Thâu tóm BĐS: Tranh nhau miếng bánh 4 tỷ USD

Cập nhật 21/07/2013 13:38

Hoạt động M&A tăng mạnh trong thời gian gần đây.
Năm 2013, giá trị M&A có thể không đạt mốc kỷ lục đã xác lập năm 2012 khi dự báo chỉ đạt hơn 4 tỷ USD.

Nhưng dù có nhiều khó khăn trong năm nay, giới chuyên môn vẫn kỳ vọng, tốc độ tăng trưởng của hoạt động này từ nay đến năm 2017 tiếp tục đạt mức 25 - 30%.

DN nội rục rịch

Báo cáo của AVM cho biết, hoạt động M&A (mua bán - sáp nhập) tại Việt nam tăng trưởng gấp 5 lần kể từ năm 2009, từ 1,08 tỷ USD lên mức kỷ lục mới 5,1 tỷ USD trong năm 2012. Các thương vụ lớn đều có yếu tố nước ngoài, chiếm tới 66% giá trị các giao dịch.

Thống kê cho thấy, các thương vụ doanh nghiệp Việt Nam thực hiện thường ở quy mô 2-5 triệu USD/thương vụ, một số ít ở mức 10-30 triệu USD/thương vụ. Giai đoạn 2008-2010, thương vụ liên quan đến doanh nghiệp nội chiếm đa số (77%). Nhưng bắt đầu từ năm 2011 đến nay, thị trường M&A bắt đầu xuất hiện những thương vụ lớn có sự tham gia của các nhà đầu tư quốc tế.

Thị trường đã chứng kiến sự trưởng thành mạnh mẽ trong việc chủ động tiếp cận và làm chủ M&A của giới doanh nghiệp Việt Nam. Số liệu thống kê cho thấy, tỷ lệ hàng năm các doanh nghiệp Việt Nam đóng vai trò là người đi mua ngày càng tăng, từ 22% năm 2008 lên 45% năm 2012.

Thực ra, từ 2009, động thái các doanh nghiệp Việt Nam trong vai trò người mua đã bắt đầu được thực hiện bằng việc ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) mua lại một ngân hàng tại Campuchia. Một cái tên khá nổi bật khác là Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) cũng âm thầm tiến hành hàng loạt giao dịch M&A trong vai trò “ông chủ”, khi mua lại cổ phần của Ngân hàng TMCP Quân đội, mua 18,9% cổ phần của Tổng công ty XNK Xây dựng Việt Nam (Vinaconex); hay việc Vinamilk mua lại 3 công ty khác...

Một doanh nghiệp khác cũng có tốc độ tăng trưởng ấn tượng là Tập đoàn Masan. Trong 2 năm qua, Masan đã tăng cường hoạt động M&A, mà điển hình là việc mua lại Nuphaovica và thâu tóm nhiều nhãn hiệu tiêu dùng khác.

Trong các điển hình khác, phải nhắc đến các công ty, như Kinh Đô, Thủy sản Hùng Vương, Viettel, Vingroup... Các thương vụ nổi bật gần đây giữa các doanh nghiệp Việt Nam đã thu hút sự quan tâm nhiều của giới quan sát và doanh nhân, như Masan - Vinacafe Biên Hòa, Dược Viễn Đông - Dược Hà Tây, Thủy sản Hùng Vương - Thủy sản An Giang...

Theo các chuyên gia dự báo, những thương vụ “bom tấn” M&A có thể diễn ra trong tương lai sẽ đến từ nỗ lực cổ phần hóa và tái cấu trúc các tập đoàn, tổng công ty lớn. Đối với lĩnh vực ngân hàng, BIDV sau khi phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng, cũng đang tìm kiếm và lựa chọn đối tác nước ngoài. Trong lĩnh vực viễn thông, việc sáp nhập hoặc cổ phần hóa MobiFone và VinaPhone chắc chắn sẽ tạo những thương vụ lớn. Hay như việc cổ phần hóa Vietnam Airlines cũng sẽ nhận được sự quan tâm đặc biệt của các đại gia quốc tế.

Đại gia Nhật và làn sóng đầu tư M&A

Theo thống kê, Nhật Bản dứng đầu các quốc gia có DN thực hiện M&A vào Việt Nam, xét cả về số lượng và giá trị. Chỉ tính riêng trong hai năm 2011 - 2012, các tập đoàn từ Nhật Bản có đóng góp nhiều nhất vào dòng tiền M&A cho thị trường Việt Nam, với tổng giá trị thương vụ lên đến 1,5 tỷ USD.

Nhà đầu tư Nhật Bản đang có xu hướng đầu tư mạnh vào 2 ngành hàng tiêu dùng và tài chính. Đây là 2 lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng nhanh trong những năm gần đây và cũng là mục tiêu đầu tư của nhiều định chế tài chính nước ngoài.

Các thương vụ được nói đến nhiều nhất là Mizuho trở thành đối tác chiến lược của Vietcombank, hay thương vụ Unicharm mua 95% cổ phần của Diana, Sumitomo mua cổ phần của Tập đoàn Bảo Việt và UFJ Mitsubishi mua cổ phần của VietinBank... đều là những thương vụ rất lớn, thu hút sự quan tâm của dư luận.

Chỉ tính riêng ngành hàng tiêu dùng, tổng giá trị thương vụ đã lên đến 1 tỷ USD, chiếm 25% tổng giá trị M&A tại Việt Nam. Có thể kể đến các thương vụ như Unicharm mua lại 95% cổ phần của Diana với giá trị ước khoảng 129 triệu USD; Kirin Holding mua lại cổ phần chi phối tại Công ty cổ phần Thực phẩm quốc tế - Interfood (IFS); Daio Paper mua cổ phần của Giấy Sài Gòn, Glico mua 10,5% vốn điều lệ của Kinh Đô, Marico - ICP, Carlsberg - Bia Huế...

Tài chính - ngân hàng cũng là ngành “hot” thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài. Các thương vụ Mizuho - Vietcombank, IFC - VietinBank, PVI - Talant... cho thấy, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn mong muốn được đầu tư chiến lược vào các tổ chức tài chính lớn cổ phần hoá.

Theo ông Yoshimitsu Onji, đại diện Tổ chức Nghiên cứu và Quản trị tài chính doanh nghiệp Nhật Bản, trước năm 2011, các thương vụ M&A giữa doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản chủ yếu dưới dạng hợp tác chiến lược (cổ đông thiểu số). Tuy nhiên, từ năm 2011 trở đi, họ muốn mua lại với tỷ lệ sở hữu trên 51%. Những doanh nghiệp muốn mua tỷ lệ chi phối này do họ có đội ngũ quản lý dồi dào và chất lượng.

Bên cạnh đó, hiện các doanh nghiệp Nhật đang chịu sức cạnh tranh rất lớn của các doanh nghiệp đến từ phương Tây, Hàn Quốc và Trung Quốc. Chính yếu tố cạnh tranh này sẽ là động lực thúc đẩy hơn nữa hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản. Đây là cơ sở chắc chắn khiến hoạt động M&A giữa doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản bùng nổ trong thời gian tới.

DiaOcOnline.vn - Theo VEF