Ước tính, cả năm nay, dư nợ tín dụng BĐS tăng 23,87% so với năm ngoái. Đây là tỷ lệ hoàn toàn có thể chấp nhận được trong điều kiện mặt bằng lãi suất hiện nay. Theo đánh giá chung, dư nợ tín dụng BĐS của các ngân hàng trong năm 2010 là tương đối phù hợp đối với tốc độ tăng trưởng dư nợ toàn ngành và hoàn toàn có thể chấp nhận được trong điều kiện mặt bằng lãi suất hiện nay.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nhận xét, các ngân hàng đã thực hiện việc cho vay BĐS theo đúng các quy định của Chính phủ và NHNN. Căn cứ vào định hướng chính sách tín dụng của NHNN, các ngân hàng cũng cân đối một phần nguồn vốn kinh doanh để đầu tư vào lĩnh vực BĐS theo cơ chế tín dụng thương mại, hỗ trợ tích cực cho việc hoàn thành nguồn cung BĐS. Đồng thời, các ngân hàng thương mại cũng thông qua các sản phẩm tín dụng thích hợp để cung ứng vốn tín dụng cho các đối tượng có nhu cầu về BĐS như cho vay mua nhà, thuê BĐS…
Phó giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM Nguyễn Hoàng Minh cho biết, tăng trưởng dư nợ tín dụng BĐS của các ngân hàng trên địa bàn TP năm nay ở mức phù hợp và tỷ lệ nợ xấu trong lĩnh vực này giảm đáng kể so với năm 2009.
Trên thực tế, các ngân hàng đã kiểm soát chặt và hạn chế mở rộng tín dụng kinh doanh BĐS. Hầu hết các ngân hàng chỉ tập trung hỗ trợ vốn cho khách hàng cá nhân có nhu cầu thực sự về BĐS (để ở) dưới hình thức trả góp, thông qua liên kết với chủ đầu tư. Ông Bùi Tấn Tài - Phó tổng giám đốc ACB cho biết, tín dụng cho vay mua nhà trả góp chiếm tới 40 – 60% tổng dư nợ cho vay dành cho khối khách hàng cá nhân của ACB. ACB không có chủ trương mở rộng tín dụng cho khách hàng kinh doanh BĐS, vì nguy cơ nợ xấu tiềm ẩn.
Theo đại diện nhiều ngân hàng, tín dụng BĐS tiêu dùng (hỗ trợ các cá nhân có nhu cầu thực sự về BĐS) sẽ an toàn hơn, vì khi cho vay, người vay đã có 30% vốn tự có, đồng thời tài sản thế chấp chính là sản phẩm BĐS mà khách hàng dự định mua. Vì thế, chủ trương của hầu hết các ngân hàng là tập trung nhiều hơn trong việc phát triển tín dụng BĐS tiêu dùng dành cho khách hàng cá nhân dưới hình thức trả góp. Tuy nhiên, áp lực lãi suất cho vay thỏa thuận tăng cao đang trở thành rào cản đối với khách hàng cá nhân trong việc tiếp cận vốn vay ngân hàng để mua nhà, căn hộ…, dù sản phẩm nhà, đất trên thị trường ngày càng nhiều hơn, giá cả cũng cạnh tranh hơn trước.
Ông Đàm Thế Thái - Phó tổng giám đốc HDBank cho rằng, mặt bằng lãi suất cho vay thỏa thuận đối với cá nhân hiện dao động ở mức 17 - 19%/năm cũng phần nào làm giảm nhu cầu vốn của khách hàng. Đối với chủ đầu tư dự án, dù thị trường BĐS tương đối bình lặng, song không phải ngân hàng nào cũng rộng cửa cho vay, trừ những dự án BĐS khả thi và đầu ra tương đối tốt.
DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây Dựng