Nợ bất động sản: Ngân hàng và doanh nghiệp cùng xoay!

Cập nhật 12/09/2008 10:00

Việc giải quyết các khoản nợ liên quan đến bất động sản trong tình hình thị trường bất động sản trầm lắng kéo dài như hiện nay được coi là một bài toán lớn.

Hầu hết các khoản vay này được giải ngân vào những tháng cuối năm 2007 khi các Ngân hàng thương mại chạy đua tăng trưởng dư nợ và đều lấy thị trường bất động sản làm mục tiêu cạnh tranh.

Ước tính cho vay đối với bất động sản đến nay chiếm trên 10% tổng dư nợ. Trong đó, hơn 20 ngân hàng có dư nợ cho vay bất động sản trên 20%.

Theo các chuyên gia, nguy cơ phải xử lý tài sản để thu hồi nợ rất cao. Trong khi đó, việc phải xử lý nợ quá hạn rất phức tạp, mất nhiều thời gian và thủ tục siết nợ đối với tài sản thế chấp là bất động sản còn phức tạp.

Rủi ro hơn nữa là chênh lệch giữa khoản vay đối với tài sản thế chấp là bất động sản không còn theo tỷ lệ ban đầu (70%, thậm chí có ngân hàng cho vay đến 90%/giá trị tài sản bảo đảm) vì giá nhà đất sụt giảm mạnh. Tình hình này khiến nhiều nhà đầu tư nghĩ tới một đợt "giải chấp" bất động sản vào cuối năm nay.

Trong tình hình hiện nay, nhiều Ngân hàng thương mại cũng đã áp dụng giãn nợ linh hoạt với các khách hàng "ruột" vốn chủ yếu bị đọng vào bất động sản thông qua quá trình thương lượng, đàm phán và hợp tác trên cơ sở có thể tin tưởng lẫn nhau.

Theo nhiều chuyên gia tài chính và doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, việc "phong tỏa" các khoản cho vay đầu tư bất động sản kéo dài sẽ không có lợi cho thị trường và doanh nghiệp bất động sản Việt Nam. Bởi các doanh nghiệp nước ngoài nhiều vốn sẽ không bỏ qua cơ hội này.

Đại diện ngân hàng VPbank khi được hỏi về kế hoạch xử lý đối với các khoản vay của khách hàng khi đến thời điểm đáo hạn nhưng khách hàng chưa có khả năng thanh toán cho biết: ngân hàng sẽ chia sẻ khó khăn với khách hàng chứ không phát mãi tài sản cầm cố của khách hàng bằng mọi giá.

Theo một số chuyên gia kinh tế, điều đầu tiên các Ngân hàng thương mại phải làm là đánh giá lại các khoản vay bất động sản trong toàn bộ hệ thống ngân hàng.

Sau đó sắp xếp theo từng nhóm, cơ cấu lại đối tượng và gia hạn nợ vay. Với những trường hợp bất khả kháng phía ngân hàng có thể phải liên kết với công ty xử lý nợ hay tìm các đối tác trong và ngoài nước để bàn về việc mua, bán lại các khoản vay này để hạn chế tối đa thiệt hại cho phía ngân hàng.

Một giám đốc Ngân hàng thương mại thừa nhận, mặc dù có khá nhiều rủi ro trong cho vay kinh doanh bất động sản, nhưng đây vẫn là mảng tín dụng quan trọng trong cơ cấu các khoản vay của ngân hàng nên một số nhà băng tiếp tục triển khai các sản phẩm cho vay kinh doanh bất động sản.

Tuy nhiên, để phòng tránh rủi ro trước bối cảnh thị trường nhà đất khá bất ổn như hiện nay, nhiều ngân hàng cần hết sức khôn khéo để sàng lọc thật kỹ các dự án và theo dõi chặt sự biến động trên thị trường nhà đất, nhất là các khu vực có biến động lớn về giá để lên kế hoạch cho vay với hạn mức thích hợp.

Theo ông Nguyễn Đại Lai - Vụ phó Vụ Chính sách chiến lược Ngân hàng nhà nước, nợ xấu trong lĩnh vực bất động sản của các Ngân hàng thương mại có thể sẽ trở thành gánh nặng dẫn đến sự điêu đứng của một số Ngân hàng thương mại.

Nếu không có "phao" về thanh khoản của thị trường liên ngân hàng và Ngân hàng nhà nước thì một số Ngân hàng thương mại "sa lầy" nhiều vào bất động sản sẽ không tránh khỏi trên bờ vực phá sản.

Còn theo ông Trần Bắc Hà - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, điều quan trọng lúc này là cần có một giải pháp cho thị trường bất động sản phát triển. Nếu không, trong 3 - 5 năm nữa, thị trường sẽ rơi vào trì trệ và người hưởng lợi lại là doanh nghiệp nước ngoài nhiều vốn.


Theo Diễn Đàn Doanh Nghiệp