Ít ai có thể ngờ rằng, có một ngày An Quý Hưng – người từng bị loại khỏi ván cờ Vimeco lại gom nghìn tỷ trở thành ông chủ mới của Vinaconex.
Thương vụ của năm
Ngày 4/12, theo đúng hẹn, An Quý Hưng đã chuyển đủ số tiền 7.366 tỷ đồng thanh toán cho SCIC, chính thức trở thành cổ đông chi phối 58% vốn điều lệ của Tổng Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, mã CK: VCG).
Sau thương vụ này, Vinaconex chính thức trở thành công ty con của An Quý Hưng – doanh nghiệp có vốn điều lệ chỉ 456 tỷ đồng, thuộc sở hữu của hai vợ chồng doanh nhân Nguyễn Xuân Đông.
Thế trận tại Vinaconex đã được xoay chuyển, tuy nhiên, hai câu hỏi lớn được đặt ra, cho đến nay vẫn chưa có lời giải đáp.
Thứ nhất, kết quả đấu giá của Vinaconex đặt trong bối cảnh thị trường èo uột, nhưng An Quý Hưng vẫn trả giá chênh gần 2.000 tỷ đồng để “mua bằng được” Vinaconex cho thấy sự quyết tâm của nhà đầu tư này. Vậy sức hấp dẫn của Vinaconex là gì? Nằm ở quỹ đất lớn? Thương hiệu lâu năm? Hay tiềm năng phát triển?
Cái giá mà nhà đầu tư đưa ra có thực sự xứng đáng với tiềm năng của Vinaconex hay không? Đáng lưu ý, bản công bố thông tin của Vinaconex cũng cho biết, hiện tại, Tổng công ty vẫn đang trong quá trình làm việc, giải trình với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền liên quan đến các ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ về kết quả thanh tra quá trình cổ phần hóa.
Những lùm xùm của Vinaconex khi khoác “tấm áo” Nhà nước còn khiến chính An Quý Hưng – chỉ một ngày sau khi trúng đấu giá – đã phát đi văn bản số 289/2018/CV-VP gửi SCIC, Vinaconex và cục An ninh kinh tế A04 (Bộ Công An) yêu cầu SCIC chỉ đạo người đại diện vốn tại Vinaconex và các đơn vị thành viên có biện pháp kiểm soát thu, chi tài chính nhằm bảo toàn vốn trong quá trình chuyển giao. “Nếu phát hiện sai phạm, An Quý Hưng sẽ đề nghị cơ quan pháp luật xử lý theo quy định”, văn bản từ nhà đầu tư nêu rõ.
Trước đó, An Quý Hưng “nhận được thông tin có hiện tượng chi bất thường tại Tổng công ty Vinaconex và một số đơn vị thành viên kể từ khi SCIC có thông báo đấu giá cổ phần Vinaconex để thoái vốn nhà nước tại DN, làm giảm giá trị phần vốn Nhà nước”.
Mới đây nhất, sau khi vừa chuyển tiền cho SCIC, An Quý Hưng đã đề nghị Vinaconex tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông bất thường, dự kiến diễn ra vào ngày 11/1/2019 sắp tới. Nội dung họp của đại hội sẽ xoay quanh các vấn đề kiện toàn nhân sự HĐQT, Ban kiểm soát Vinaconex nhiệm kỳ 2017 – 2022 và các nội dung khác.
Thứ hai, An Quý Hưng đã làm cách nào để thu xếp khoản tiền 7.400 tỷ đồng – gấp 15 lần vốn điều lệ của doanh nghiệp (vừa hoàn tất tăng vốn vào ngày 12/11/2018)?
Duyên nợ giữa Vinaconex và An Quý Hưng
Mối quan hệ giữa Vinaconex và An Quý Hưng từng được ví như "cá lớn nuốt cá bé" nhưng sau hai năm, cuộc chơi đã đổi chiều
|
Mặc dù An Quý Hưng là một cái tên khá xa lạ trong giới bất động sản cũng như xây lắp, khiến nhiều người e ngại về ông chủ thực sự đứng sau doanh nghiệp này là ai. Nhưng trong quá khứ, duyên nợ giữa Vinaconex và An Quý Hưng lại không mấy êm ấm, điển hình là giai đoạn năm 2014 – 2015 khi cùng góp vốn tại Vimeco – một đơn vị nòng cốt của Vinaconex, chủ đầu tư dự án CT4 Vimeco.
Tháng 6/2013, An Quý Hưng bất ngờ trở thành cổ đông lớn của Vimeco và nhanh chóng tăng tỷ lệ sở hữu lên 25% vào cuối năm 2013, lên 31% vào tháng 7/2014. Ông Nguyễn Xuân Đông – Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng Giám đốc An Quý Hưng được bầu vào HĐQT Vimeco, thay cho ông Vương Xuân Bền tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2018.
Sự xuất hiện của An Quý Hưng trong đợt tăng vốn từ 65 tỷ đồng lên 100 tỷ đồng cũng giúp hồi sinh dự án CT4 Vimeco sau 3 năm quây tôn, “đắp chiếu”. Dự án này nằm trên khu đất gần 6.000m2, có vị trí đắc địa tại Trung Hòa – Nhân Chính (Hà Nội), kỳ vọng đem về cho Vimeco khoản lãi hàng trăm tỷ đồng.
Tuy nhiên, tương quan về tỷ lệ vốn góp giữa Vinaconex và An Quý Hưng tại đây chính là nguồn cơn khiến cho mối quan hệ hai bên bắt đầu “cơm không lành, canh không ngọt”.
Năm 2015, Vimeco đã tổ chức Đại hội cổ đông (ĐHCĐ) thường niên vào ngày 13/4/2015 nhưng chỉ có 65 cổ đông tham dự, đại diện cho 6.398.051 cổ phần, chiếm 63,98% trên tổng số cổ phần phát hành. Đại hội không đủ điều kiện tổ chức theo quy định tại điều lệ.
Ngày 5/5/2015, Vimeco triệu tập họp ĐHCĐ lần thứ hai và được phép tiến hành với 63 cổ đông đại diện cho 95,38% tổng số cổ phần phát hành có mặt, trong đó có An Quý Hưng.
Đáng chú ý, trong quá trình diễn ra đại hội lần hai, Vimeco có biểu quyết thông qua các tờ trình. Tuy nhiên, Báo cáo ban điều hành về kết quả hoạt động kinh doanh, Báo cáo hoạt động của Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát, kể cả Báo cáo tài chính riêng và Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2014 được kiểm toán bởi Công ty TNHH Deloiite Việt Nam chỉ được 61-62 cổ đông có mặt biểu quyết thông qua với tỷ lệ khoảng 65-67%.
Nói cách khác, một cổ đông lớn – là An Quý Hưng đã không đồng thuận với các tờ trình được đưa ra trong đại hội.
Nhưng với tỷ lệ kiểm soát 51,4% cổ phần Vimeco, việc bỏ phiếu “gật” hay “lắc” của Vinaconex cũng chính là tiếng nói quyết định. Tỷ lệ 31% của ông Đông không đủ quyền phủ quyết các tờ trình.
Tại ĐHCĐ, ông Nguyễn Xuân Đông - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH An Quý Hưng thắc mắc: “Với ngành nghề tương đồng, mục đích hòa đồng cùng sự phát triển của Vimeco, chúng tôi đã nỗ lực cố gắng cùng HĐQT tham gia điều hành hoạt động sản xuất. Nhưng trong 1 năm tham gia hoạt động trong HĐQT và BKS nhưng không được sự ủng hộ của cổ đông lớn Vinaconex như việc giới thiệu cán bộ tham gia giám sát tại một số nơi như dự án CT4, phòng Kế toán và trạm trộn Tây Mỗ, các cán bộ do công ty An Quý Hưng tự trả lương và không làm việc gì ảnh hưởng đến SXKD của công ty nhưng các cán bộ của Vimeco không hợp tác”.
Bên cạnh đó, ông Hưng cũng cho rằng Ban kiểm soát 1 năm làm việc 1 lần trong thời gian 1 ngày là không đảm bảo, việc 5 năm chưa quyết toán thuế rất rủi ro, có nhiều cách hạch toán cần phải xem lại, tránh sau này truy thu ảnh hưởng đến lợi nhuận công ty.
Dự án CT4 Vimeco
Trả lời cho những thắc mắc trên, ông Nguyễn Quốc Hòa - Ủy viên HĐQT cho biết: “Cổ đông An Quý Hưng muốn tham gia vào giám sát nhưng phải đảm bảo đúng điều lệ, bảo vệ lợi ích của công ty chứ không thể riêng bảo vệ lợi ích của một cổ đông nào”. Ngoài ra “hiện nay các vị trí cán bộ đang đảm nhiệm hoạt động tài chính của Vimeco diễn ra bình thường nên công tác thay thế chỉ thực hiện khi cán bộ không đám bảo yêu cầu, yếu kém về năng lực. Việc quyết toán thuế là do công ty tự kê khai, tự nộp và tự chịu trách nhiệm, Cục thuế không bắt buộc quyết toán thuế hàng năm như trước kia.
Về việc ban kiểm soát nhận lương cả năm nhưng làm việc 1 ngày, bà Nguyễn Thị Quỳnh Trang – Trưởng ban kiểm soát cho biết số liệu đã được lấy và xem xét trước đó 1 tuần, với công ty xây dựng như Vimeco thì số liệu cuối năm mới là số liệu chính xác đáng tin cậy nên Ban kiểm soát làm việc vào cuối năm nhiều hơn. Việc hạch toán kế toán có rất nhiều cách nhưng vẫn đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật và có lợi cho Công ty.
Ít lâu sau, tháng 12/2016, An Quý Hưng bán toàn bộ 31% vốn cổ phần tại Vimeco, chấm dứt mối quan hệ “cùng hội cùng thuyền” với Vinaconex tại đây.
Sau 2 năm, An Quý Hưng trở lại sàn chứng khoán với tâm thế mới – ông chủ mới của Vinaconex.
DiaOcOnline.vn - Theo Người đưa tin/em>