Theo dự thảo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về sửa đổi, bổ sung một số điều tại Thông tư 36/2014 ngày 20-11-2014 (được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 06/2016), cơ quan này quyết định giãn lộ trình áp dụng tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn.
Thông tư 06/2016 quy định tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn là 40% từ ngày 1-1-2018. Ảnh: Cao Ban
|
Dự thảo đề nghị sửa đổi, bổ sung khoản 5 của Thông tư 36 về việc các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn theo tỷ lệ tối đa với lộ trình 3 năm như sau:
Từ ngày thông tư có hiệu lực thi hành đến hết ngày 31-12-2017, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài là 50%; tổ chức tín dụng phi ngân hàng là 90%.
Từ ngày 1-1-2018 đến hết ngày 31-12-2018, tỷ lệ này tại ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài là 45%; tổ chức tín dụng phi ngân hàng là 90%.
Từ ngày 1-1-2019, tỷ lệ này tại ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài là 40%; tổ chức tín dụng phi ngân hàng là 90%.
Như vậy, thay vì áp dụng tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn là 40% vào năm 2018, NHNN quyết định lùi thời điểm này sang năm 2019. Năm 2018 sẽ áp dụng tỷ lệ 45%.
Việc điều chỉnh này được thực hiện trên cơ sở đánh giá tác động số liệu giám sát của NHNN và số liệu kinh tế vĩ mô, tình hình kinh tế các tháng đầu năm 2017, cũng như định hướng điều hành chính sách kinh tế vĩ mô của Chính phủ trong những tháng cuối năm.
Trước đó, phát biểu tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp ngày 17-5, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết tỷ trọng dư nợ cho vay trung dài hạn chiếm khoảng 53% tổng dư nợ tín dụng, trong khi đó, nguồn vốn huy động trung dài hạn toàn hệ thống chỉ chiếm khoảng 15%, đang tạo sức ép và rủi ro chênh lệch kỳ hạn cho hệ thống ngân hàng.
Để tạo nguồn vốn đầu tư, NHNN vẫn đang cho phép các tổ chức tín dụng sử dụng tối đa 50% vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn nhằm đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, trong khi lẽ ra vốn đầu tư trung dài hạn của doanh nghiệp phải được huy động từ thị trường vốn, thị trường chứng khoán; nhưng do các thị trường này chưa phát triển, vốn cung ứng cho nền kinh tế vẫn chủ yếu thực hiện qua hệ thống ngân hàng.
Góp ý về dự thảo của NHNN, Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) kiến nghị giữ nguyên tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn ở mức 50% đến hết năm 2018 (thay vì hết năm 2017 như dự thảo).
HoREA cho rằng việc tiếp tục cho phép sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn theo tỷ lệ tối đa 50% như hiện nay cho đến hết năm 2018 sẽ là nguồn lực hỗ trợ hiệu quả cho sự tăng trưởng của nền kinh tế, cũng như của thị trường bất động sản.
“Thị trường bất động sản là một trong những hộ tiêu dùng lớn nhất của nền kinh tế, sử dụng hàng ngàn sản phẩm của hơn 90 ngành sản xuất, kinh doanh. Bất động sản cũng là ngành sản xuất và tạo nhiều việc làm cho người lao động”, HoREA lý giải.
DiaOcOnline.vn - Theo TBKTSG