Saigontourist “cầu cứu” tới Bí thư Nguyễn Thiện Nhân

Cập nhật 11/04/2019 10:00

Ngày 18/02/2019, Saigontourist đã có đơn “cầu cứu” ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TP.HCM về tình trạng thoái hóa vốn tại khách sạn Saigon Morin (tỉnh Thừa Thiên Huế).

Bitexco "ép" Saigontourist làm mất vốn Nhà nước?


Những diễn biến "nóng" của cuộc chiến giành giật vốn Nhà nước tại khách sạn Saigon Morin đã diễn ra trong hơn 3 năm qua, giữa Saigontourist và Tập đoàn Bitexco. Đến thời điểm hiện tại, hai bên vẫn chưa thể tìm được tiếng nói chung dù đã nhiều lần đàm phán nhưng vẫn rơi vào bế tắc. Nguồn cơn của "cuộc chiến" này bắt đầu kể từ khi Bitexco "thâu tóm" xong Công ty CP Du lịch Hương Giang và cũng từ đó liên doanh giữa Saigontourist và Công ty CP Du lịch Hương Giang tại Công ty TNHH Saigon Morin Huế bước vào giai đoạn đổ vỡ. Bitexco đòi trả "giá bèo" cho Saigontourist để kết thúc mối lương duyên tại Saigon Morin, trong khi đó, tính theo sát giá thị trường thì mức chênh lệch lên tới hàng trăm tỷ đồng.

Với tinh thần trách nhiệm và nhiệm vụ quản lý vốn Nhà nước, Saigontourist (doanh nghiệp có vốn 100% Nhà nước) đã gửi văn bản báo cáo sự việc này tới nhiều ban ngành và mới đây nhất là "cầu cứu" tới Bí thư Nguyễn Thiện Nhân. Chúng ta cùng xâu chuỗi lại những mốc quan trọng trong liên doanh này để thấy Bitexco đang "ép" đối tác như thế nào?

Năm 1994, khách sạn Saigon Morin (Công ty TNHH Sài Gòn Morin Huế) được xây dựng căn cứ vào hợp đồng liên doanh giữa Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn – TNHH Một thành viên (Saigontourist) và Công ty CP Du lịch Hương Giang. Vốn pháp định của Công ty TNHH Sài Gòn Morin Huế là 6.350.00 USD, trong đó Saigontourist và Công ty CP Du lịch Hương Giang mỗi bên góp 3.175.000 USD - tức 50%. Thời hạn hoạt động của Saigon Morin là 22 năm, kể từ thời điểm cấp giấy phép (tức là 29/06/1994 – 29/06/2014).

Nhưng trước thời điểm 1 ngày khi hợp đồng liên doanh kết thúc, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có công văn do Chủ tịch Nguyễn Văn Cao (lúc đó) ký về chủ trương gia hạn thời gian hoạt động Saigon Morin tiếp tục theo hình thức liên doanh ban đầu. Và đến tháng 9/2014, Phó chủ tịch Phan Ngọc Thọ đã ban hành công văn gửi Cục thuế tỉnh Thừa Thiên Huế chỉ đạo khẩn trương tiến hành các thủ tục gia hạn liên doanh theo chủ trương chỉ đạo của UBND tỉnh, giao Sở Tài Nguyên Môi trường hướng dẫn thủ tục thuê đất và ký hợp đồng thuê đất tại Saigon Morin. Tháng 4/2016, Chủ tịch Nguyễn Văn Cao tiếp tục thông báo về chủ trương liên doanh giữa Công ty CP Du lịch Hương Giang và Saigontourist khi chủ sở hữu của Hương Giang đã là Bitexco.

Song, đi ngược với chủ trương đó, ngay sau khi nắm quyền sở hữu Công ty CP Du lịch Hương Giang theo quyết định thoái vốn toàn bộ lô cổ phần của Công ty này do UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành vào ngày 31/3/2016, Bitexco liên tục có động thái yêu cầu Saigontourist phải tiến tới đàm phán chấm dứt hợp đồng. Điển hình là sau 11 ngày đánh dấu thời điểm chính thức sở hữu Công ty CP Du lịch Hương Giang, Bitexco đã có văn bản thông báo về việc thay đổi chủ sở hữu cũng như yêu cầu doanh nghiệp Nhà nước phải có kế hoạch tiến tới việc thanh lý hợp đồng liên doanh.

Trong cuộc đàm phán thoái vốn hay không thoái vốn, Saigontourist cũng không hề chịu "lùi bước" khi liên tục thể hiện quan điểm muốn tiếp tục thực hiện chủ trương gia hạn liên doanh theo chủ trương của Chủ tịch UBND Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Cao trong quyết định ban hành năm 2014. Trái với thiện chí đó, Bitexco lại mong muốn nhanh chóng chấm dứt hợp tác vì lý do định hướng phát triển riêng nên liên tục yêu cầu phía Saigontourist khẩn trương đàm phán để kết thúc hợp đồng liên doanh.

Sau nhiều lần không tìm được tiếng nói chung, trong văn bản gửi Saigontourist tháng 8/2017, Bitexco thể hiện rằng, đã hết kiên nhẫn trong việc đàm phán và dứt khoát đề nghị chấm dứt việc đàm phán cũng như yêu cầu không tiếp tục gia hạn hoạt động kinh doanh của Công ty Sài Gòn – Morin Huế.

Khách sạn Saigon Morin (tỉnh Thừa Thiên Huế).

Lý giải về vấn đề, Bitexco cho rằng, mức định giá doanh nghiệp lên tới 405 tỷ đồng là không có cơ sở. Và khi hết hạn liên doanh chỉ đánh giá chất lượng còn lại của công trình theo giá tại thời điểm chấm dứt hợp đồng để chia cho hai bên liên doanh. Còn quyền sử dụng đất, Bitexco sẽ thu hồi để sử dụng vào mục đích khác và khẳng định sẽ không kế thừa bất kỳ một giá trị vô hình và giá trị hình thành trong tương lai nào gắn liền với Công ty Sài Gòn – Morin.

Về mức định giá khách sạn Saigon Morin, phía Bitexco cho rằng, mức giá từ 108 tỷ đến 141 tỷ mà Công ty TNHH Grant Thornton Việt Nam đưa ra theo phương pháp tài sản là hoàn toàn phù hợp và mức 405 tỷ đồng theo phương pháp thị trường là không hợp lý.

Rõ ràng, trước đó, tháng 2/2017, trong văn bản trả lời Saigontourist, Bộ Tài chính đã có kết luận về việc "Công ty CP Du lịch Hương Giang đề nghị Saigontourist chuyển nhượng tài sản trên đất cho mình là không có cơ sở" và "phải đảm bảo nguyên tắc thị trường" nhưng không hiểu vì sao Bitexco lại vẫn khăng khăng "ép" Saigontourist phải thực hiện yêu cầu của mình, trái với quyết định của Bộ Tài chính.

Vốn Nhà nước đâu phải chuyện đùa?

Sự im lặng đến mức khó hiểu của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế trong suốt thời gian xung quanh thương vụ thâu tóm Công ty CP Du lịch Hương Giang với "giá bèo" khiến dư luận không khỏi nghi ngờ, thắc mắc. Chưa tính tới những tài sản khác của Công ty CP Du lịch Hương Giang mà chỉ riêng khách sạn Saigon Morin với giá trị mà khoảng 400 tỷ mà Saigontourist công bố thực sự nói lên một điều: "Cổ phần của Công ty CP Du lịch Hương Giang được bán cho Bitexco rẻ như mớ rau".

Cần nhắc lại, tháng 3/2016, chỉ với 158.409.720.000 đồng, Bitexco đã mua trọn 62,8% cổ phần để trở thành chủ sở hữu của Công ty CP Du lịch Hương Giang với mức giá 12.600 đồng/cổ phần. Trước đó, Bitexco đã mua 7,6% cổ phần của Công ty CP Du lịch Hương Giang vào năm 2007 với mức giá 32.500 đồng/cổ phần. Cùng với số cổ phần mua lại từ UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, doanh nghiệp này đã sở hữu 70,4% cổ phần. Để trở thành doanh nghiệp duy nhất được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế thoái trọn lô cổ phần Nhà nước tại Công ty CP Du lịch Hương Giang, Bitexco phải trở thành doanh nghiệp chiến lược.

Điều đáng nói, khi 3 năm qua, chỉ bởi cuộc chiến thoái vốn Nhà nước mà khách sạn Saigon Morin vẫn trong tình trạng "chờ chết" vì không có nhà đầu tư, mà lẽ ra theo chủ trương, khách sạn này sẽ được nâng cấp theo tiêu chuẩn 5 sao. Tình cảnh này chẳng phải Bitexco đã "đem con bỏ chợ" trong vai trò của một doanh nghiệp chiến lược của tỉnh Thừa Thiên Huế?Thế nhưng, chỉ 3 tháng sau, doanh nghiệp này đã bán lại 5.758.000 cổ phần cho một doanh nghiệp nước ngoài là Công ty TNHH Kei Sei (nay có tên là Công ty TNHH Crystal Treasure), giảm tỉ lệ sở hữu xuống còn 41,7%. Đại diện của Bitexco lý giải rằng, doanh nghiệp này cũng là đối tác chiến lược của Bitexco?

Quay trở lại với thương vụ thoái trọn vốn Nhà nước của Công ty CP Du lịch Hương Giang, dù dư luận đặc biệt lên tiếng quan ngại về mức tiền quá thấp khi bán quyền sở hữu của doanh nghiệp này, và kể cả khi Thanh tra Chính phủ do ông Nguyễn Minh Mẫn - Thanh tra viên cao cấp, quyền Vụ trưởng Vụ 3 của Thanh tra Chính phủ làm trưởng đoàn, thế nhưng, từ đó đến này đã hơn nửa năm vẫn chưa có kết luận.

Phải chăng, có gì đó khiến Đoàn Thanh tra chưa thể công bố kết luận trắng đen về thương vụ đình đám này. Vốn Nhà nước đã và đang có dấu hiệu bị mất ở Công ty CP Du lịch Hương Giang nhưng cả chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế và Đoàn Thanh tra Chính phủ lại im lặng đến mức khó hiểu. Chỉ có duy nhất Saigontourist là lên tiếng về vụ việc này và chỉ một góc nhìn ở khách sạn Saigon Morin cũng đủ thấy đây là vấn đề rất nghiêm trọng.

Gần sát cái mốc tháng 6/2019 mà theo như phía Bitexco cho rằng, đây sẽ là mốc gia hạn cuối cùng, Saigontourist đã phải buộc "cầu cứu" đến Bí thư Nguyễn Thiện Nhân. Hy vọng lần "cầu cứu" này của Saigontourist sẽ không bị chìm trong im lặng!

Công ty CP Du lịch Hương Giang nguyên là Công ty Du lịch Hương Giang - doanh nghiệp nhà nước lớn nhất tỉnh Thừa Thiên Huế về du lịch. Công ty này nắm giữ hầu hết các khách sạn lớn nằm ở các khu "đất vàng" đắc địa nhất tại TP Huế, biển Lăng Cô. Trong đó, khách sạn Hương Giang là 100% vốn của Nhà nước, cùng hai công ty con là Công ty TNHH lữ hành Hương Giang và khu du lịch tắm khoáng nóng Mỹ An ở xã Phú Dương (huyện Phú Vang).

Công ty CP Du lịch Hương Giang có ba đơn vị liên doanh mà phần vốn của Nhà nước tại các liên doanh này là quyền sử dụng đất và tài sản trên đất. Đó là khách sạn 4 sao Saigon Morin (liên doanh với Saigontourist với tỉ lệ góp vốn 50%), khách sạn 5 sao La Residence (liên doanh với Công ty khách sạn Kinh Thành, góp vốn 49%) và Lăng Cô Beach Resort (góp vốn 40%).

Hương Giang, Saigon Morin và La Residence là ba khách sạn lớn nằm ngay mặt tiền sông Hương được đánh giá thuộc khách sạn hàng đầu ở Việt Nam.

"Việc xác định giá trị thương hiệu không chính xác sẽ ảnh hưởng rất lớn đến toàn bộ quá trình cổ phần hóa của một doanh nghiệp. Có hay không trường hợp cố tình định giá thương hiệu là 0 đồng? Có động cơ cá nhân nào trong đó hay không? Cơ quan điều tra phải vào cuộc làm rõ".

Luật sư Trương Xuân Tám (Ủy viên Hội đồng Luật sư Toàn quốc, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu)

"Có hai vấn đề cần đặc biệt quan tâm trong quá trình cổ phần hóa DNNN, thứ nhất là giá trị thương hiệu và thứ hai là giá trị về đất đai. Nói đến giá trị đất đai thì phải tính đến giá thị trường, không thể nói vị trí địa lý không liên quan đến giá thị trường của một mảnh đất. Chúng ta đã có phương pháp tính toán theo quy định nhưng vẫn còn nhiều bất cập, chưa bao quát hết được thực tiễn, dẫn tới việc xác định giá không đúng với giá thị trường….

Theo tôi, giải pháp hiện nay là các cơ quan chức năng cần phải rà soát lại trình tự thủ tục về cổ phần hóa DNNN. Rà soát lại các phương pháp tính toán cả về giá trị hữu hình và giá trị vô hình của doanh nghiệp một cách khoa học. Phải có các quy định chặt chẽ để ngăn chặn lợi ích nhóm, nghĩa là có những người lợi dụng thẩm quyền để làm méo mó chính sách của Nhà nước, khiến quá trình tổ chức thực hiện cổ phần hóa DNNN diễn ra không đúng".

ĐBQH Bùi Văn Xuyền


DiaOcOnline.vn – Theo Reatimes