Minh họa: Khều. |
“Sau Tết chúng tôi phải chạy đua với thời gian, làm sao huy động được 50 triệu đô la Mỹ từ các nhà đầu tư trong nước và 100 triệu đô la Mỹ từ các nhà đầu tư nước ngoài cho quỹ Smart Money (Tiền thông minh). Năm 2010 hứa hẹn một năm đầy thử thách với các công ty quản lý quỹ nước ngoài ở Việt Nam” - Louis Nguyễn, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Quản lý tài sản Sài Gòn (SAM), nói.
SAM đang quản lý hai quỹ đầu tư vào Việt Nam, niêm yết trên thị trường Frankfurt (Đức) là Vietnam Equity Holding và Vietnam Property Holding.Thử thách lớn đối với các quỹ đóng ở Việt Nam bây giờ không chỉ là gọi thêm được vốn từ bên ngoài để có tiền đầu tư vì tiền mặt của các quỹ hiện tại đã gần cạn, mà còn là trụ được và cạnh tranh với các quỹ ETF (Exchange Traded Fund - ETF thường lựa chọn danh mục đầu tư mô phỏng các chỉ số chứng khoán, chẳng hạn như S&P 500, theo một ngành nào đó như dầu khí, bất động sản, năng lượng…).
Khác với các quỹ đóng thường thu phí khoảng 2%/năm trên tổng số vốn quản lý từ các nhà đầu tư, đồng thời được nhận chừng 20% trên số lợi nhuận vượt chỉ tiêu, phí quản lý các quỹ ETF thấp dưới 1%/năm và không có khoản chia thêm nào trên lợi nhuận vượt (toàn bộ lợi nhuận vượt chỉ tiêu là của nhà đầu tư, công ty quản lý quỹ không thu đồng nào).
Chính vì chi phí quản lý thấp này, các nhà đầu tư quốc tế đang có xu hướng bỏ tiền vào quỹ ETF. Đó là chưa kể chứng chỉ quỹ ETF thường được các định chế tài chính lớn ở nước sở tại bảo lãnh nên độ an toàn cao.
Chiến lược đầu tư của quỹ ETF khác với quỹ đóng. Họ tập trung đầu tư theo xu hướng thị trường, chọn mua những cổ phiếu có thể tác động quyết định đến xu hướng thị trường. Họ có thể đổ tiền chỉ vào một nhóm ngành cổ phiếu nhất định nếu nhận thấy nhóm ngành đó có khả năng ảnh hưởng đến sự lên xuống của chỉ số chứng khoán. Theo ông Louis Nguyễn, đã có hai quỹ ETF bắt đầu dừng chân ở Việt Nam, một quỹ đến từ New York và một quỹ của Deustche Bank Singapore.
Để cạnh tranh tồn tại, các quỹ đóng đã và đang nhanh chóng thay đổi chiến lược đầu tư. Những khoản tiền bỏ vào các công ty chưa niêm yết và tư nhân (private equity) được thu gọn lại hoặc thanh lý dứt điểm.
“Thị trường niêm yết hiện khá ổn định và số lượng các công ty lên sàn tăng nhanh, cơ hội lựa chọn những cổ phiếu tốt nhiều” - ông Louis Nguyễn nhấn mạnh.
Sự chuyển hướng rõ nhất của các quỹ đóng là việc rót vốn vào các doanh nghiệp niêm yết có mức vốn hóa trung bình (midcap), xấp xỉ 100 triệu đô la Mỹ/công ty. Họ chưa đến mức “ruồng bỏ” các bluechips, nhưng giải ngân vào bluechips rất thận trọng. Thực tế cho thấy là năm 2009 mức tăng trưởng của các công ty có mức vốn hóa trung bình ở mức 105%, cao hơn nhiều tăng trưởng 57% của VN-Index.
Thử thách lớn đối với các quỹ đóng ở Việt Nam bây giờ không chỉ là gọi thêm được vốn từ bên ngoài để có tiền đầu tư vì tiền mặt của các quỹ hiện tại đã gần cạn, mà còn là trụ được và cạnh tranh với các quỹ ETF.
Ngoài ra các doanh nghiệp tầm trung duy trì mức tăng trưởng lợi nhuận tốt hơn các bluechips. Một công ty có vốn điều lệ 100-250 tỉ đồng có thể tạo lợi nhuận 50-100% trên vốn dễ dàng hơn những công ty vốn hàng ngàn tỉ đồng. Chưa kể trong điều kiện khủng hoảng, những công ty tầm trung thay đổi phương thức quản trị theo hướng nâng cao hiệu quả nhanh hơn, chống đỡ với rủi ro tốt hơn. Những “đại gia” tầm vóc càng lớn thì việc xoay xở trong khó khăn càng chậm chạp và tốn kém công sức, thời gian cũng như chi phí.
Các quỹ chuyên đầu tư vào bất động sản đang chuyển động tới những góc khuất của thị trường. Một trào lưu mua lại những tòa nhà cao ốc văn phòng cỡ vừa đã xây dựng xong, nhưng chưa cho thuê được dường như đã khởi động. Giám đốc bất động sản của một quỹ giải thích: “Thủ tục đền bù giải tỏa và xin các loại giấy phép xây dựng, kiến trúc rất phức tạp, nhiều công đoạn và giá vật liệu xây dựng thì đang tăng. Giá mua lại một tòa nhà đã xây xong hiện thấp hơn giá xây dựng cộng những chi phí đi kèm”. Mua lại các tòa nhà, cải tạo chúng thành những căn hộ cao cấp hoặc trung bình để cho thuê có vẻ thích hợp hơn với nhu cầu thị trường.
Cho dù đã nỗ lực và không có ý định bỏ dở cuộc chơi, nhưng suốt cả năm 2009 các quỹ đóng nước ngoài ở Việt Nam đã không gọi thêm được đồng vốn nào.
Các quỹ này đang vất vả nâng tổng giá trị tài sản ròng NAV bằng số cổ phiếu đang sở hữu cộng thêm số tiền mặt hạn hẹp còn lại. Họ liên tục thay đổi danh mục đầu tư, mua vào những cổ phiếu tăng trưởng mạnh và bán ra những cổ phiếu phòng thủ. Đôi khi, họ cũng buộc phải “lướt sóng”.
Nếu năm nay tăng trưởng NAV của các quỹ vẫn thấp hơn mức tăng trưởng chung của thị trường và giá chứng chỉ quỹ đóng vẫn giảm mạnh trên thị trường quốc tế, có thể sẽ có nhiều hơn những vụ giải thể như quỹ đầu tư chứng khoán Indochina Capital.
Cũng không loại trừ khả năng các quỹ đóng sẽ buộc phải giảm phí quản lý xuống ngang bằng mức của các quỹ ETF.
Nghề quản lý quỹ đóng ở Việt Nam đang đứng trước những thay đổi mang tính gốc rễ và điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự biến động của chứng khoán Việt Nam. Song, ngay cả khi một số quỹ đóng không trụ vững, sẽ ra đi và những quỹ ETF đến ngày một nhiều, thị trường chứng khoán vẫn vận động về phía trước!
DiaOcOnline.vn - Theo TBKTSG