Nợ xấu ngân hàng khó tìm người mua

Cập nhật 06/06/2012 08:40

Trong khi nợ xấu tiếp tục tăng gây ứ đọng vốn trong hệ thống ngân hàng thì vấn đề giao cho cơ quan nào mua và xử lý khối tài sản hàng chục nghìn tỷ đồng này vẫn còn gây nhiều tranh cãi.

Sáng 31/5, Ngân hàng Nhà nước chủ trì cuộc họp với nhóm "G14" các ngân hàng đứng đầu hệ thống. Thông tin quan trọng được đưa ra là Ngân hàng Nhà nước dự kiến lập một công ty mua bán nợ xấu. Dự kiến, công ty này sẽ có đủ nguồn lực để làm sạch khoảng 100.000 tỷ đồng nợ xấu trong hệ thống.

Tính đến cuối năm 2011, theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, nợ xấu toàn hệ thống chiếm 3,5%. Tuy nhiên, báo cáo tài chính quý I/2012 của các ngân hàng thương mại niêm yết cho thấy, tỷ lệ nợ xấu tiếp tục gia tăng. Đến hết tháng 3/2012, tỷ lệ nợ xấu của cả 9 ngân hàng niêm yết đều tăng so với đầu năm, cá biệt có Habubank, nợ xấu lên tới 9,7%. Như vậy, trong khi tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống vẫn âm thì nợ xấu lại không ngừng tăng mạnh. Nhiều chuyên gia cho rằng quá nhiều nợ dưới chuẩn là nguyên nhân chính khiến dòng tín dụng chưa được khơi thông.

Trước đó, trong đề án tái cơ cấu ngân hàng được Thủ tướng phê duyệt, một trong những phương án xử lý nợ xấu là bán nợ có tài sản đảm bảo cho Công ty mua bán nợ và tài sản tồn đọng doanh nghiệp (DATC) trực thuộc Bộ Tài chính. Ngoài ra, bản thân các ngân hàng thương mại hiện có sẵn một mô hình để xử lý nợ xấu của riêng mình gọi là các công ty quản lý nợ và khai thác tài sản (AMC).

Tuy nhiên, với khối lượng nợ xấu đồ sộ như hiện nay, các chuyên gia bày tỏ lo ngại về năng lực của cả DATC lẫn AMC. DATC có vốn điều lệ khiếm tốn (2.481 tỷ đồng). Nhiều người đặt câu hỏi khó khả thi nếu giao cho Công ty mua bán nợ và tài sản tồn đọng của Bộ Tài chính đứng ra mua lại nợ xấu.

Phản hồi về những lo ngại này, ông Phạm Mạnh Thường, Phó tổng giám đốc DATC khẳng định: "Không ai có đủ vốn ngay một lúc để mua lại khối nợ đó cả. Vấn đề là sẽ có những cơ chế để xử lý dần. Hiện DATC đang tiến hành đàm phán mua 5.000 tỷ đồng nợ xấu của nhiều ngân hàng, trong đó chủ yếu tập trung ở khối các ngân hàng lớn". Ông Phạm Mạnh Thường nói thêm, sắp tới khi mua lại những khoản nợ quy mô lớn, với sự cho phép của Chính phủ, công ty sẽ khắc phục bằng cách phát hành trái phiếu nợ cho chính các ngân hàng.

Ông Nguyễn Xuân Thành - Giám đốc Chính sách công Chương trình giảng dạy Fullbright - cho rằng, muốn xử lý nợ xấu bằng cách này, DATC phải được cấp nhiều vốn ngân sách để dọn dẹp nợ. "Liệu họ làm tốt hơn ngân hàng không? Bản thân các nhà băng hiểu con nợ của mình hơn cả còn không đòi được thì công ty xử lý nợ này sẽ còn gặp rất nhiều khó khăn", ông Thành hoài nghi.

Đánh giá về vai trò của các AMC - Công ty quản lý nợ và khai thác tài sản trực thuộc mỗi ngân hàng - một chuyên gia nhìn nhận: "Mô hình AMC tại Việt Nam thực chất chưa xử lý được nợ xấu mà mới chỉ làm những giao dịch mang tính chất kế toán. AMC mới làm công việc là giúp nhà băng chuyển nợ xấu sang đó để nợ xấu trên báo cáo tài chính của ngân hàng đẹp hơn mà thôi".

Vì vậy, giải pháp Ngân hàng Nhà nước đứng ra lập thêm công ty mua bán nợ quốc gia được nhiều ý kiến đồng thuận hơn cả. Tiến sĩ Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, bày tỏ ủng hộ phương án này: "Khối lượng nợ xấu hiện tương đối lớn trong khi quy mô của DATC còn ở mức độ khiêm tốn, bản thân các AMC thì vốn nhỏ nên cũng chưa xử lý được. Do đó, đây là giải pháp rất cần thiết và nên làm. Công ty sẽ mua lại các khoản nợ giúp ngân hàng làm sạch bảng cân đối tài sản, đồng thời giúp doanh nghiệp có điều kiện tiếp cận nguồn vốn".

Chủ nhiệm Ủy ban giám sát tài chính quốc gia - Vũ Viết Ngoạn - ủng hộ quan điểm Ngân hàng Nhà nước lập công ty mua bán nợ quốc gia. Ảnh: Nhật Minh.

Dù tán thành phương án trên nhưng Tiến sĩ Vũ Viết Ngoạn cảnh báo không nên quá kỳ vọng vào khả năng công ty mua bán nợ quy mô 100.000 tỷ đồng của Ngân hàng Nhà nước có thể giải quyết nợ xấu ngay lập tức. Từng là Tổng giám đốc ngân hàng hàng đầu Việt Nam Vietcombank, ông Ngoạn đề xuất nên có cơ chế hoạt động, quy chế mua bán tài sản rõ ràng để không làm thất thoát vốn Nhà nước. "Cần làm sao để công ty này không lỗ bởi nếu họ thua lỗ thì ngân sách Nhà nước phải gánh chịu", ông nói thêm.

Trong giai đoạn khủng hoảng 1999-2001, Trung Quốc cũng từng giải quyết nợ xấu bằng cách này. Trung Quốc đã cho phép thành lập những ngân hàng chuyên xử lý nợ xấu (gọi là bad-banks). Các ngân hàng này được trao những quyền ngoại lệ vì họ đại diện cho ngân hàng liên quan cũng như cho lợi ích hợp pháp của quốc gia. Tuy nhiên, là người có kinh nghiệm khi tham gia tái cơ cấu ngân hàng Trung Quốc, ông Keith Pogson, CEO Dịch vụ tài chính ngân hàng của Ernst & Young châu Á – Thái Bình Dương, cảnh báo, rất khó để mua lại các khoản nợ xấu với giá trị 100%. "Vấn đề là luật pháp Việt Nam không cho phép bán tài sản quốc gia dưới giá trị sổ sách. Đây là một thách thức lớn khi giải quyết nợ xấu, nợ dưới chuẩn", ông nói.

Bên cạnh đó, phương án cho ngân hàng nước ngoài vào cuộc mua lại nợ xấu cũng đã từng được tính đến. Tuy nhiên, theo chuyên gia Nguyễn Xuân Thành, bản thân các ngân hàng nước ngoài sẽ không sẵn sàng mua nợ xấu dù họ rất khoái mua lại ngân hàng của Việt Nam. "Các ngân hàng yếu kém mà để nước ngoài mua thì họ sẽ trả rẻ vì không hấp dẫn. Nên để Nhà nước trực tiếp đứng ra xử lý, có thể bằng cách dùng vốn ngân sách bơm trực tiếp cho ngân hàng yếu kém và đặt họ trong điều kiện giám sát đặc biệt", vị này nói.

Bàn về vấn đề nợ xấu của Việt Nam, ông Keith Pogson cũng khuyến nghị hãy để những ngân hàng đầu tư vào cuộc xử lý nợ xấu. "Lúc đó họ sẽ biết phải làm gì với nợ xấu và định giá chúng. Ở Trung Quốc, có rất nhiều thương vụ bán đấu giá những khoản nợ xấu như vậy. Thời gian đầu có thể chỉ thu được 17-24% giá trị tài sản nhưng sau đó chúng đều là những khoản sinh lời rất tốt", ông Keith nói.

DiaOcOnline.vn - Theo VnExpress