So với thời điểm cách đây 1 năm, nợ xấu nội bảng của 3 ngân hàng đã tăng 22%.
Tại 3 "ông lớn" ngân hàng BIDV, Vietcombank, VietinBank, tổng số nợ xấu nội bảng đã lên đến 41.265 tỷ đồng vào cuối tháng 6/2019, tăng 6,5% so với hồi đầu năm. Và so với thời điểm cách đó 1 năm, nợ xấu nội bảng tại 3 nhà băng này đã tăng 22%.
Điểm chung ở cả 3 "ông lớn" là nợ có khả năng mất vốn đều chiếm tỷ lệ rất cao (trên 50%) trong cơ cấu nợ xấu.
BIDV là ngân hàng có nợ xấu nội bảng nhiều nhất trong hệ thống với 21.121 tỷ đồng vào cuối tháng 6/2019, tăng 12,3% so với hồi đầu năm. Trong đó, nợ nhóm 5 – nợ có khả năng mất vốn tăng mạnh 46% lên 10.492 tỷ đồng; nợ nhóm 3 – nợ dưới chuẩn tăng 12% lên 6.105 tỷ. Riêng nợ nhóm 4 – nợ nghi ngờ giảm 27% xuống mức 4.524 tỷ đồng.
Với việc nợ có khả năng mất vốn tăng mạnh, nhóm nợ này tiếp tục có tỷ trọng lớn nhất (tới 50% trong tổng nợ xấu). Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay ở BIDV tăng từ 1,90% hồi đầu năm lên 1,98% vào cuối tháng 6.
Nợ xấu ở Vietcombank sau 6 tháng đầu năm tăng 910 tỷ, tương đương tăng gần 15% lên mức 7.134 tỷ đồng. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu của nhà băng này từ dưới 1% cũng đã leo lên 1,03%.
Trong đó, nợ nhóm 3 của Vietcombank tăng mạnh nhất, tăng tới gần 6 lần so với con số hồi đầu năm lên 1.670 tỷ đồng. Trong khi đó, nợ nhóm 4 giảm 40% xuống 702 tỷ, nợ nhóm 5 giảm nhẹ 0,2% xuống 4.762 tỷ đồng.
Ở Vietcombank, nợ nhóm 5 đang chiếm tới 67% tổng nợ xấu. Tuy nhiên, áp lực về nợ xấu với Vietcombank không lớn khi nhà băng này có tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu tới 180%, ngoài ra cũng đã sạch nợ tại VAMC trong khi BIDV và VietinBank còn hàng chục nghìn tỷ trái phiếu VAMC.
Trong 3 ngân hàng, chỉ có VietinBank là nợ xấu giảm trong 6 tháng đầu năm. Nợ xấu nội bảng tại ngân hàng cuối tháng 6 là 13.010 tỷ đồng, giảm 5% so với đầu năm. Trong đó, nợ nhóm 5 giảm 22% xuống 7.348 tỷ đồng, nợ nhóm 3 giảm 14% xuống 1.829 tỷ, nợ nhóm 4 lại tăng mạnh 84% lên 3.833 tỷ. Nợ có khả năng mất vốn vẫn chiếm đến 56% trong tổng nợ xấu nội bảng.
Một lượng lớn dư nợ trái phiếu VAMC vẫn chưa được VietinBank và BIDV công bố. Trước đó, cuối năm 2018, BIDV còn hơn 14.000 tỷ đồng nợ xấu ở VAMC, VietinBank cũng còn hơn 13.000 tỷ. Trong đó, BIDV đã trích dự phòng hơn 7.600 tỷ, VietinBank trích dự phòng 2.230 tỷ.
Cả 3 ngân hàng tiếp tục tăng trích lập dự phòng rủi ro trong 6 tháng đầu năm 2019. Ở VietinBank, chi phí dự phòng rủi ro tăng vọt 63% lên 4.236 tỷ đồng, "ăn mòn" đến 66% lợi nhuận thuần của nhà băng này. Trong khi đó, BIDV cũng tăng 6,8% lên 10.710 tỷ và chiếm tới 69% tổng lợi nhuận thuần. Vietcombank tăng nhẹ 2,5% chi phí dự phòng lên 3.317 tỷ đồng.
DiaOcOnline.vn – Theo Tri thức trẻ