Nới tăng trưởng tín dụng bất động sản?

Cập nhật 16/11/2011 08:25

Ngày 14.11.2011, ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành công văn số 8844/NHNN-CSTT về hoạt động tín dụng trong các tháng cuối năm 2011. Liệu đây có phải là dấu hiệu của sự nới lỏng tăng trưởng tín dụng, nhất là đối với lĩnh vực bất động sản (BĐS)?

Nới tỷ lệ tăng trưởng tín dụng có điều kiện


Công văn 8844 của ngân hàng Nhà nước sẽ tác động khá mạnh thị trường BĐS chủ yếu ở khía cạnh… tâm lý. Ảnh: L.Q.N
Công văn của NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD) bố trí nguồn vốn để đáp ứng kịp thời các nhu cầu vay vốn tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ và cho vay vốn lưu động đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa; trường hợp mở rộng tín dụng đối với các lĩnh vực này làm cho tăng trưởng tín dụng cả năm 2011 vượt 20% thì báo cáo NHNN để xem xét.

Mặc dù nhấn mạnh yêu cầu tiếp tục thực hiện các biện pháp kiểm soát hoạt động cho vay đối với lĩnh vực phi sản xuất, nhưng trong công văn số 8844, NHNN cho phép TCTD khi xác định tỷ trọng cho vay phi sản xuất so với tổng dư nợ cho vay của TCTD, được loại trừ một số nhu cầu cho vay vốn phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân và thuộc diện chính sách an sinh, xã hội của Chính phủ, gồm: (1) Nhu cầu vốn để sửa chữa nhà và mua nhà để ở mà nguồn trả nợ bằng tiền lương, tiền công của khách hàng vay; (2) Xây dựng nhà để bán, cho thuê cho người thu nhập thấp, công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế; (3) Xây dựng nhà ở cho công nhân khu công nghiệp nhưng không thu tiền thuê nhà hoặc thu tiền thuê với giá thuê không vượt quá mức giá cho thuê nhà ở do uỷ ban nhân dân cấp tỉnh ban hành mà chi phí xây dựng nhà ở hoặc chi phí tiền thuê nhà ở được tính là chi phí hợp lý trong giá thành sản xuất khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp; (4) Xây dựng các công trình, dự án phát triển nhà ở sắp hoàn thiện và sẽ được bàn giao, đưa vào sử dụng trước ngày 1.1.2012 theo nội dung hợp đồng trong hoạt động xây dựng giữa chủ đầu tư và nhà thầu, hợp đồng mua bán tài sản, hợp đồng mua bán nhà ở, hợp đồng thuê tài sản.

Như vậy, các TCTD có thể được xem xét tăng trưởng tổng dư nợ tín dụng năm 2011 trên 20%, và việc cho bốn đối tượng liên quan đến BĐS nói trên vay sẽ được loại trừ ra khỏi tỷ trọng cho vay phi sản xuất.

Chủ yếu là giải toả áp lực cho ngân hàng thương mại

Với công văn này, các ngân hàng thương mại (NHTM), đặc biệt là các ngân hàng đang phải xoay xở mọi cách (kể cả bán nợ) để rút chỉ tiêu cho vay phi sản xuất về mức 16%/tổng dư nợ vào cuối năm nay có thể tạm thở phào nhẹ nhõm. Công văn này giúp các NHTM tránh việc phải lách luật/đảo nợ để kéo tỷ lệ cho vay phi sản xuất xuống và giúp cho cả NHNN tránh tình huống khó xử khi đã biết trước là còn nhiều NHTM không thể nào thực hiện được quy định về tỷ trọng cho vay phi sản xuất trong bối cảnh thị trường hiện nay.

Công văn 8844 sẽ tác động khá mạnh thị trường BĐS chủ yếu ở khía cạnh… tâm lý. Mặc dù đối tượng vay BĐS tại công văn này chủ yếu là an sinh xã hội nhưng nhiều người cũng coi đây là một động thái giải cứu thị trường BĐS đang hết sức ảm đạm. Tuy nhiên, có thể dự đoán rằng công văn này sẽ không giúp cải thiện nhiều đến tỷ lệ tăng trưởng tín dụng và qua đó làm bớt căng thẳng nguồn vốn cho thị trường BĐS. Nguyên nhân cơ bản là do NHTM thiếu các nguồn vốn lãi suất thấp, ổn định, kỳ hạn dài. Lãi suất cho vay 17 – 19%/năm chỉ để dành cho các khách hàng sản xuất kinh doanh vốn không nhiều trong tình hình hiện nay và là đối tượng cạnh tranh cũng khá gay gắt giữa các ngân hàng. Còn các nhu cầu vay mua nhà ở vẫn phải chịu lãi từ 20 – 23%/năm, dù ngân hàng có sẵn sàng thì cũng ít khách hàng dám vay. Về các công trình, dự án BĐS thì hầu hết các NHTM không mặn mà, bởi chính họ cũng đang bị kẹt hàng loạt các món nợ BĐS chưa xử lý được. Có NHTM thuộc sở hữu Nhà nước đã tạm ngừng hẳn cho vay lĩnh vực BĐS vài tháng nay. Bên cạnh đó, trong bối cảnh những tháng cuối năm, tình hình thanh khoản của hệ thống đang nhiều vấn đề, các NHTM sẽ không mở rộng tín dụng.

Tiến sĩ Trần Du Lịch, uỷ ban Kinh tế của Quốc hội:

NHNN đang điều hành linh hoạt


Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ nêu rõ là chính sách tín dụng “chặt chẽ, thận trọng” và điều hành “linh hoạt”. Nhưng trong thực hiện, tôi cho là có sự máy móc, áp dụng cào bằng với các tổ chức tín dụng trong việc cho vay, kể cả sản xuất, phi sản xuất. Giờ NHNN điều chỉnh cho linh hoạt hơn, có phân biệt và đặt ra đối tượng cho vay. Nắm chắc, đánh giá hiệu quả dự án, cho vay đúng đối tượng thì dòng vốn cho vay sẽ phát huy hiệu quả, giúp phục hồi sản xuất để doanh nghiệp đỡ khó khăn hơn.

Thời gian qua ta thực hiện biện pháp gọi là siết chặt, hạn chế cho vay với khu vực gọi là phi sản xuất, đặc biệt với thị trường bất động sản, làm cho thị trường này không có cơ hội phục hồi. Chúng ta thừa cao ốc văn phòng, thừa các căn hộ chung cư cao cấp nhưng hoàn toàn thiếu những căn hộ cho những người có thu nhập trung bình. Vậy tại sao chúng ta không có chính sách tín dụng tốt phục vụ đối tượng này coi như điểm đột phá, hâm nóng thị trường bất động sản và giải quyết những khó khăn cho các ngành liên quan như sản xuất vật liệu xây dựng, sắt thép, tạo tác động lan toả đến nền kinh tế.

Không nên lo rằng chính sách như vậy ảnh hưởng đến lạm phát, trái với chủ trương trong nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ. Chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2011 là dưới 20%. Bây giờ chúng ta còn quá xa để đạt mục tiêu này. Cho nên dù có nới đi nữa, mức tăng trưởng tín dụng vẫn ở trong tầm kiểm soát được.
 


Như vậy là nới lỏng tín dụng

Công văn 8844 của NHNN đã nới lỏng tín dụng ở hai khía cạnh. Thứ nhất, có khả năng một số TCTD được xem xét tăng trưởng tín dụng trên 20%. Thứ hai, việc loại bốn đối tượng liên quan đến BĐS nêu trên ra khỏi lĩnh vực phi sản xuất một mặt làm tăng tín dụng cho bốn đối tượng này, mặt khác sẽ làm tăng tín dụng cho lĩnh vực BĐS. Như vậy công văn 8844 thực chất là việc NHNN nới lỏng tín dụng cho hệ thống ngân hàng mà đặc biệt là tín dụng vào BĐS.

Điều này chắc chắn là tin vui cho rất nhiều ngân hàng và các doanh nghiệp BĐS, bởi vì rõ ràng đây thực sự là hành động giải cứu thị trường BĐS vốn đang rất ảm đạm hiện nay. Điều này cũng phần nào cho thấy sự kiên định chính sách của NHNN đặt ra từ đầu năm đã không được duy trì, dù thời gian còn lại của năm 2011 không còn nhiều. Lợi ích của chính sách này chưa thấy đâu nhưng hệ luỵ của nó có thể thấy ngay trước mắt:

Thứ nhất, kỷ cương chính sách tiền tệ một lần nữa không được giữ vững dưới áp lực tăng trưởng kinh tế cũng như áp lực giải cứu ngành BĐS và sau đó là hệ thống ngân hàng. Hệ luỵ của việc không giữ vững kỷ cương ngân sách này là các doanh nghiệp BĐS, các ngân hàng vẫn sẽ tiếp tục đầu tư rủi ro bởi vì NHNN cuối cùng rồi cũng sẽ cứu nếu họ gặp khó khăn.

Thứ hai, với mức giá đang cao ngất ngưởng so với thu nhập của người dân hiện nay, thị trường BĐS Việt Nam được xem là thừa cung. Điều này đã làm cho thị trường đang rất kỳ vọng chính sách thắt chặt tín dụng vào BĐS của NHNN sẽ giúp giá BĐS giảm về mức hợp lý. Do đó, việc NHNN cho phép các ngân hàng tiếp tục đổ tiền vào các doanh nghiệp BĐS chẳng khác nào tiếp tục nuôi sống các doanh nghiệp này và giữ giá BĐS ở mức cao. Qua đó dập tắt luôn hy vọng mua được nhà ở mức hợp lý của rất nhiều người dân.

Thứ ba, các TCTD ở Việt Nam có tiền lệ lách luật rất linh hoạt. Do vậy, với những quy định có tính “trừu tượng” như ở công văn 8844 nêu trên thì sẽ không có gì đáng ngạc nhiên nếu các TCTD tiếp tục linh hoạt qua mặt cơ quan giám sát của NHNN để tăng trưởng tín dụng ở mức tối đa có thể.
 

 

DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Tiếp Thị