Thông điệp từ Thông tư 13

Cập nhật 24/09/2010 15:10


Đa số ngân hàng đã sẵn sàng cho Thông tư 13 - Ảnh: D.Đ.M
Chỉ còn vài ngày nữa (1.10) là đến thời hạn áp dụng Thông tư 13 về tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, nhưng nhiều nhà đầu tư (NĐT) vẫn không hết hy vọng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ sửa đổi thông tư này.

"Cam kết ngầm" của giới đầu tư là, nếu có tín hiệu điều chỉnh hoặc gia hạn thời gian thực hiện Thông tư 13, họ sẽ ngay lập tức "nhảy" vào thị trường.

Hy vọng đến phút cuối

Chứng khoán lình xình với xu hướng chủ đạo là giảm. Trong tất cả các câu chuyện của giới đầu tư cũng như tâm lý chung trên thị trường là chờ đợi động thái sửa đổi Thông tư 13 từ phía NHNN.

Điều này cũng dễ hiểu bởi một trong những vấn đề lớn nhất của Thông tư 13 là hạn chế việc tham gia vào các hoạt động liên quan đến kinh doanh chứng khoán và kinh doanh bất động sản của các NH thương mại khi nâng hệ số rủi ro trong 2 lĩnh vực này lên mức 250%. Nghĩa là nguồn vốn chảy vào chứng khoán và bất động sản sẽ bị "chặn" lại và 2 thị trường này sẽ bị tác động theo hướng tiêu cực.

Tuy nhiên, theo ông Lê Đạt Chí, chuyên gia chứng khoán tại TP.HCM, việc nâng tỷ trọng rủi ro trong 2 lĩnh vực này cho thấy, NHNN đã nhìn thấy mức độ rủi ro cao hơn so với nhận định ban đầu của mình trong việc đầu tư vào các lĩnh vực này. Và điều này là hoàn toàn cần thiết. Lấy thị trường chứng khoán làm minh chứng.

Thị trường này luôn bất ổn, tăng giảm không theo bất cứ quy luật nào. Đặc biệt, khi giảm khoảng 15% - 20% thì luôn luôn phải đối mặt với áp lực giải chấp. Tương tự trong lĩnh vực bất động sản.

Chúng ta vẫn thường sử dụng từ "đóng băng" để nói về thị trường này trong những năm gần đây. Điều đó có nghĩa là, khi cần, muốn bán bất động sản, cũng rất khó. Việc nâng tỷ lệ rủi ro lên 250% sẽ khiến các NH muốn cho vay trong lĩnh vực này phải tính lại LS. Từ đó, chủ đầu tư phải tính lại các khoản vay. "Thông điệp của tỷ lệ này là "nếu anh muốn tham gia lĩnh vực chứng khoán, bất động sản thì anh phải chấp nhận tỷ lệ này" - ông Chí nói.

Trên thực tế, nếu "bịt" dòng vốn chảy vào 2 lĩnh vực này thì dòng vốn sẽ chảy vào sản xuất kinh doanh. Đây là điểm tốt cho nền kinh tế và cũng thể hiện một thông điệp cao hơn, chính sách phải định hướng lâu dài chứ không nhìn trong ngắn hạn.

An toàn hệ thống

Đa số NH đã sẵn sàng nhưng một số NH vẫn kêu khó khi đáp ứng yêu cầu nâng tỷ lệ an toàn vốn từ 8% lên 9% trong Thông tư 13. Đặc biệt, việc nhiều NH tăng lãi suất huy động vàng trong những ngày vừa qua cũng được cho là để "chạy" yêu cầu về tỷ lệ 9% theo Thông tư 13.

Nhiều ý kiến cho rằng, NHNN đã quá lo xa khi tăng tỷ lệ an toàn vốn lên 9%. Tuy nhiên, điều này xuất phát từ đặc thù rất đáng lo ngại của các tổ chức tín dụng hiện nay, đó là huy động 10 đồng thì cho vay... cả 10 đồng. NH nào cũng cố gắng cho vay càng nhiều càng tốt dẫn đến rủi ro rất lớn. Đặc biệt, điểm nhạy cảm của ngành NH đó là tính rủi ro hệ thống, từ đó gây ảnh hưởng tới cả nền kinh tế.

Vì vậy, việc tăng tỷ lệ an toàn vốn lên 9% của Thông tư 13 là hết sức cần thiết cho hệ thống NH. Không chỉ ở VN, sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 trên thế giới, yêu cầu đầu tiên đối với các NH ở Mỹ, EU... cũng là đảm bảo an toàn cho cả hệ thống.

Điểm gây tranh cãi khá nhiều là tỷ lệ sử dụng vốn 80%. Cụ thể, theo nội dung thông tư, nguồn vốn huy động sử dụng để cho vay không bao gồm tiền gửi không kỳ hạn của tổ chức kinh tế, Kho bạc Nhà nước, Bảo hiểm Xã hội và các tổ chức khác.

Theo ý kiến của nhiều người, quy định này chưa từng có thông lệ quốc tế và cản trở các NH trong việc tăng trưởng tín dụng. Nhưng trên thực tế, tiền gửi có kỳ hạn mới quản trị được, còn gửi không kỳ hạn, khách hàng muốn rút lúc nào thì rút, NH không thể kiểm soát được.

Đó là chưa kể tới "tính đặc thù" của các NH trong nước là luôn cho vay với tỷ lệ rất cao, gây tình trạng mất thanh khoản như đã nói trên. Có lẽ hơn ai hết, NHNN biết rõ vòng quay vốn ở các NH nên đã đưa ra tỷ lệ này để "hãm phanh" tốc độ tăng trưởng tín dụng, đảm bảo thanh khoản hệ thống.

Chính sách ban hành luôn vấp phải sự "la lớn" của các đối tượng bị điều chỉnh nhưng mục tiêu của chính sách là tầm nhìn dài hạn. Và trên thực tế, chỉ có vài NH khó khăn với Thông tư 13, còn cả hệ thống nhìn chung vẫn rất ổn.

Đó là chưa kể, trong tay NHNN có rất nhiều công cụ cho phép NHNN có thể sửa đổi khẩn cấp để vẫn thực hiện chủ trương giảm LS cho nền kinh tế mà vẫn giữ được thanh khoản cho toàn hệ thống nếu Thông tư 13 đi vào thực tế không đạt được những kỳ vọng ban đầu của NHNN.

DiaOcOnline.vn - Theo Thanh Niên