Mặc dù đã triển khai được hơn 4 tháng nhưng tại TP.HCM, gói hỗ trợ 30.000 tỷ chỉ giải ngân được vỏn vẹn 15,3 tỷ đồng. Theo Hiệp hội BĐS, việc giải ngân chậm ngoài lý do vướng mắc thủ tục thì quan trọng nhất là nguồn cung nhà ở theo điều kiện cho vay gói 30 nghìn tỷ hiện quá ít ỏi.
Theo thống kê mới nhất từ NHNN tại TP.HCM, đối với gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng, hiện trên địa bàn thành phố đã ký kết được 120 hợp đồng cho 120 cá nhân với tổng hạn mức được ký kết là 79 tỷ đồng. Tuy nhiên, số tiền giải ngân đến thời điểm hiện chỉ đạt 15,3 tỷ đồng.
Nguồn cung nhà ở theo điều kiện cho vay gói 30.000 tỷ còn ít ỏi |
Theo đại diện chi nhánh NHNN Việt Nam chi nhánh TP.HCM, tiến độ này là quá chậm so với nhu cầu của người dân. Và khó khăn ở đây không nằm ở phía các ngân hàng mà ở người dân, khách hàng có nhu cầu vay.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc chi nhánh NHNN Việt Nam tại TP.HCM cho biết: “Việc xác nhận nội dung thực trạng nhà ở hoặc thu nhập cũng gây khó khăn khi người dân có nhu cầu vay vốn đối với ngân hàng. Hiện ngân hàng không bắt buộc phải kê khai thu nhập nhưng bắt buộc khách hàng phải có sự hợp tác cho biết khả năng trả nợ từ nguồn nào”.
Ngoài ra, Hiệp hội BĐS cho rằng, nguyên nhân chính do thực tế thị trường quá thiếu nguồn cung căn hộ đáp ứng tiêu chuẩn của gói 30.000 tỷ.
Theo thống kê của Hiệp hội, nhà ở xã hội trên địa bàn có hơn 1.000 căn có sẵn, có thể vào ở ngay bao gồm khoảng 100 căn ở chung cư Tô Hiến Thành quận 10, khoảng 400 căn dự án 584 quận Tân Phú và khoảng 1.000 căn của nhà ở tái định cư chuyển sang nhà ở xã hội ở xã Vĩnh Lộc huyện Bình Chánh.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM cho biết:“Nhu cầu mua nhà ở xã hội hoặc mua nhà có quy mô vừa và nhỏ của cán bộ công nhân viên cũng như người thu nhập thấp tại thành phố lên tới 200.000 người. Rõ ràng con số hơn 1.000 căn có sẵn đây là con số quá nhỏ".
Bên cạnh đó, nguồn cung nhà ở cho gói 30.000 tỷ còn đến từ các dự án nhà ở thương mại hiện đang dở dang. Tuy nhiên, các doanh nghiệp xin chia nhỏ căn hộ lớn, xin chuyển từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội tới giờ vẫn còn gặp nhiều khó khăn, chưa được chấp thuận.
Theo Hiệp hội BĐS TP.HCM, ngày 23/9 vừa qua đã có văn bản đồng ý cho chuyển đổi, chia nhỏ căn hộ của Phó chủ tịch UBND thành phố nhưng văn bản này cũng vừa được ký 1 tuần. Trước khó khăn này, đại diện Hiệp hội BĐS TP.HCM kiến nghị nên có sự hỗ trợ đối với các dự án thương mại còn đang dở dang để tăng nguồn cung nhà ở theo gói 30.000 tỷ.
Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM cho rằng, điều quan trọng bây giờ là Bộ Xây dựng và chính quyền địa phương cần đẩy nhanh quá trình xét duyệt và hoàn tất các thủ tục có liên quan để doanh nghiệp nhanh chóng triển khai các dự án nhằm đáp ứng hàng trăm nghìn nhu cầu về nhà ở hiện nay của thị trường
DiaOcOnline.vn - Theo VTV