Vì nếu vàng giả, vàng lậu vào VN thì cũng không thể tiêu thụ được khi chỉ có NH Nhà nước mới được dập vàng miếng SJC. Ông Nguyễn Quang Huy cho rằng NH Nhà nước chỉ điều tiết thị trường vàng khi cần thiết. Nếu thấy giá vàng hợp lý, Nhà nước sẽ mua vào tăng dự trữ ngoại hối.

Về việc phát hiện hơn 300 lượng vàng miếng SJC giả thương hiệu, ông Hưng cho rằng phải chấp nhận thực tế này vì trước đây không ai quản lý thị trường vàng. Chính vì vậy, với trường hợp mua phải vàng giả thương hiệu hay vàng không đủ tuổi thì người dân đành phải chịu thiệt thòi. Vì người dân khi nhận vàng, chấp nhận miếng vàng đó nên NH Nhà nước không thể can thiệp được. Trách nhiệm quản lý vàng giả, vàng nhái là của cơ quan quản lý thị trường. Song để người dân yên tâm với miếng vàng SJC mà mình đang cất giữ, NH Nhà nước đã chỉ đạo Công ty SJC miễn phí kiểm định cho khách hàng.

Còn việc Công ty SJC mua vàng nhái thương hiệu SJC theo giá vàng nguyên liệu khiến người dân bị thiệt thòi, ông Hưng cho rằng SJC là công ty kinh doanh vàng nên việc mua bán theo giá thị trường. Đó là hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, NH Nhà nước không thể can thiệp. Với các thương hiệu vàng miếng không phải thương hiệu SJC, ông Hưng khẳng định Nhà nước vẫn cho lưu thông bình thường. Nếu người dân có nhu cầu nắm giữ thì cứ giữ chứ không nhất thiết phải chuyển đổi. Còn muốn chuyển đổi sang thương hiệu SJC, nếu vàng đảm bảo chất lượng thì chỉ mất phí dập lại là 50.000 đồng/miếng. Đừng quá lo lắng đổ xô đi chuyển đổi thì có thể người giữ vàng sẽ bị thiệt.

Ông Trần Thanh Hải (tổng giám đốc Công ty Đầu tư và kinh doanh vàng VN):
Phải cân nhắc khi đánh thuế

Với vàng nữ trang, nếu đánh thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ bóp nghẹt ngành thủ công truyền thống của VN. Với vàng miếng, NH Nhà nước phải xác định rõ là hàng hóa hay tiền tệ. Cần xác định ai mua vàng miếng. Nếu loại bỏ yếu tố đầu cơ thì người dân lao động mua vàng là vì lý do lạm phát tại VN còn cao và họ không đủ kiến thức để dùng tiền tích lũy đầu tư vào chứng khoán, bất động sản. Như vậy nếu đánh thuế tiêu thụ đặc biệt lên vàng miếng là đánh vào đồng tiền tích cóp của người lao động.

Thời gian qua NH Nhà nước đã áp dụng nhiều chính sách để can thiệp vào thị trường vàng nhằm thu hẹp khoảng cách giữa giá vàng trong nước và thế giới, nhưng vẫn chưa gỡ rối được vì thiếu yếu tố thị trường. Nếu đưa thêm thuế tiêu thụ đặc biệt, thị trường vàng đã phức tạp lại càng phức tạp hơn.


__________________

Nỗi khổ của người giữ vàng

Ghi nhận của Tuổi Trẻ sáng 25-10, tại bộ phận ép bao bì Công ty SJC TP.HCM rất đông người ngồi chờ đến lượt kiểm định, đa số là các chủ tiệm vàng và nhân viên một số NH.

Anh Quốc, nhân viên tiệm vàng Xuân Thủy (đường Lê Thánh Tôn, Q.1), cho biết ngay sau khi mua những miếng vàng của khách, anh phải lập tức cắt bao bì cũ và mang đến Công ty SJC ép lại bao bì mới và cũng kiểm định xem có mua phải miếng vàng nhái hay không. “Rất khó phân biệt vàng nhái do mẫu mã khá giống vàng thật, tuổi vàng cũng đủ bốn số 9. Hiện nay khi mua những miếng vàng nhỏ, nhân viên phải dùng kính lúp soi để phát hiện miếng vàng giả. Mang vàng đến ép bao, nếu bị phát hiện là vàng giả chúng tôi cũng phải chấp nhận lỗ” - anh Quốc nói.

Cũng ngồi chờ đến lượt mình, anh T. cho biết đã lặn lội từ Ninh Thuận vào tp.hcm do hiện nay Công ty SJC chỉ có hai địa điểm nhận kiểm định và ép bao là Hà Nội và TP.HCM. “Sau khi mua vàng của khách, tiệm vàng phải đến tận Công ty SJC để ép lại bao bì mới chống giả” - anh T. nói.

Sáng 25-10, chúng tôi ghi nhận được ít nhất ba NH là HDBank, Eximbank và Sacombank đem vàng đến ép lại bao bì.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, nhiều người phản ảnh nỗi khổ của người dân khi cơ chế quản lý vàng mới được NH Nhà nước áp dụng. Ông Hùng, chủ một tiệm vàng tại TP.HCM, cho biết từ trước đến nay người dân lao động chủ yếu mua loại vàng miếng lẻ (5 phân hoặc 1 chỉ), tích cóp dần để đổi thành miếng vàng 1 lượng. Mua miếng vàng lẻ họ chịu thiệt thòi do giá cao hơn khoảng 30.000 đồng/miếng so với miếng vàng 1 lượng.

Tuy nhiên, hiện nay khi họ có nhu cầu bán hoặc đổi sang miếng vàng 1 lượng lại bị mua thấp hơn đến vài trăm ngàn đồng/lượng. Có thời điểm giá vàng miếng lẻ rẻ hơn đến 600.000-700.000 đồng/lượng so với vàng miếng loại 1 lượng. “Đây là điều bất hợp lý vì cũng là vàng SJC sao phải chịu tình cảnh mua đắt bán rẻ”.

Giải thích về bất hợp lý này, ông Nguyễn Công Tường, phó phòng kinh doanh sỉ Công ty SJC, cho biết hiện nay Công ty SJC chỉ được phép chuyển đổi vàng móp méo thành vàng miếng loại 1 lượng, không được phép chuyển đổi vàng miếng lẻ thành miếng vàng loại 1 lượng hoặc ngược lại.

Trong khi đó, sau khi phát hiện vàng giả SJC người dân bán vàng lẻ rất nhiều vì lý do loại vàng lẻ trước thời điểm 22-10 chưa có bao bì chống giả. Thị trường xảy ra tình trạng thiếu vàng miếng loại 1 lượng mà lại thừa vàng miếng loại lẻ. Công ty SJC chỉ còn cách mua vào và cất trong kho, chịu lãi suất hơn 360.000 đồng/lượng mỗi tháng. Như vậy thiệt hại cho cả công ty lẫn người tiêu dùng. “Nguyên nhân do cơ chế điều hành” - ông Tường nói.

Các mốc thời điểm

* 6-10-2011: NH Nhà nước cho phép Công ty SJC và năm NH gồm Eximbank, ACB, Sacombank, Techcombank và Đông Á bán 5 tấn vàng cùng một mức giá để can thiệp thị trường. Ngoài ra, theo thông tư 32 của NH Nhà nước, một số NH đủ điều kiện được bán vàng huy động, đồng thời mở tài khoản vàng ở nước ngoài để cân bằng trạng thái.

* 10-10-2011: NH Nhà nước ra quy định cấm NH thế chấp, cầm cố vàng cho mục đích đầu cơ.

* 25-11-2011: tại diễn đàn Quốc hội, Thống đốc NH Nhà nước Nguyễn Văn Bình tuyên bố: “SJC trở thành nhãn hiệu vàng của NH Nhà nước”.

* 4-2012: Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng được ban hành, trong đó cho phép mua bán vàng miếng nhưng không được dùng làm phương tiện thanh toán.

* 24-8-2012: Công ty SJC được cho gia công và chuyển đổi hơn 418.000 lượng vàng (gần 16 tấn).

* 22-10-2012: Công ty SJC tung ra bao bì chống giả cho loại vàng miếng 5 phân, 1 chỉ, 2 chỉ và 5 chỉ. Trước đó ngày 24-10-2011, bao bì chống giả đã được dùng cho vàng miếng loại 1 lượng.



DiaOcOnline.vn - Theo Tuổi Trẻ