Đưa ra bốn kịch bản tăng trưởng cho Việt Nam, trong đó kịch bản ước mơ là tăng trưởng 9 - 10% từ năm 2020 đến năm 2045, khi đó GDP Việt Nam mới vượt được Hàn Quốc, Trung Quốc và Malaysia.
Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, chuyên gia kinh tế, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng
Tại Hội thảo "Động lực cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam" được tổ chức tại Hà Nội ngày 30/10, Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng đã đưa ra 4 kịch bản cho tăng trưởng của Việt Nam.
Kịch bản thông thường, duy trì mức tăng trưởng GDP hiện tại là khoảng 6%/năm, GDP bình quân trên người tính theo sức mua tương đương giữa các đồng tiền là hơn 14.900 USD/người/năm bằng với Hàn Quốc năm 1994, Malaysia năm 1995 và Trung Quốc năm 2017.
Nếu tăng trưởng này, kịch bản năm 2045, GDP/người của Việt Nam chỉ là hơn 31.500/người, bằng với Hàn Quốc năm 2011, Malaysia năm 2022 và Trung Quốc năm 2030.
Với kịch bản tăng trưởng 7 - 8%/năm, năm 2030, GDP/người của Việt Nam đạt hơn 17.700 USD/người, bằng với Hàn Quốc năm 1996, Malaysia năm 2004 và Trung Quốc năm 2020.
Kịch bản này được thực hiện, GDP/người trong năm 2045 - kỷ niệm 100 năm ngày lập nước của Việt Nam chỉ bằng Hàn Quốc năm 2027, Malaysia năm 2033 và Trung Quốc năm 2037.
Kịch bản thứ 3 là tăng trưởng theo giai đoạn từ 2021 đến 2025, GDP tăng 7 - 8% và năm 2025 đến 2045 tăng trưởng đạt 9 - 10%/năm, GDP/người của Việt Nam năm 2030 là hơn 19.500 USD/người/năm, bằng với GDP/người của Hàn Quốc năm 1999, Malaysia năm 2007, Trung Quốc năm 2021.
Đến năm 2045, GDP/người của Việt Nam sẽ đạt khoảng 66.300 USD/người, bằng với GDP/người của Hàn Quốc năm 2042, Malaysia năm 2043 và Trung Quốc năm 2044.
Kịch bản thứ 4, kịch bản mơ ước của Việt Nam là GDP tăng liên tục 9 - 10%/năm, năm 2030, GDP/người của Việt Nam sẽ đạt hơn 22.200 USD bằng với GDP 2002, Malaysia năm 2012, Trung Quốc năm 2024.
Với mức tăng trưởng mơ ước như này, GDP /người của Việt Nam năm 2045 sẽ đạt hơn 75.500 USD (1,7 tỷ đồng)/năm vượt qua Hàn Quốc, Malaysia, Trung Quốc tại thời điểm đó.
Theo phân tích của Tiến sĩ Cung, nếu các quốc gia khác giữ nguyên tốc độ tăng trưởng như hiện nay, khoảng cách của Việt Nam sẽ bị cách xa và duy trì nếu tăng trưởng dưới 8%. Trong khi đó, nếu có mức tăng trưởng giai đoạn 2021 và 2025 là 7 - 8%, 2025 đến 2045 là 9 - 10% thì chúng ta sẽ đuổi kịp hoặc vượt các nước nói trên.
Tuy nhiên, ông Cung cũng chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế của nền kinh tế Việt như đầu tư nhà nước và FDI không còn là động lực tăng trưởng. FDI đang có xu hướng giảm và phân nhánh rủi ro.Giảm đầu tư FDI đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp khó nâng tỷ lệ vốn đầu tư vào nghiên cứu hoặc chuyển giao công nghệ”, ông Cung nói.
Trong khi đó, vốn đầu tư gián tiếp đang chiếm tỷ lệ lớn, tăng 70,5% so với cùng kỳ, đây là hiện tượng đáng được nghiên cứu, làm rõ.
“Nhà đầu tư nước ngoài đang mua cái gì ở Việt Nam? Mua ở đâu? Tiền bán doanh nghiệp, cổ phần hoá chúng ta rút ra để làm gì? Có tái đầu tư không? Nếu vốn không tái đầu tư thì sẽ làm gì?…. Những cái này đều phải phân tích làm rõ để có cái nhìn đúng về thực trạng kinh tế Việt Nam”, ông Cung nói.
Theo vị chuyên gia kinh tế của Thủ tướng thì: Trong 74 vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, Hàn Quốc đang là nhà đầu tư số 1, Trung Quốc nhảy lên vị trí thứ 2 là 16%, Singapore thứ 3, Hồng Kông và sau đó là Nhật Bản… Riêng Hoa Kỳ và châu Âu không nhìn thấy lượng vốn tăng ở Việt Nam. Hiện vốn đầu tư vào Việt Nam chủ yếu là từ châu Á, trong đó có các yếu tố Trung Quốc chiếm gần 50%.
Ông Cung cho rằng: “Chúng ta sẽ có nhiều hiệp định thương mại với EU và các nước phát triển, cần làm rõ tại sao vốn các nước phát triển không tăng mạnh ở Việt Nam, từ đó phân tích nguyên nhân về xu hướng thay đổi cơ cấu lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam”.
DiaOcOnline.vn – Theo Dân trí