“Phù thủy” ngân hàng - Kỳ 3: Tham nhũng bậc thầy

Cập nhật 30/10/2013 16:40

Cựu Cục trưởng Hàng hải Dương Chí Dũng tuy đang trở thành tâm điểm thu hút sự chú ý của dư luận quanh canh bạc “ụ nổi triệu USD” nhưng có lẽ, còn lâu ông ta mới học được cách lấy tiền “như trở bàn tay” của Phạm Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty Thái Bình Dương.

Minh họa: DAD

Phá vụ án Huỳnh Thị Huyền Như, cơ quan điều tra đã rất nỗ lực truy tìm những kẻ hưởng lợi bất chính để thu hồi tài sản về cho nhà nước. Dù thời hạn điều tra đã hết, nhiều vấn đề có dấu hiệu bất minh chưa kịp đưa ra ánh sáng trong thời điểm này, nhưng với những gì liên quan đến Tổng giám đốc Công ty CP vận tải dầu khí Thái Bình Dương (Công ty Thái Bình Dương) Phạm Anh Tuấn, có thể thấy cơ quan bảo vệ pháp luật đã rất quyết liệt.

Đút túi hơn 121 tỉ đồng

Công ty Thái Bình Dương thành lập đầu năm 2008, trụ sở đặt tại Q.4, TP.HCM, vốn điều lệ 1.200 tỉ đồng với các cổ đông sáng lập là những tên tuổi lớn trong hệ thống doanh nghiệp nhà nước, gồm Tổng công ty CP vận tải dầu khí; Công ty tài chính dầu khí; Tổng công ty CP dầu khí Việt Nam và Vietcombank. Phạm Anh Tuấn được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc vào tháng 6.2009. Theo giấy phép Sở KH-ĐT TP.HCM cấp thì công ty chỉ có các chức năng kinh doanh vận tải dầu thô, đào tạo nghề, dịch vụ giới thiệu việc làm, cho thuê phương tiện vận tải, dịch vụ môi giới tàu biển, sửa chữa tàu biển, đại lý hàng hải... không có chức năng kinh doanh tài chính và ủy thác đầu tư.

Nhưng, như chúng tôi đã đề cập ở bài trước, chỉ trong thời gian từ tháng 3.2010 đến 6.2011, Phạm Anh Tuấn đã ký với Vietinbank chi nhánh Nhà Bè hàng chục hợp đồng ủy thác đầu tư vốn (các hợp đồng này cơ quan điều tra xác định do Huỳnh Thị Huyền Như làm giả) để gửi vào Vietinbank chi nhánh Nhà Bè tổng cộng hơn 1.400 tỉ đồng, lãi suất trong hợp đồng từ 10,49% đến 14%/năm, lãi suất chênh lệch ngoài hợp đồng từ 1 đến 4%/năm. Thực tế tiền này không chuyển vào Vietinbank chi nhánh Nhà Bè mà chuyển vào tài khoản của các công ty do Như thành lập mở tại Eximbank, Vietcombank và Agribank. Theo cơ quan điều tra, trước khi vụ án xảy ra, các bên đã tất toán 14 hợp đồng, với tổng số tiền hơn 1.472 tỉ đồng, trong đó tiền lãi gần 60 tỉ đồng. Riêng 1 hợp đồng ký ngày 21.6.2011 với số tiền 80 tỉ đồng chưa tất toán, đã bị Như rút đem đóng lãi cho các trùm tín dụng đen trong thế giới ngầm.

Như khai, ngoài tiền lãi trả cho Công ty Thái Bình Dương, Như thỏa thuận trả riêng cho Phạm Anh Tuấn nhiều khoản, bao gồm lãi chênh lệch 0,4%, thưởng 1%, phí báo cáo 1,5% nhân với tổng số tiền gửi nhân với số ngày thực gửi... Từ ngày 19.3.2010 đến 22.6.2011, Như đã chỉ đạo nhân viên thân tín là Đỗ Quốc Thái giao cho Phạm Anh Tuấn 21 lần với tổng số tiền là hơn 121,6 tỉ đồng; đồng thời chỉ đạo Huỳnh Mỹ Hạnh (em gái Như) và Âu Thanh Hòa (nhân viên giúp việc) theo dõi và lưu tại các USB từng lần cụ thể. Như khai, trong số “một trăm hai mốt tỉ sáu trăm bảy sáu triệu sáu trăm chín lăm nghìn đồng” đã giao cho Phạm Anh Tuấn, có 29 tỉ đồng lãi chênh lệch trả cho Tổng công ty vận tải dầu khí, còn lại là lãi chênh lệch từ các hợp đồng của Công ty Thái Bình Dương. Mỗi khi đến hạn trả tiền, Phạm Anh Tuấn đều gọi điện cho Như bằng số 0974596... và 0903730..., đến số điện thoại của Như 0937963... để xác định số tiền chênh lệch ngoài hợp đồng phải trả.

Những số điện thoại này giờ đây cũng đã góp phần tố cáo bậc thầy tham nhũng.

Lấy tiền đóng tàu cho vay

Khi bị bắt, cựu tổng giám đốc 36 tuổi gốc Hải Phòng Phạm Anh Tuấn khai toàn bộ số tiền hơn 1.400 tỉ đồng “doanh số” trong thời gian từ tháng 3.2010 đến 6.2011 tuy “hợp đồng ủy thác đầu tư góp vốn với ngân hàng” nhưng đều được chuyển từ tài khoản Công ty Thái Bình Dương đến tài khoản công ty của Như. Việc này Tuấn quyết định và “có báo cáo lên lãnh đạo Tổng công ty và Hội đồng quản trị”. Số tiền “ủy thác đầu tư” này là tiền vốn đóng 3 con tàu chở dầu với Công ty Vinashin Dung Quốc nhưng chưa thanh toán. Việc đến nay công ty chưa thu hồi được 80 tỉ đồng, Tuấn thừa nhận thuộc trách nhiệm của mình. Riêng số tiền chênh lệch ngoài hợp đồng hơn 121,6 tỉ đồng Như khai, Tuấn không thừa nhận. Tuấn thừa nhận có sử dụng 3 số điện thoại di động là 0903730..., 0939792... và 0974596..., nhưng nói không quen biết và không liên lạc với Đỗ Quốc Thái, không nhận tiền chênh lệch và hoa hồng của các hợp đồng đã ký kết từ Thái...

Tuy nhiên, cơ quan điều tra đã thu giữ những chứng cứ không dễ chối cãi. Đỗ Quốc Thái đã khai rất chi tiết toàn bộ 21 lần “cầm tiền mặt đưa trực tiếp” cho Phạm Anh Tuấn. Cơ quan điều tra đã tổ chức cho Thái nhận dạng qua ảnh đối với Tuấn và cũng đã cho hai bên trực tiếp đối chất, Thái vẫn khẳng định đã đưa Tuấn 21 lần tiền như sổ sách đã ghi.

Liên quan đến lời khai của Thái, cơ quan điều tra cũng thẩm vấn một nhân viên và một lãnh đạo phòng giao dịch Hoàng Diệu của chi nhánh Agribank Mạc Thị Bưởi (chung tòa nhà H3, Hoàng Diệu, Q.4 với văn phòng Công ty Thái Bình Dương) và các lời khai đều phù hợp. Cơ quan điều tra cũng xem xét thông tin từ USB thu giữ khi bắt Như và sổ sách do nhóm giúp việc của Như ghi chép, trong đó thể hiện rõ 21 lần Thái giao tiền cho Tuấn, lần nhiều nhất là hơn 15,1 tỉ đồng (ngày 1.7.2010) và lần ít nhất là 1,1 tỉ (ngày 22.3.2010). Xác minh tại Viettel, nhà mạng này cũng xác nhận số điện thoại của Tuấn nhiều lần gọi đến và nhận cuộc gọi từ các thuê bao của Như và Thái.

Cơ quan điều tra kết luận, có cơ sở xác định từ ngày 19.3.2010 đến ngày 22.6.2011 Phạm Anh Tuấn đã nhận nhiều lần của Như số tiền chênh lệch ngoài hợp đồng với tổng cộng là hơn 121,6 tỉ đồng (do Đỗ Quốc Thái giao tiền mặt). Trong đó rõ nhất là hơn 5,2 tỉ đồng Thái giao cho Tuấn vào ngày 7.6.2010 và hơn 11,8 tỉ đồng giao ngày 29.12.2010 vì toàn bộ số tiền này được Tuấn nộp nguyên vẹn vào tài khoản ở Agribank chi nhánh Mạc Thị Bưởi.

>> ‘Phù thủy’ ngân hàng(kỳ 1)
>> 'Phù thủy' ngân hàng - Kỳ 2: Thợ săn tiền
DiaOcOnline.vn - Theo Thanh Niên