Chánh Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế nói về “cuộc chiến” giữa Saigontourist và Bitexco liên quan đến việc thoái vốn tại Công ty TNHH Saigon Morin Huế.
Tại buổi cung cấp thông tin cho báo chí vào chiều 19.4, bà Trần Thị Hoài Trâm- Chánh Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế đã nêu quan điểm của tỉnh về “cuộc chiến” giữa Tổng công ty Du lịch Saigon (Saigontourist) và Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco trong việc thoái vốn tại Công ty TNHH Saigon Morin Huế.
Theo bà Trâm, Công ty TNHH Saigon Morin Huế được Sở KHĐT tỉnh cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu ngày 18.10.2004 và đăng ký thay đổi gần đây nhất là lần thứ 8 vào ngày 19.3.2019, với 2 thành viên góp vốn là Công ty Cổ phần Du lịch Hương Giang và Saigontourist.
Khách sạn Saigon Morin.
Bà Trâm cho hay, theo điều lệ Công ty TNHH Saigon Morin Huế, thời hạn hoạt động của Công ty là 22 năm, kể từ ngày 30.6.1994. Đến thời điểm 30.6.2016 là kết thúc thời hạn hoạt động của công ty này.
Theo Luật Doanh nghiệp, việc sửa đổi, bổ sung điều lệ Công ty thuộc thẩm quyền của Hội đồng thành viên. Theo đó, hội đồng này đã thống nhất kéo dài thời gian hoạt động đến 30.6.2019, được thể hiện lần lượt tại các nghị quyết của Hội đồng.
Bà Trâm khẳng định, việc định giá tài sản của doanh nghiệp thuộc quyền và nghĩa vụ của các thành viên Công ty. Đây là quan hệ dân sự giữa các bên, trường hợp các thành viên Công ty không thống nhất thì có thể gửi yêu cầu đến cơ quan có thẩm quyền để khởi kiện theo quy định. Trình tự, thủ tục khởi kiện thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.
Vào tháng 2.2019, Saigontourist đã có đơn “cầu cứu” ông Nguyễn Thiện Nhân- Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh về tình trạng thoái hóa vốn tại Công ty TNHH Saigon Morin Huế.
Liên doanh giữa giữa Saigontourist và Công ty Cổ phần Du lịch Hương Giang tại Công ty TNHH Saigon Morin Huế bước vào giai đoạn đổ vỡ kể từ khi Bitexco “thâu tóm” Công ty Cổ phần Du lịch Hương Giang. Phía Saigontourist cho rằng họ bị Bitexco ép phải chấm dứt liên doanh. Doanh nghiệp này đưa ra định giá khách sạn Saigon Morin là 405 tỷ đồng theo phương pháp thị trường, trong khi Bitexco đưa ra mức định giá 141 tỷ đồng theo phương pháp tài sản.
Theo Bitexco, mức giá 141 tỷ đồng đưa ra theo phương pháp tài sản là hoàn toàn phù hợp và mức 405 tỷ đồng theo phương pháp thị trường là không hợp lý. Phía Saigontourist cho rằng lượng lớn vốn Nhà nước tại Công ty TNHH Saigon Morin Huế có nguy cơ bị mất (Saigontourist là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước) nên đã gửi văn bản báo cáo sự việc này tới nhiều ban ngành, và mới đây nhất là "cầu cứu" tới Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân.
Năm 2016, Bitexco và UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế ký kết chuyển nhượng 12,572 triệu cổ phần, tương đương 62,86% phần vốn nhà nước tại Công ty Cổ phần Du lịch Hương Giang. Bitexco qua đó nâng tỷ lệ sở hữu phần vốn tại Công ty Cổ phần Du lịch Hương Giang từ 7,62% lên 70,48%.
Theo quy định tại điểm b, khoản 4 Điều 38 Nghị định 91/2015, việc thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp như Công ty Cổ hần Du lịch Hương Giang phải thực hiện thông qua đấu giá công khai. Nếu đấu giá công khai không thành công thì tiếp tục đấu giá cổ phần theo lô, cuối cùng mới bán thoả thuận trực tiếp với nhà đầu tư.
Khi sang tay hơn 60% cổ phần tại Công ty Cổ phần Du lịch Hương Giang, UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế không thực hiện đấu giá theo quy định. Đặc biệt, mức giá của thương vụ được cho là “bèo”, tính theo mệnh giá ước khoảng 158 tỉ đồng. Đổi lại, với tỷ lệ cổ phần chi phối, Bitexco sở hữu luôn một loạt khách sạn lớn, sang trọng, nằm ở những vị trí đắc địa bậc nhất tại Huế cùng nhiều dự án nghỉ dưỡng quy mô lớn...
DiaOcOnline.vn – Theo Dân việt