Thực tế đằng sau những con số

Cập nhật 05/12/2012 08:27

Dù lãi suất cho vay năm nay chỉ còn dưới 15%/năm, tín dụng vẫn không tăng. Cần một góc nhìn khác cho chính sách lãi suất.
 


Tình trạng không tăng trưởng được tín dụng đang diễn ra ở nhiều ngân hàng, cho dù lãi suất cho vay liên tục giảm. Nếu nhìn ở khía cạnh minh bạch thông tin thì việc VIB là ngân hàng đầu tiên công bố công khai lãi suất cho vay trên website cho thấy, chưa bao giờ thông tin về ngân hàng lại cởi mở đến thế với khách hàng.

Rộng cửa, vẫn không có khách!

Tuy vậy, trên thực tế, việc giảm lãi suất cho vay rõ ràng không có nhiều hiệu quả. Ngân hàng thừa nhận đang phải "đốt đuốc" đi tìm doanh nghiệp để cho vay. Tổng tăng trưởng tín dụng năm 2012 sẽ chỉ ở mức 5%, nếu cộng cả phần tăng do các ngân hàng mua trái phiếu Chính phủ thì vốn ngân hàng đầu tư cho nền kinh tế năm nay "kịch kim" là 10%.

Lãi suất huy động không kỳ hạn hiện ở mức 1-2%/năm; kỳ hạn dưới 1 tháng 2%/năm; từ 1 tháng đến dưới 12 tháng 8,8-9%/năm, từ 12 tháng trở lên 10-12%/năm. Thanh khoản của hệ thống ngân hàng tự nhiên được cải thiện đáng kể do cầu tín dụng không tăng. Tuy nhiên, mức lãi suất huy động cao nhất trên thị trường hiện đang là 12,5 - 13%/năm. Một số ít ngân hàng do thiếu hụt tạm thời thanh khoản đã đẩy lãi suất huy động lên. Đó là những ngân hàng cần tiền để mua vào lượng lớn vàng nhằm cân bằng tài khoản, tiến đến tất toán tài khoản vàng theo hạn định của Ngân hàng Nhà nước. Trường hợp thứ hai là những ngân hàng thực sự rất yếu kém, nằm trong diện cố ngoi ngóp để không bị xử lý. Một số ngân hàng khác thì vẫn lo dự phòng thanh khoản cuối năm. Và một lý do không chính thức nữa: lãi suất huy động nhích lên do áp lực phải hoàn thành chỉ tiêu huy động vốn. Nhân viên ngân hàng đang chịu áp lực chỉ tiêu ở cả mảng cho vay, huy động vốn, lẫn phát hành thẻ, bán bảo hiểm... Họ phải tìm cách xoay sở trước hết vì liên quan đến lương, thưởng cuối năm; thứ nữa là tránh nguy cơ bị sa thải nếu không hoàn thành nhiệm vụ. Chỉ tiêu khoán được chia về từng phòng. Phòng lại phân bổ cho từng cá nhân. Để hoàn thành chỉ tiêu, ngoài nỗ lực của từng cá nhân, nhiều nhóm nhân viên tính toán, chấp nhận bớt chính tiền lương, thưởng của mình để bù vào phần chênh lệch lãi suất, hay quà cộng thêm cho khách hàng lớn.

Như vậy có thể thấy, lãi suất huy động - đầu vào của ngân hàng - không giảm, trong khi áp lực giảm lãi suất cho vay vẫn còn. Dự báo diễn biến kinh tế trong nước và thế giới sẽ vẫn còn khó khăn trong năm 2013. Trong bối cảnh đó, làm thế nào để tín dụng tăng, tạo nguồn sống cho ngân hàng?

Đã hết dư địa chính sách?

Lật lại vấn đề: Vì sao tín dụng từ "đỉnh cao" lại tụt áp như hiện nay? Hãy khoan xét đến yếu tố khách quan là biến động của nền kinh tế trong và ngoài nước. Chỉ nhìn vào những yếu tố nội tại của ngành ngân hàng, có thể thấy thấy, tín dụng tăng do cung vốn ồ ạt cho nền kinh tế trong nhiều năm qua. Ngân hàng trở thành ngành "hot" với thu nhập khủng. Thu nhập này từ đâu? Từ tín dụng, từ chênh lệch cao giữa đầu vào và đầu ra của lãi suất. Ngay hiện tại - thời điểm tín dụng tăng thấp - Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng phải thừa nhận, áp lực thanh khoản của các tổ chức tín dụng rất lớn. Trong tổng số hơn 100 tổ chức tín dụng Việt Nam, thường xuyên có khoảng 50 tổ chức có tỷ lệ sử dụng vốn cao hơn so với tỷ lệ huy động vốn. Cho vay nhiều hơn những gì mình có, các ngân hàng luôn nằm trong tình trạng căng thẳng về thanh khoản, phải đẩy lãi suất huy động lên. Tiếp đến, khi lãi suất huy động tăng thì lãi suất cho vay cũng tăng theo. Khách hàng chấp nhận vay với lãi suất cao là những khách hàng dự tính có lợi nhuận cao hay bắt buộc phải có chênh lệch thu chi lớn để bù đắp chi phí vốn vay ngân hàng. Lĩnh vực nào đáp ứng được điều này? Chứng khoán và bất động sản! Do đó, khi hai thị trường này đóng băng, tín dụng nguội lạnh theo, kéo theo đó là khoản nợ không thu hồi được đã, đang chuyển thành những khoản nợ xấu khổng lồ. Đến năm 2011, Ngân hàng Nhà nước mới có chính sách hạn chế cung tín dụng vào hai lĩnh vực này, lúc đó đã quá muộn. Giải quyết nợ xấu là việc phải làm trước mắt, nhưng làm thế nào để nợ xấu không tiếp tục phát sinh thì cần có chính sách ngăn ngừa ngay từ bây giờ.

Thứ hai, lãi suất huy động. Khúc mắc giữa người cho vay và người đi vay vẫn là lãi suất. Để kiềm chế lạm phát, chúng ta thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt, thể hiện ở mức lãi suất ngân hàng cao, nhằm hạn chế cung tiền. Nhưng vấn đề hiện nay là lạm phát vẫn có nguy cơ tăng, trong khi cung tiền giảm. Lâu nay trong suy nghĩ không chỉ của người dân mà ngay cả những người làm chính sách, luôn đòi hỏi lãi suất tiền gửi phải thực dương để thu hút người dân gửi tiền vào ngân hàng. Đã đến lúc những nhà làm chính sách không chỉ phát đi thông điệp này mà cần có chính sách để những người muốn bảo toàn vốn, không chấp nhận rủi ro gửi tiền để ngân hàng giữ hộ. Nếu lãi suất huy động giảm, ngân hàng sẽ tiếp tục giảm lãi suất cho vay. Với chi phí vốn vay thấp hơn, doanh nghiệp có thể tiếp tục đầu tư cho sản xuất kinh doanh, giá hàng hóa sẽ giảm... thì lạm phát phải tìm "cớ" khác mới tăng được.
 

DiaOcOnline.vn - Theo DĐDN