Người nói có, kẻ bảo không; nhưng nhiều khả năng là quyết định này chỉ để nhằm giải quyết những vấn đề nội tại của hệ thống ngân hàng. Trong một động thái bất ngờ có phần khó hiểu, ngày 4.7, NHNN công bố giảm lãi suất (LS) nghiệp vụ thị trường mở (open market operations, gọi tắt là OMO) về mức 14%/năm, sau thời gian ngắn duy trì ở mức 21%/năm.
Sau quyết định của NHNN, nhiều tổ chức/chuyên gia tài chính quốc tế đã bày tỏ lo ngại về quyết định hạ LS quá sớm của Việt Nam. Citigroup cảnh báo: “Nới lỏng quá sớm luôn là rủi ro lớn tại Việt Nam. Quyết định này gây ra rủi ro về khả năng áp lực mất giá lên tiền đồng trở lại sau vài tháng bình ổn”. Nhiều quan điểm quốc tế cảnh báo trong bối cảnh nợ nần của các nước Châu Âu gia tăng, giá cả toàn cầu tăng cao, các quốc gia châu Á vẫn cần có những biện pháp mạnh mẽ để kiềm chế lạm phát, nếu không sẽ bỏ lỡ cơ hội duy trì xu hướng lạm phát đang dịu lại gần đây. Có thông tin sắp tới NHTƯ các nước Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan đang cân nhắc việc tiếp tục tăng LS thời gian tới.
NHNN không có giải thích chính thức cho quyết định của mình. Tờ báo ngành ngân hàng có dẫn lời ông Nguyễn Ngọc Bảo - Vụ trưởng Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) cho rằng, việc NHNN điều chỉnh LS chào mua giấy tờ có giá qua nghiệp vụ OMO là điều bình thường vì LS trên thị trường này là LS linh hoạt. Điều đáng nói ở đây là tuy bình thường nhưng LS OMO bao giờ cũng phải gắn với điều kiện vĩ mô.
6 tháng cuối năm vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố đẩy CPI tăng cao. Dù Chính phủ vừa điều chỉnh chỉ tiêu lạm phát năm 2011 ở mức 15% - 17% thì theo Bộ trưởng KHĐT Võ Hồng Phúc muốn đạt được phải phấn đấu cật lực, nếu không có thể sẽ tiếp tục phải điều chỉnh. Như vậy, theo nguyên lý thông thường để kiềm chế lạm phát đúng ra NHNN nếu không tăng LS OMO thì ít nhất phải vẫn giữ nguyên.
Một số tổ chức/chuyên gia tài chính trong nước cho rằng bằng động thái hạ LS cho vay trên thị trường mở, NHNN đang phát đi tín hiệu nới lỏng chính sách tiền tệ để các NHTM có điều kiện để tiếp cận nguồn vốn giá rẻ hơn, tạo cơ sở kéo giảm LS, “giải cứu” DN đang đình đốn, và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, TS Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - có ý kiến đáng chú ý khi ông cho rằng thông điệp vĩ mô đã rõ ràng, LS sẽ hạ chỉ khi lạm phát hạ nhiệt. Nếu có bất kỳ LS nào được giảm nhẹ trong thời điểm này chỉ là nhằm giải quyết những vấn đề nội tại của hệ thống ngân hàng.
Mục tiêu chỉ đạo của Chính phủ trong 6 tháng cuối năm là tăng cường kiểm soát và kéo giảm dần LS tín dụng phù hợp với mức giảm lạm phát. Tuy nhiên, xét thực tế tình hình LS hiện nay nếu chờ đợi để thị trường tự điều chỉnh giảm thì rất khó khăn và kéo dài. LS huy động tiền gửi VND tuy đã có dấu hiệu hạ, nhưng mức rất thấp (chỉ dưới 1%/năm), LS thị trường liên NH trên danh nghĩa ở mức 12% - 13%, nhưng mấy ngày nay mức cao nhất thực tế vẫn là 16%. Tình hình LS cũng sẽ căng thẳng nếu NHNN ra quyết định tăng mức dự trữ bắt buộc đối với các NHTM chưa thực hiện được việc giảm tỉ lệ dư nợ cho vay phi sản xuất...
Vì vậy, việc NHNN giảm LS OMO có thể nhằm để các NHTM được tiếp cận nguồn vốn rẻ hơn, hỗ trợ giảm mặt bằng LS chung. Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến đặt ra câu hỏi có nên dùng giải pháp hạ LS OMO trong bối cảnh này không, vì như vậy có thể gây ra tín hiệu nhầm cho thị trường về sự nới lỏng tiền tệ. Một chuyên gia NH nói: “Theo lý thuyết, LS OMO phải cao nhất trên thị trường vì NHTƯ là người cho vay cuối cùng mang tính chất hỗ trợ thanh khoản sau khi các NHTM đã hết cửa vay các nơi khác.
Nếu chỉ để xử lý vấn đề thanh khoản và hỗ trợ các NHTM giảm LS, NHNN không nhất thiết phải giảm OMO. Hiện LS kinh doanh đang có dấu hiệu giảm, NHNN đã có trần LS huy động VND rồi, để hỗ trợ tiếp việc giảm LS và ngăn chặn việc các NHTM thừa vốn bắt chẹt các NHTM thiếu vốn, đẩy LS liên NH lên cao thì NHNN nên quy định trần LS liên NH với một biên độ nào đó. Ví dụ, hiện LS OMO là 14% thì trần LS của liên NH chỉ +2%”, thay vì việc giảm LS OMO.
Nghiệp vụ thị trường mở là hoạt động NHTƯ mua vào hoặc bán ra những giấy tờ có giá của Chính phủ trên thị trường. Thông qua hoạt động mua bán giấy tờ có giá (bỏ tiền ra mua hoặc thu tiền về qua bán), NHTƯ tác động trực tiếp đến nguồn vốn khả dụng của các tổ chức tín dụng, từ đó điều tiết lượng cung ứng tiền tệ và tác động gián tiếp đến lãi suất thị trường.
DiaOcOnline.vn - Theo Lao Động