Tiền... đi đâu về đâu?

Cập nhật 19/10/2012 14:25

Ngân hàng không ngừng chạy đua lãi suất để đảm bảo thanh khoản, đảm bảo cung tiền nhưng không ít người thắc mắc tỷ lệ huy động vốn khá cao nhưng tiền dư nợ tín dụng lại rất thấp. Điều này đồng nghĩa với việc tiền không đi vào sản xuất, vào nền kinh tế, vậy tiền đang đi đâu về đâu?

Ngân hàng đang thừa tiền, doanh nghiệp than thiếu tiền

Ngân hàng lại "chạy đua” lãi suất

Sau một thời gian yên ắng, đến nay các ngân hàng lại tiếp tục vào cuộc tranh đua lãi suất mới. Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước về tình hình hoạt động của hệ thống ngân hàng tuần cuối tháng 9 cho thấy, nhiều ngân hàng đang có lãi suất tiền gửi khá cao từ 12,5-13% với kỳ hạn 12 tháng, 13 tháng. Các ngân hàng Thương mại cổ phần Dầu khí toàn cầu, Bắc Á, Việt Nam Thương Tín… có lãi suất huy động cao nhất ở kỳ hạn 12, 13 tháng. Không chịu "thua chị kém em”, một số ngân hàng lớn như ACB, Eximbank, Sacombank cũng tăng lãi suất kỳ hạn 12, 13 tháng lên. Được biết, đây là những kỳ hạn không bị Ngân hàng Nhà nước khống chế trần lãi suất theo quy định.

Nói về nguyên nhân của cuộc chạy đua lãi suất, các chuyên gia kinh tế cho rằng, đó là thực tiễn không thể chối bỏ. Một hệ thống ngân hàng với nhiều ngân hàng có quy mô khác nhau nhưng cạnh tranh trên cùng một thị trường thì không tránh khỏi các cuộc chạy đua lãi suất. Thực tế cho thấy, ngân hàng nhỏ luôn bị sức ép là phải chạy đua lãi suất để huy động vốn còn không phải phụ thuộc vào thị trường 2 hoặc liên ngân hàng. "Thời gian qua, theo chính sách điều tiết tín dụng của Ngân hàng Nhà nước nên một số ngân hàng nhỏ bị hạn chế mức tăng trưởng trong năm 2012. Vì quy mô nhỏ và cần nhiều thanh khoản nên họ phải tăng huy động. Nếu nhìn vào báo cáo tài chính của một số ngân hàng trong quý 1 và quý 2 thì thấy rằng, rất nhiều hạng mục được chuyển sang tín dụng, tức là, từ nhiều tài khoản khác chuyển sang tín dụng và khi tín dụng "bùng lên” đụng trần thì ngân hàng thương mại tiếp tục xin Ngân hàng Nhà nước nới trần, buộc phải chạy đua lãi suất”, ông Nguyễn Xuân Thành, giảng viên Chính sách công (chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright) khẳng định.

Tình trạng hút vốn khách hàng bằng cách "vượt rào” lãi suất huy động giữa các ngân hàng có thể gây ra sự rối loạn thị trường. Mặc dù đã có sự can thiệp của cơ quan chức năng song ngân hàng vẫn lách luật. Cho nên, dùng biện pháp hành chính chỉ êm trong một thời gian sau đó lãi suất lại "dậy sóng”.

Tiền không vào nền kinh tế

Dù tình hình đua lãi suất vẫn gia tăng, tiền trong hệ thống ngân hàng dồi dào nhưng mức độ cho vay vào nền kinh tế lại hạn chế. Ông Nguyễn Xuân Thành cho rằng, hiện nay các ngân hàng huy động vốn đến 11% nhưng cho vay chỉ có 2,35%. Vấn đề đặt ra là tiền đang đi về đâu?

Lý giải nguyên nhân đồng tiền đang quanh quẩn đâu đó và chưa đi vào nền kinh tế, ông Trương Đình Tuyển cho biết: "Đồng tiền chưa đi vào nền kinh tế bởi cầu yếu. Doanh nghiệp có khả năng tìm thương vụ kinh doanh nhưng nợ xấu lớn nên không tiếp cận được vốn”.

Cũng tìm lời giải cho vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Thành phân tích rõ, nếu nhìn vào kinh nghiệm quốc tế thì điều này xảy ra khi nền kinh tế bước vào thoái nợ, tức là người vay đang muốn giảm nợ nên tín dụng không tăng. Hơn nữa, nhìn vào bảng cân đối kế toán của các ngân hàng thấy rõ, dòng tiền huy động của ngân hàng tập trung tại các hạng mục tài sản khác. Tức là tiền cho vay đã được tái cơ cấu và chuyển cho công ty con như trong báo cáo hợp nhất; nợ xấu được thể hiện vào hạng mục tài sản khác như trái phiếu chính phủ. Bởi vì theo ngân hàng, đầu tư vào trái phiếu chính phủ an toàn hơn, còn cho doanh nghiệp vay trong thời gian này mức rủi ro sẽ rất cao. Đó chính là lý do tại sao tiền huy động tăng nhanh hơn nhưng không vào được sản xuất.

Ông Thành cho biết thêm, về khía cạnh doanh nghiệp. Những doanh nghiệp khỏe mà ngân hàng sẵn sàng cho vay lại chính là doanh nghiệp muốn trả hết nợ vì họ muốn củng cố bảng ngân sách kế toán, kỳ vọng của những doanh nghiệp này vào nền kinh tế không cao, không muốn đẩy mạnh đầu tư trong khi ngân hàng thì muốn cho vay. Còn những doanh nghiệp muốn vay ngân hàng để đầu tư sản xuất ngân hàng lại từ chối vì họ cho rằng doanh nghiệp này có ý định vay ngân hàng này để trả nợ ngân hàng khác.

DiaOcOnline.vn - Theo Đại Đoàn Kết