Sửa nghị định sau vụ đổi 100 đô la bị phạt 90 triệu

Cập nhật 19/12/2018 09:07

 Vụ án đổi 100 đô la bị phạt 90 triệu đồng tại Cần Thơ đã cho thấy những quy định tại Nghị định số 96/2014/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 17-10-2014 còn nhiều bất cập. Ngày 17-12 Ngân hàng Nhà nước đưa ra dự thảo mới sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 96/2014/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, nhằm lấy ý kiến đông đảo các tổ chức, cá nhân.


Sau gần 4 năm áp dụng các quy định của Nghị định số 96/2014/NĐ-CP, một số quy định về mức phạt không còn phù hợp với tính chất và hậu quả của hành vi vi phạm, đặc biệt là trong trường hợp đối tượng vi phạm là cá nhân, ví dụ: quy định phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi mua, bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ (điểm a, khoản 3, điều 24).

Điển hình cho trường hợp này Công ty TNHH MTV sản xuất thương mại Nhân Đạt Jewelry Thảo Lực (phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, Cần Thơ) mua 100 đô la của anh thợ điện Nguyễn Cà Rê (ngụ phường An Hòa, Ninh Kiều) với giá 2,26 triệu đồng mà không có giấy phép của cơ quan thẩm quyền. Ông Nguyễn Cà Rê bị phạt tới 90 triệu đồng, bị tịch thu 2,26 triệu đồng.

Từ thực tế còn nhiều hạn chế trên, dự thảo nghị định mới đã đưa ra nhiều bổ sung sửa đổi. Khoản 3 điều 24 Nghị định số 96/2014/NĐ-CP được thay đổi như sau: "Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: Mua, bán ngoại tệ giữa cá nhân với nhau; mua, bán ngoại tệ với tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ".

Như vậy, Ngân hàng Nhà nước đã có điều chỉnh theo hướng hạn chế mức độ xử phạt nặng khi xem xét mức độ nghiêm trọng hay không của hành vi vi phạm.

Dự thảo còn đưa ra nhiều điểm mới. Nếu như trước đây Nghị định số 96/2014/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm mua, bán vàng miếng tại tổ chức tín dụng hoặc doanh nghiệp không có giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng thì theo dự thảo mới Ngân hàng Nhà nước đưa ra mức phạt là “Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng" đối với hành vi này.

Đối với tiền gửi tiết kiệm, Ngân hàng Nhà nước đưa ra mức phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng đối một trong các hành vi vi phạm sau đây: nhận tiền gửi tiết kiệm, chi trả tiền gửi tiết kiệm không đúng thủ tục theo quy định của pháp luật; nhận tiền gửi tiết kiệm, phát hành giấy tờ có giá không đúng đối tượng được gửi tiền tiết kiệm, đối tượng mua giấy tờ có giá; nhận tiền gửi tiết kiệm, phát hành giấy tờ có giá không đúng quy định của pháp luật.

Dự thảo đưa ra các nguyên tắc xử phạt, trong đó có nguyên tắc đối với những hành vi vi phạm tại chương II nghị định này quy định hình thức xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền, căn cứ vào giá trị vi phạm và có tình tiết giảm nhẹ, người có thẩm quyền xem xét, quyết định áp dụng hình thức phạt cảnh cáo.

Dự thảo sẽ là cơ sở pháp lý cho cơ quan quản lý nhà nước thực hiện hoạt động thanh tra, xử phạt vi phạm hành chính về tiền tệ và ngân hàng.

DiaOcOnline.vn - Theo TBKTSG