Ông Nguyễn Đức Kiên (trái) trao đổi với báo chí chiều 22-3. |
Thông tin về việc sẽ tiến tới xóa kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do đang gây ra nhiều phản ứng từ phía người dân, chẳng hạn như chuyển sang mua nhiều vàng nhẫn.
Trao đổi với phóng viên bên lề kỳ họp Quốc hội lần thứ 9, ông Nguyễn Đức Kiên, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho rằng Nhà nước hoàn toàn không cấm người dân sở hữu vàng, ngoại tệ.
* PV: Chính phủ đã đưa ra lộ trình tiến tới xóa bỏ thị trường kinh doanh vàng miếng tự do, khiến nhiều người dân phản ứng bằng cách chuyển sang mua vàng nhẫn. Ý kiến của ông thế nào?
Ông Nguyễn Đức Kiên: Cần xác định rõ đây là lộ trình đối với cửa hàng vàng và hoạt động nhập vàng, sản xuất vàng miếng chứ không phải lộ trình đối với người dân. Người dân hoàn toàn có quyền sở hữu vàng và đô la, luật không cấm điều này.
Việc người dân đi mua vàng miếng hay nhẫn vàng trơn là quyền của người dân, Nhà nước không can thiệp, Nhà nước chỉ ban hành những văn bản pháp quy để người dân căn cứ vào đó có những hành xử phù hợp. Việc mua bán, tích trữ vàng miếng của công dân là được pháp luật bảo hộ, ngay cả việc cất giữ hay gửi ngoại tệ vào ngân hàng cũng là quyền của người dân.
Còn đứng góc độ người kinh doanh thì có ai nói không được kinh doanh vàng miếng đâu, ta chỉ nói đó sẽ trở thành một ngành kinh doanh có điều kiện.
Thực tế, trong thời gian mấy năm vừa qua, việc quản lý thị trường vàng và ngoại tệ của chúng ta có buông lỏng, mặc dù các quy định chúng ta đều có, nhưng công tác hậu kiểm là kém. Đến thời điểm này, ta mới nhận thấy tình trạng đô la hóa khi thị trường có nhiều phương tiện thanh toán ngoài tiền đồng.
Chính các chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thời gian qua có hiệu quả không lâu dài vì chúng ta chỉ xử lý được phần phía trên, trong khi phần ngầm là thanh toán bằng các phương tiện khác tiền đồng thì lại không xử lý được, trong khi chính ra phải xử lý đồng bộ hai phần đó. Bây giờ chúng ta siết chặt lại, và theo tôi động tác này không ảnh hưởng quyền lợi chính đáng hợp pháp của người dân. Nhà nước không cấm, chỉ yêu cầu người dân giao dịch đúng nơi đúng chỗ Nhà nước quy định.
* Một trong những mục tiêu là chống đầu cơ vàng, gây áp lực lên tỷ giá, nhưng nếu người dân chuyển sang mua vàng nhẫn thì có chống được đầu cơ vàng nhẫn không?
Bản thân câu hỏi có hai từ là phải đấu tranh kiên quyết - đó là đầu cơ, tức lấy tiền của số đông làm lợi cho thiểu số, và đó là điều cần phải tiếp tục chống.
* Nếu các biện pháp mà Chính phủ và NHNN đưa ra không giúp ổn định thị trường tiền tệ thì Quốc hội có biện pháp gì hay không?
Khi chính sách vừa đưa ra khoảng 2 tuần thì chưa nên nghĩ đến vấn đề đó. Một chính sách bao giờ cũng có tính 2 mặt, và khi ban hành luật để áp dụng vào cuộc sống thì cuộc sống sẽ vận động, sau đó luật trở nên bất cập và ta phải sửa luật. Đó là nhiệm vụ của các cơ quan xây dựng văn bản pháp quy.
DiaOcOnline.vn - Theo TBKTSG