Nhiều năm liền, việc 3 "ông lớn" nắm giữ vị trí đầu bảng gần như là nghiễm nhiên, khó bị lật đổ. Thế nhưng năm 2018 có thể sẽ là năm đầu tiên đánh dấu bước ngoặt thay đổi điều này.
Giai đoạn từ 2017 trở về trước, 3 "ông lớn" Vietcombank, VietinBank, BIDV luôn dẫn đầu, thay phiên nhau vị trí quán quân lợi nhuận trong lĩnh vực ngân hàng. Cuộc bám đuổi lợi nhuận của 3 nhà băng này cực kì sát sao trong những năm 2014-2016 khi chỉ hơn kém nhau khoảng 500-1.000 tỷ đồng.
Nếu như năm 2014 VietinBank dẫn đầu thì đến năm 2015 phải nhường lại vị trí quán quân cho BIDV. Cho đến từ năm 2016, Vietcombank vươn lên đứng thứ nhất và từ đó đến nay vẫn không ngừng củng cố vị trí của mình, ngày càng bỏ xa những ngân hàng còn lại.
Trên thực tế, từ năm 2014 đến nay, cả VietinBank và BIDV đều chưa tăng được vốn điều lệ, dẫn tới ảnh hưởng tốc độ tăng trưởng. Trong khi đó, Vietcombank đã tăng được vốn từ hơn 26.600 tỷ lên gần 36.000 tỷ trong năm 2016.
Trong nhiều năm liền, việc 3 "ông lớn" nắm giữ vị trí đầu bảng gần như là nghiễm nhiên, thế nhưng năm 2018 có thể sẽ là năm đầu tiên đánh dấu bước ngoặt thay đổi điều này khi Techcombank lần lượt đánh bật BIDV sau 2 quý đầu năm 2018 và giờ là VietinBank.
Thực tế thì từ năm 2017, lợi nhuận của BIDV, VietinBank đã gần như bị Techcombank và VPBank bắt kịp. Trước khi vượt qua 2 "ông lớn", Techcombank cùng VPBank cũng đã tạo nên hiện tượng khi liên tiếp tăng trưởng theo cấp số nhân, bỏ qua nhiều ngân hàng tư nhân lớn như MB, Sacombank để lọt vào Top 5. VPBank và Techcombank cũng chỉ là những ngân hàng lên sàn sau song đều tạo ra sức hút mạnh mẽ với nhà đầu tư cả trong và ngoài nước.
Trong khi đó, Sacombank buộc phải lùi lại để tập trung cho quá trình tái cơ cấu sau khi nhận sáp nhập Southern Bank năm 2015, còn MB thì chọn đi chậm lại để có những bước tiến vững chắc hơn.
Quay lại với cuộc bám đuổi quyết liệt giữa Techcombank, VietinBank, BIDV, hiện nay mức chênh lệch lợi nhuận của 3 nhà băng này không quá lớn, lần lượt là hơn 7.700 tỷ, 7.500 tỷ và 7.200 tỷ trong 9 tháng vừa qua. Trong 3 tháng còn lại của năm 2018 vẫn khó nói trước được điều gì. Bởi chẳng hạn như BIDV, nếu tình hình nợ xấu diễn biến thuận lợi, ngân hàng có thể giảm trích lập dự phòng và việc vượt lên là hoàn toàn có thể, nhà băng này cũng đang có mức lợi nhuận thuần (trước trích lập dự phòng) cao nhất hệ thống với hơn 21.600 tỷ.
Về lâu dài, nếu VietinBank và BIDV sớm tăng vốn thuận lợi thì tốc độ tăng trưởng cũng sẽ bứt phá trở lại. Vị trí thứ 2, thứ 3 trong bảng xếp hạng lợi nhuận hệ thống ngân hàng có thể sẽ còn chứng kiến sự cạnh tranh gay gắt hơn nữa.
Vị trí thứ 5 trong Top lợi nhuận ngân hàng thương mại cổ phần hiện nay là của VPBank. Trong khi Techcombank bứt phá thì VPBank lại có dấu hiệu chậm lại, chỉ tăng trưởng gần 9% trong 9 tháng đầu năm, đạt lợi nhuận trước thuế hơn 6.100 tỷ. Tỷ lệ đóng góp của "gà đẻ trứng vàng" Fe Credit ngày càng ít hơn, từ mức 50% giờ chỉ khoảng 35-40%.
Vị trí trong thứ 5 của VPBank thậm chí còn đang bị đe dọa bởi sự tăng trưởng nhanh chóng của MB trong năm nay, hiện lợi nhuận chỉ hơn nhau khoảng 100 tỷ. Việc MB đẩy mạnh hoạt động trong tín dụng tiêu dùng, liên kết bảo hiểm đang cho thấy họ có thể sẽ có những bứt phá mạnh hơn trong thời gian tới.
DiaOcOnline.vn - Theo Trí Thức Trẻ