Tín dụng “rót” vào bất động sản cả nước trong 8 tháng đầu năm 2019 là 1,5 triệu tỷ đồng (tăng gần 14,6% so với cuối năm 2018), vào TPHCM là 269.000 tỷ đồng (chỉ tăng 3,41% so với cuối năm 2018). Đáng chú ý, trong khi nguồn thu ngân sách từ đất đai của cả nước tăng thì số thu từ tiền sử dụng đất dự án ở TPHCM lại tiếp tục sụt giảm.
Tín dụng “rót” vào bất động sản vẫn tăng nhưng thu ngân sách “tụt dốc”
Thu ngân sách giảm mạnh
Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tín dụng đổ vào bất động sản cả nước trong 8 tháng đầu năm 2019 là 1,5 triệu tỷ đồng, tăng gần 14,6% so với cuối năm 2018 (cao hơn mức tăng dư nợ tín dụng nền kinh tế, chỉ tăng 8,5%), chiếm 19% tổng dư nợ nền kinh tế.
Trong đó, tại TPHCM, tín dụng đổ vào bất động sản chỉ có 269.000 tỷ đồng, chỉ tăng 3,41% so với cuối năm 2018 (thấp hơn mức tăng tổng dư nợ tín dụng), chiếm 12,3% tổng dư nợ tín dụng. Cụ thể, trên thực tế, các doanh nghiệp bất động sản ngày càng khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng. Bên cạnh đó, tổng dư nợ cho vay tiêu dùng để xây nhà, sửa nhà, mua nhà khoảng 128.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 40% tổng dư nợ cho vay tiêu dùng.
Ngoài ra, theo Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA), năm 2018, thu ngân sách nhà nước của TPHCM từ đất chỉ đạt 22.600 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 6,3% tổng thu nội địa, bị sụt giảm đến 16,8% và số thu từ tiền sử dụng đất dự án giảm đến 22,5% so với năm 2017.
Riêng trong 9 tháng đầu năm 2019, theo số liệu của Bộ Tài nguyên & Môi trường thì số thu ngân sách nhà nước từ đất đai của cả nước là 87.000 tỷ đồng, chiếm 10,5% thu ngân sách nội địa và tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2018. Đáng chú ý, trong khi nguồn thu ngân sách nhà nước từ đất đai của cả nước tăng thì số thu từ tiền sử dụng đất dự án ở TPHCM (đầu tàu kinh tế Đông Nam bộ) lại tiếp tục xu thế sụt giảm.
“Tại TPHCM, 9 tháng đầu năm 2019, số thu từ tiền sử dụng đất dự án lại tiếp tục xu thế sụt giảm, chỉ thu được 9.861 tỷ đồng, giảm 18,26% so với cùng kỳ năm trước và chỉ còn chiếm tỷ trọng 3,9% tổng thu ngân sách nội địa. Số nợ tiền sử dụng đất của doanh nghiệp trong 9 tháng đầu năm 2019 lên đến 1.072 tỷ đồng”, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho biết.
Thị trường bất động sản tại TPHCM bị chững lại
Còn vướng mắc pháp luật
Hiệp hội Bất động sản TPHCM cũng cho hay, trong 9 tháng đầu năm 2019, thị trường bất động sản TPHCM tiếp tục xu thế bị sụt giảm, chỉ có 1 dự án nhà ở được chấp thuận chủ trương đầu tư, giảm khoảng 83%; không có dự án nhà ở nào được công nhận chủ đầu tư; chỉ có 12 dự án được chấp thuận đầu tư, giảm khoảng 72% và chỉ có 24 dự án được cấp phép xây dựng, giảm khoảng 38%, so với cùng kỳ năm 2018.
HoREA cho rằng, nguyên nhân dẫn đến thị trường bất động sản bị sụt giảm, ách tắc là do một số quy phạm pháp luật, văn bản dưới luật thiếu thống nhất, thiếu đồng bộ dẫn đến vướng mắc, xung đột, gây ra vướng mắc, ách tắc trong quá trình áp dụng pháp luật. Cùng với đó, công tác thực thi pháp luật còn những mặt hạn chế và cũng do có phát sinh yếu tố rủi ro trong thi hành công vụ.
Không chỉ vậy, thị trường bất động sản tại TPHCM bị chững lại còn là do các vướng mắc, khó khăn, ách tắc của doanh nghiệp và thị trường bất động sản chưa được xem xét giải quyết kịp thời. Một số doanh nghiệp bất động sản chưa thật sự quan tâm đầu tư vào phân khúc thị trường nhà ở bình dân có giá vừa túi tiền, nhà ở xã hội.
Nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp bất động sản, HoREA đề nghị UBND TPHCM sớm báo cáo Chính phủ giải quyết vướng mắc đối với các dự án nhà ở thương mại có quỹ đất hỗn hợp, gồm đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp, đất ở. Ngoài ra, Hiệp hội còn đề nghị sửa đổi, bổ sung luật cho phù hợp.
“Về lâu dài, Hiệp hội đề nghị sửa đổi, bổ sung Khoản 4 Điều 23 Luật Nhà ở: "Nhận chuyển quyền sử dụng đất (hoặc đất ở và các loại đất khác) phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về đất đai để xây dựng nhà ở thương mại", để phù hợp với Khoản (1.b) Điều 169 và Khoản 2 Điều 191 Luật Đất đai và đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật”, HoREA đề nghị.
DiaOcOnline.vn – Theo Dân trí