Để vay được tiền của một số nhà băng, Văn Phú Invest đã đem một số dự án “đất vàng” ở Hà Nội và TP.HCM đi cầm cố.
Ảnh minh họa.
|
Như BizLIVE đã đưa tin, Công ty Cổ phần Đầu tư Văn Phú Invest (mã VPI) vừa công bố Báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2018. Theo báo cáo này, tình hình hoạt động và kết quả kinh doanh của Văn Phú Invest cho thấy bức tranh không mấy sáng sủa.
Cụ thể, trong quý II, doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ của VPI chỉ đạt hơn 36,6 tỷ đồng, giảm 14,5 lần; lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ cũng chỉ đạt hơn 31 tỷ đồng, giảm 9,6 lần so với cùng kỳ năm trước (quý II/2017 là hơn 300,3 tỷ đồng.
Các chi phí như chi phí quản lý tăng gấp 2,3 lần, đạt 23,7 tỷ đồng và chi phí tài chính 8 tỷ đồng, chi phí khác tăng hơn 19 lần, lợi nhuận khác từ mức 130 triệu năm 2017, năm 2018 âm 462 triệu...
Bên cạnh đó, lợi nhuận từ các công ty con, công ty liên kết cũng giảm mạnh trong quý này, chỉ còn 1,3 tỷ đồng trong khi cùng kỳ 2017 con số này là 66,8 tỷ đồng. Theo đó, lợi nhuận trước thuế quý II/2018 của VPI đã giảm mạnh chỉ còn vỏn vẹn 1,27 tỷ đồng, giảm 286,5 lần so với cùng kỳ năm trước (năm ngoái con số này là 343,8 tỷ đồng).
Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của Văn Phú Invest đạt 51,2 tỷ đồng, giảm 10 lần so với cùng kỳ năm 2017; lợi nhuận trước thuế đạt 7 tỷ đồng, giảm 46 lần so với cùng kỳ.
Về nguồn vốn, nợ phải trả tại ngày 30/6/2018 là 1.633 tỷ đồng, giảm 67 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, nợ ngắn hạn là 1.198 tỷ đồng (giảm 182 tỷ đồng), nợ dài hạn là 434 tỷ đồng (tăng 114 tỷ đồng).
Cũng theo báo cáo này, VPI hiện đang vay nợ các ngân hàng như Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam – CN Thủ Thiêm, Ngân hàng TNHH Indovina –CN Thiên Long, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam – CN Thăng Long… với tổng số nợ hàng trăm tỷ đồng.
Theo cáo bạch của VPI, một trong những khoản vay đó là khoản vay tại Ngân hàng TNHH Indovina – CN Thiên Long, hợp đồng hạn mức tín dụng số 72/2017, hạn mức vay 740 tỷ đồng, thời hạn vay 12 tháng.
Đề vay số tiền trên, VPI đã buộc phải thế chấp quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất tại khu đất ký hiệu TTDV-01, KĐT An Hưng, quận Hà Đông, Hà Nội.
Đáng chú ý, cùng khu đất trên, VPI cũng tiếp tục thế chấp tiếp cho Ngân hàng TNHH Nidovina để khoản vay 200 tỷ đồng, thời gian vay 12 tháng từ ngày 30/8/2017.
Ngoài ra, các khoản vay tại Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam – CN Thăng Long cũng khiến VPI phải cầm cố một số khu đất vàng tại Hà Nội và TP.HCM.
Cụ thể, với hợp đồng tín dụng ký ngày 22/6 với Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam để vay 165 tỷ đồng, thời gian vay đến 12/12/2018. Mục đích vay, bổ sung vốn lưu động phục vụ thi công xây dựng tòa nhà CT9 – Dự án Văn Phú Victoria (khối căn hộ), dự án nhà ở thấp tầng tại ô đất V5+V6.
Và hợp đồng tín dụng ngày 13/12/2017, với mức vay 85 tỷ đồng, thời hạn vay 12 tháng. Mục đích vay bổ sung vốn lưu động góp vốn vào Công ty TNHH MTV Đầu tư Văn Phú Giảng Võ để thực hiện xây dựng trường Đại học Y tế Cộng đồng…, VPI đã phải bảo đảm cho 2 hợp đồng trên bằng cách thế chấp bất động sản tại địa chỉ phường Thảo Điền, quận 2, TP.HCM. Tuy nhiên, tài sản này sau đó đã được VPI giải chấp ngày 8/1/2018.
Đồng thời, thế chấp tài sản gắn liền với đất đã hình thành là các công trình xây dựng đã hình thành bao gồm: Khu dịch vụ thương mại tầng 1-01, tầng 1-02, tầng 1-03, tầng 1-04, tầng 5-01, tầng 5-02, tầng 5-04, tầng 5-05 tại địa chỉ CT09, Khu đô thị mới Văn Phú, phường Phúc La, quận Hà Đông, Hà Nội….
DiaOcOnline.vn - Theo BizLive