Nợ xấu của ngân hàng có tỷ lệ lớn từ các hợp đồng cho vay thế chấp bất động sản (BĐS) khó giải chấp do thị trường kém thanh khoản từ đầu năm đến nay.
Tại hội thảo "Khủng hoảng tài chính quốc tế và cách ứng xử của các ngành ngân hàng, tài chính, xuất nhập khẩu và doanh nghiệp Việt Nam" (do Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức ngày 28.10 tại TP.HCM), phân tích nguyên nhân tăng mạnh khoản nợ xấu của các ngân hàng, ông Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc chương trình giảng dạy Fullbright nhận xét, năm 2006 - 2007 giá BĐS biến động rất nhanh theo chiều hướng tăng lên. Cùng với làn sóng đầu cơ BĐS, hàng loạt hợp đồng vay vốn ngân hàng, thế chấp BĐS được thiết lập. Thông thường, các hợp đồng vay vốn ngắn hạn có thời hạn khoảng 1 năm. Như vậy, cuối năm 2008 là thời điểm hàng loạt hợp đồng đáo hạn. Tuy nhiên, gần cả năm nay thị trường BĐS rơi vào tình trạng đóng băng khiến các nhà đầu tư BĐS khó có cơ hội giải chấp hợp đồng vay vốn.
Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, Vụ trưởng Vụ Chiến lược phát triển ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) dự báo, tổng nợ xấu của ngân hàng tính đến thời điểm này chiếm khoảng 2,75% nhưng có khả năng lên đến 4% vào cuối năm nay, tương đương với khoảng 30.000 tỉ đồng. Đó là chưa kể đến khoản dự phòng rủi ro của các ngân hàng cũng đã tròm trèm 23.000 tỉ đồng. Nhưng ông Nghĩa cho rằng, con số này không phải quá lo lắng nếu "rải đều" cho các ngân hàng. Vấn đề nguy hiểm là khoản nợ xấu này lại tập trung vào một số ít ngân hàng và nếu các ngân hàng này có vấn đề gì thì sẽ gây ảnh hưởng đến cả hệ thống. Mặc dù vậy, ông Nghĩa nhận định khoản nợ xấu này khá an toàn. "Cách định giá thế chấp của các ngân hàng thường là định giá BĐS theo giá thị trường, sau đó trừ đi 50% giá trị và cho vay bằng khoảng 35% - 40% giá của 50% còn lại. Vì vậy, giá BĐS có giảm đi 40% - 60% thì cũng chưa đến mức thua lỗ" - ông Nghĩa phân tích.
Vấn đề còn lại chưa ai chắc chắn con số nợ xấu trên là chính xác hay chưa. Đứng từ một góc độ khác, ông Phạm Đỗ Chí, Phó giám đốc Công ty VinaCapital nói, giá BĐS trong nước đã tăng rất vô lý trong năm 2006 - 2007, và cơ hội sở hữu một căn hộ, một ngôi nhà đã xa tầm tay của nhiều người. Chính vì vậy, ông Chí hiến kế, trường hợp các hợp đồng vay vốn BĐS trở thành nợ xấu vào cuối năm nay, các ngân hàng có thể làm một cuộc giải chấp BĐS với giá hợp lý hơn để tạo cơ hội cho những người có nhu cầu thực sự mua được nhà.
Khởi nguồn của cuộc khủng hoảng tài chính trên thế giới bắt đầu từ các hợp đồng cho vay thế chấp BĐS dưới chuẩn ở Mỹ. Chúng ta chưa có (hay chưa nhiều) các loại này nhưng đây là bài học xương máu để các ngân hàng tính toán kỹ hơn, lựa chọn chính xác hơn cho các khoản vay của mình.
“Vay ở thời điểm năm trước, lãi suất chỉ khoảng 13%, nay lãi suất lên
tới 21% trong khi giá BĐS lại giảm gần một nửa. Các hợp đồng này đã và
đang trở thành nợ xấu của hệ thống ngân hàng”, ông Vũ Thành Tự Anh nói.
DiaOcOnline.vn - Theo Thanh Niên