Trông người làm nhượng quyền, ngẫm đến ta...

Cập nhật 08/12/2018 10:23

Doanh nghiệp Hàn Quốc đang được chính phủ nước này hỗ trợ 100% ngân sách để thực hiện việc bán thương hiệu ở Việt Nam, cao hơn rất nhiều so với mức hỗ trợ dành cho việc bán thương hiệu ở các thị trường khác. Còn với doanh nghiệp Việt Nam, câu chuyện muôn thưở vẫn là: tự bơi ra biển lớn.

Món ăn Việt truyền thống đang tìm đường nhượng quyền ra nước ngoài. Ảnh: HOÀNG VŨ

Bà Nguyễn Phi Vân, chuyên gia nhượng quyền và bán lẻ quốc tế, giải thích mức hỗ trợ dành cho doanh nghiệp mang thương quyền đi bán ở Việt Nam lên tới 100% vì Hàn Quốc coi Việt Nam là thị trường trọng yếu. Kế đến sẽ là Indonesia, với mức hỗ trợ 50%. Hàn Quốc gọi đó là “chương trình Nam tiến”, khai thác các thị trường nhượng quyền đang đến mùa thu hoạch như Việt Nam.

Tương tự, Chính phủ Malaysia, Singapore đang tiếp tục chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nhượng quyền ra thế giới bằng nhiều hình thức, chẳng hạn như thuê chuyên gia về nhượng quyền huấn luyện, xây dựng mô hình...

Với chiến lược như vậy, tại các hội chợ về nhượng quyền và bán lẻ diễn ra ở TPHCM mỗi năm vài bận, như Triển lãm công nghệ cửa hàng bán lẻ và nhượng quyền diễn ra đầu tháng 11 vừa qua, các nước đều có gian hàng quốc gia, đích thân bộ trưởng hoặc thứ trưởng bộ thương mại đến tham dự, trưng bày đủ các nhãn hàng từ ẩm thực đến thức uống, từ dịch vụ giáo dục đến thẩm mỹ... Các khách hàng Việt Nam tham quan không ít, đầy vẻ háo hức.

Trong vài năm qua, các nhãn hàng từ châu Á đã tràn ngập thị trường trong nước và được dự báo còn gia tăng nữa. Nhiều nhất có lẽ là trà sữa (từ Đài Loan, Hàn Quốc, Thái Lan) rồi đến nhà hàng, quán ăn thịt nướng, lẩu; cà phê; bánh ngọt hay các chuỗi trung tâm dạy tư duy, chuỗi cửa hàng đồ dùng giá rẻ. Điều này, tất nhiên, chẳng có gì sai vì người tiêu dùng Việt Nam vốn thích hàng ngoại, người trẻ thích thử những cái mới... có cầu thì ắt có cung.

Nhưng trước làn sóng đó, các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, sẽ không còn an toàn tại thị trường Việt Nam và buộc phải có tư duy quốc tế cũng như phải bước chân ra thị trường thế giới. Tại sao lại như vậy? Theo giải thích của bà Vân, nếu không nâng tầm doanh nghiệp thì sẽ thua ngay tại sân nhà vì các nhãn hàng từ khu vực và thế giới đã xây dựng xong nền tảng. Nghĩa là, doanh nghiệp hiện đang cạnh tranh ngay tại Việt Nam trên bình diện quốc tế. Đơn giản như bán chè trong hẻm cũng không yên vì phải cạnh tranh với các nhãn hàng của Đài Loan, Thái Lan... Và với tình hình thị trường không còn ranh giới như hiện nay thì không có khái niệm thị trường Việt Nam, không còn được bảo hộ. Do vậy, dù bán chè, dù có một chi nhánh... cũng phải xây dựng nền tảng, tiêu chuẩn thế giới để cạnh tranh ngay tại thị trường Việt Nam và tìm cách vươn ra thị trường toàn cầu.

Tất nhiên, trong bối cảnh Việt Nam, các doanh nghiệp nhỏ và vừa có mô hình tiềm năng có thể nhượng quyền sẽ không thể kỳ vọng, trông chờ nhiều vào sự hỗ trợ tới 100% ngân sách như công ty Hàn Quốc, Malaysia... Vì rằng, nhượng quyền thương hiệu chưa được xác định là ngành mũi nhọn của nền kinh tế như xuất khẩu. Hành lang pháp lý về nhượng quyền cũng chưa hoàn thiện, đầy đủ, việc xử lý tranh chấp không đơn giản nên đa phần các doanh nghiệp chọn cách... tự xử.

Do vậy, điều chắc chắn là doanh nghiệp sẽ tiếp tục tự bơi như bao nhiêu năm qua nếu muốn đưa văn hóa ẩm thực hay cà phê Việt Nam ra thế giới bằng con đường nhượng quyền, có nhiều giá trị gia tăng.

Câu hỏi đặt ra là cơ hội nào cho doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa trong chuyện này. Bà Vân cho rằng, với xu hướng mô hình kinh doanh nghĩa là không có mô hình nào hết và thời của hợp tác như hiện nay, doanh nghiệp Việt Nam có nhiều cơ hội để đi xa, miễn là có tư duy mở. Nhiều nhà đầu tư trên thế giới đang tìm kiếm những mô hình kinh doanh tiềm năng, có khả năng thành công trong tương lai dù ở hiện tại chưa hoàn thiện để đặt vấn đề hợp tác, không phải là mua nhượng quyền như các thương hiệu có lịch sử hàng trăm năm. Nghĩa là, thay vì bỏ tiền để mua thương quyền thì sẽ có những thỏa thuận sử dụng nguồn lực hai bên để cùng hướng đến mục tiêu tối thượng là hoàn thiện, phát triển mô hình. Nhà đầu tư có thể đóng góp bằng vốn, bằng kinh nghiệm, bằng kiến thức hay mối quan hệ của bản thân và được quyền phủ quyết đầu tiên khi có các quyết định quan trọng. Người có mô hình thì chuyên tâm cho sản phẩm, vận hành...

Bên cạnh đó thì còn có thể hợp tác với các mô hình, doanh nghiệp mạnh ở các mảng khác để thành liên doanh, tìm những người đồng sáng lập (đây là cách các công ty startup thành công trên thế giới vận hành). Doanh nghiệp cũng có thể chọn cách “đứng trên vai người khổng lồ” (strategic partner), tức tặng mô hình cho những hệ thống lớn để gia tăng giá trị thương hiệu...

Nghĩa là, hợp tác kiểu gì cũng được, miễn là có những điều khoản rõ ràng để đạt được mục tiêu khi mình còn yếu về tài chính, quản trị.

Có 1.001 cách hợp tác, 1.001 cách nhượng quyền

Với sự phát triển của công nghệ, mô hình nhượng quyền cũng đã thay đổi rất nhiều so với trước đây. Có một khái niệm đang rất phát triển trên thế giới là nhượng quyền một công việc (job franchise). Theo đó, thay vì nhượng quyền một thương hiệu với sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh, quy trình vận hành hay địa điểm kinh doanh... cụ thể thì có thể chỉ cần chuyển giao nền tảng (platform) bán hàng, cung cấp dịch vụ. Chẳng hạn, một doanh nghiệp sản xuất đồ nội thất theo thiết kế đặt hàng, sau khi đã hoàn thiện khâu sản xuất, chuỗi cung ứng, phát triển được thương hiệu thì không nhất thiết phải mở cửa hàng bán lẻ để nhượng quyền mô hình cửa hàng này mà có thể nhượng quyền platform cho đối tác. Platform này sẽ có thông tin chi tiết về sản phẩm và đặc biệt nhất là hình ảnh của từng căn phòng khi đặt sản phẩm vào với các tùy biến về màu sắc, kiểu dáng, giúp khách hàng có thể thấy trước bố trí không gian. Đối tác nhận quyền sẽ chịu trách nhiệm bán hàng trên platform này còn nhà nhượng quyền lo chuyện sản xuất, giao nhận. Trong ngành ẩm thực cũng tương tự. Thế giới đã ghi nhận những mô hình nhà hàng ảo được nhượng quyền, tức không có địa điểm cố định, chỉ có các món ăn bằng hình ảnh để khách hàng đặt hàng...

Đây là phương thức nhượng quyền mới, có thể phát triển nhanh, dựa vào công nghệ và tận dụng được các nguồn lực sẵn có. Trong nhiều trường hợp, người có năng lực về sản phẩm sẽ không có khả năng về công nghệ. Do vậy, không nên tự làm tất cả mà phải hợp tác, dung nạp những người khác có khả năng ở những lĩnh vực mà mình không có bằng mô hình đồng sáng lập. Đây cũng là cách sáng tạo không ngừng nhờ tiếp cận vấn đề bằng nhiều góc nhìn khác nhau.

Đặc biệt, với những người làm “tay ngang”, chẳng hạn làm về mô hình thực dưỡng nhưng chuyên môn sâu về tiếp thị thì càng cần có những người đồng sáng lập là chuyên gia có uy tín trong ngành thực phẩm.

Phát triển tài chính cho ngành nhượng quyền

Theo bà Nguyễn Phi Vân, một trong hai lý do quan trọng khiến ngành nhượng quyền chưa phát triển ở Việt Nam là chưa có vốn rẻ từ ngân hàng. Nếu phải vay ngân hàng với lãi suất cao, có tài sản thế chấp để đầu tư mua nhượng quyền thì chắc chắn sẽ từ... chết đến bị thương.

Cách làm của nhiều nước trên thế giới là các nhà nhượng quyền thương hiệu (franchisor) hợp tác với ngân hàng khi phát triển chuỗi. Theo đó, ngân hàng sẽ dựa trên tiềm năng, kế hoạch, sức mạnh thương hiệu của franchisor để quyết định việc cho đối tác nhận quyền (franchisee) vay tín chấp với lãi suất ưu đãi. Bù lại, franchisor cho phép ngân hàng được nhìn thấy báo cáo tài chính của franchisee hàng tháng. Mục tiêu cuối cùng là franchisee có thể có vốn rẻ, franchisor có thêm nhiều chi nhánh và ngân hàng vẫn thu hồi được vốn.


DiaOcOnline.vn - Theo TBKTSG