Thị trường biến động bất thường, giới đầu tư quan tâm hơn tới những dự báo, phân tích từ các chuyên gia uy tín. |
Kể từ khi VN-Index chạm đáy 235 điểm đến nay, thị trường đã trải qua một chu kỳ tăng trưởng mạnh. Giai đoạn hồi phục lần này, thị trường chứng khoán được chứng kiến sự nổi lên, soán ngôi dẫn dắt của nhóm cổ phiếu bất động sản.
Nhóm cổ phiếu này đã đem lại những khoản lợi nhuận rất lớn cho các nhà đầu tư của mình. Đơn cử, lập kỷ lục là mã NTL đi từ đáy 24.620 đồng/cổ phiếu (24/2/2009) lên tới mức 171.000 đồng/cổ phiếu (18/11), tăng tương ứng 593%.
Kế theo, LCG, SJS sau khi xác lập mức giá thấp nhất trong năm tương ứng là 18.2 70 đồng/cổ phiếu 17.600 đồng/cổ phiếu (24/2/2009) cùnng đã vọt lên đỉnh LCG đạt 96.000 đồng/cổ phiếu (18/1102009) và SJS đạt 89.880 đồng/cổ phiếu (14/10/2009), tăng tương ứng 425% và 411%.
Các mã cổ phiếu khác như TDH cũng đi từ đáy 27.020 đồng/cổ phiếu (24/2/2009) lên đỉnh 120.000 đồng/cổ phiếu (14/10), tăng tương ứng 344%. BCI sau khi chào sàn có mức giá đóng cửa 23.500 đồng/cổ phiếu (16/3/2009) cũng vù vù tăng giá theo xu hướng chung, tính tới đỉnh 79.000 đồng/cổ phiếu (15/10) BCI tăng tới 236%...
Lợi nhuận ẩn trong “nợ phải trả”
Theo phân tích đánh giá chỉ tiêu hiệu quả và định giá cổ phiếu bất động sản từ Công ty chứng khoán châu Á Thái Bình Dương (APEC), tính tới thời điểm cuối tháng 11/2009, giá trị sổ sách của các mã cổ phiếu này đạt tương đối cao. Dẫn đầu là ITC đạt 58.200 đồng/cổ phiếu, TDH là 47.200 đồng/cổ phiếu, LCG là 39.200 đồng/cổ phiếu, SJS là 35.400 đồng/cổ phiếu.
Căn cứ tính P/BV (thị giá/giá trị sổ sách) của ITC là hấp dẫn nhất 1,51 lần, tiếp theo là BCI 2,81 lần, NTL cao nhất nhóm khoảng 7,94 lần.Cũng như chỉ số P/E (thị giá cổ phiếu/lợi nhuận ròng) năm 2009 của NTL, LCG, DIG đều xấp xỉ và bằng 12 lần, còn lại BCI và SJS lần lượt là 19,9 lần và 17,7 lần.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc khối phân tích tại APEC cho rằng, thoạt đầu nhìn vào sự tăng trưởng về giá của nhóm cổ phiếu này, nhiều người không khỏi hoang mang về các mức giá quá cao, song không phải là không có cơ sở để tin tưởng vào sự bứt phá của chúng.
Với kinh nghiệm 10 làm kế toán trưởng trong lĩnh vực xây dựng, ông Bình cho hay, bất động sản là ngành đặc thù, chu kỳ kinh doanh kéo dài hơn 1 năm, do vậy phương pháp hạnh toán chi phí sẽ được treo lại trên bảng cân đối tài sản. Tất cả các khoản chi phí sẽ được treo vào chi phí xây dựng dở dang, xây dựng công trình chứ không kết chuyển thành lợi nhuận hàng năm như ngành dịch vụ.
"Phần công nợ của khách hàng lại treo vào khoản nợ phải trả, nhưng thực chất là tiền đặt cọc (khoảng 30% giá trị hợp đồng) của khách hàng. Sau khi kết thúc công trình khách hàng sẽ phải thanh toán nốt khoản tiền còn lại (theo tiến độ trong thoả thuận hợp đồng). Vì vậy, các khoản lợi nhuận được kết chuyển sang năm tới sẽ là những con số vượt bâc", ông Bình nhận định.
Theo thống kê từ báo cáo tài chính quý III - số liệu về dòng tiền trong ngắn hạn, ITC là doanh nghiệp có tổng tiền mặt và các khoản phải thu lớn nhất, gần 1.058 tỷ đồng. Tiếp theo là SJS có giá trị trên 953 tỷ đồng, DIG là 768 tỷ đồng, NTL là 625 tỷ đồng, LCG là 522 tỷ đồng, BCI là 476 tỷ đồng... Về hàng tồn kho, ITC và BCI có giá trị hàng tồn kho lên đến 1.560 tỷ đồng và 1.420 tỷ đồng.
Trong khi đó đem so sánh các chỉ tiêu trên, cùng với các khả năng sinh trưởng lợi nhuận của các khu đất tiềm năng chưa được khai thác của nhóng cổ phiếu này với vốn điều lệ như NTL là 164 tỷ đồng, ITC là 230 tỷ đồng, LCG và TDH khoảng 250 tỷ đồng hay thậm chí là SJS với mức vốn 1.000 tỷ đồng thì lợi nhuận kỳ vọng là hết sức khả quan.
“Với những yếu tố trên cộng với mức giá giao dịch của các mã bất động sản tại thời điểm cuối tháng 11 đã được điều chỉnh khá sâu, thì các mã như NTL, LCG sẽ là tiềm năng cho các hoạt động đầu tư ngắn hạn. Về đầu tư để nắm giữ lâu dài thì các mã ITC, TDH, SJS, BCI, DIG sẽ là hợp lý hơn”, ông Bình nhấn mạnh.
Triển vọng ngành bất động sản
Theo Tiến sĩ Đỗ Thị Loan, Tổng thư ký hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh, triển vọng về thị trường bất động sản từ nay sang đến năm 2010 là rất tốt. Dòng tiền đầu tư tài chính từ nhiều ngả đang có xu hướng dịch chuyển về thị trường bất động sản.
“Ngoài sự phục hồi mạnh mẽ của các doanh nghiệp bất động sản trong nước thì gần đây các tập đoàn đa quốc gia cũng đã bắt đầu quay trở lại sau thời kỳ suy thoái. Họ xem xét các dự án nào đang triển khai dở dang hoặc nghiên cứu dở dang thì thúc đẩy hoạt động, nghiên cứu tiếp. Ngoài ra có số lượng lớn các nhà đầu tư mới cũng rất quan tâm đến thị trường của chúng ta. Nhà đầu tư nước ngoài đánh giá, hiện thị trường bất động sản Việt Nam là một trong những thị trường tiềm năng nhất trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương”, bà Loan cho biết.
Tiến sĩ Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện quản lý kinh tế Trung ương cũng nhận định, nếu nói về phát triển thì ngành xây dựng được hưởng lợi nhiều từ các gói kích thích kinh tế. Trên thực tế, ngành xây dựng năm ngoái tăng trưởng âm nhưng sang đến năm nay, tăng trưởng trong 9 tháng đầu năm tới 9,7% và cả năm dự kiến có thể trên 10%.
"Trong khi đó, nhìn sang ngành công nghiệp thì vẫn còn có những khó khăn. Tăng trưởng giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp tính chung trong 9 tháng chỉ khoảng 4% (trước đây hàng năm con số này khoảng trên 9%)", ông Thành nói.
Chính vì vậy, các chuyên gia cho rằng, tiềm năng của thị trường bất động sản vẫn còn là "mảnh đất đầy màu mỡ" cho nhà đầu tư trong thời gian tới.
DiaOcOnline.vn - Theo TTXVN/Vietnam+