Nguy cơ rửa tiền lĩnh vực ngân hàng, bất động sản Việt Nam ở mức cao

Cập nhật 19/05/2019 09:30

Nguy cơ rửa tiền được đánh giá ở mức cao trong các lĩnh vực ngân hàng và bất động sản, kênh chuyển tiền phi chính thức cũng được đánh giá ở mức cao.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa công bố báo cáo tóm tắt kết quả đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền, tài trợ khủng bố tại Việt Nam giai đoạn 2012 - 2017.

Trước đó, ngày 30/4, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã ký Quyết định số 474 ban hành Kế hoạch hành động giải quyết những rủi ro rửa tiền, tài trợ khủng bố giai đoạn 2019 - 2020. Theo Quyết định này, Chính phủ đã phê duyệt Báo cáo kết quả đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền, tài trợ khủng bố giai đoạn 2012-2017 và Kế hoạch hành động giải quyết những rủi ro rửa tiền, tài trợ khủng bố giai đoạn 2019 – 2020.

Báo cáo kết quả đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền, tài trợ khủng bố giai đoạn 2012-2017 đã xác định rủi ro rửa tiền quốc gia là trung bình cao, rủi ro về tài trợ khủng bố quốc gia là thấp. Báo cáo cũng đã xác định rủi ro rửa tiền cụ thể cho các lĩnh vực ngân hàng, bất động sản, chứng khoán, casino...

Mục tiêu của kế hoạch hành động giải quyết những rủi ro rửa tiền, tài trợ khủng bố giai đoạn 2019 - 2020 là hoàn thiện cơ chế phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố ở Việt Nam; kiểm soát, giảm thiểu rủi ro rửa tiền, tài trợ khủng bố được xác định từ kết quả đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền và tài trợ khủng bố giai đoạn 2012 - 2017; đáp ứng các chuẩn mực quốc tế về phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố; đồng thời phục vụ đánh giá đa phương của Nhóm châu Á – Thái Bình Dương về chống rửa tiền (APG) đối với cơ chế phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố của Việt Nam trong năm 2019.

Từ năm 2015 đến nay, cơ quan quản lý đã tiến hành phối hợp, xác minh, xử lý đối với 7 vụ việc giao dịch có dấu hiệu đáng ngờ liên quan đến rửa tiền trong lĩnh vực chứng khoán.

Kế hoạch hành động được chia thành 5 nhóm hành động gồm: Nhóm các biện pháp liên quan đến khuôn khổ pháp luật; Nhóm các biện pháp liên quan đến quyền hạn và trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền; Hợp tác trong nước; Các sản phẩm tài chính toàn diện; Hợp tác quốc tế.

Về các lĩnh vực cụ thể, nguy cơ rửa tiền được đánh giá ở mức cao trong các lĩnh vực ngân hàng và bất động sản, riêng kênh chuyển tiền phi chính thức cũng được đánh giá ở mức cao.

Trong khi đó, nguy cơ rửa tiền ở lĩnh vực chứng khoán, kiều hối, casino/sòng bạc ở mức trung bình; các lĩnh vực kiểm toán, kế toán, luật sư, công chứng được đánh giá nguy cơ rửa tiền ở mức thấp…

Đối với lĩnh vực ngân hàng, với đánh giá nguy cơ rửa tiền ở mức cao, báo cáo trên cho biết, lĩnh vực này chiếm gần 90% tổng số báo cáo giao dịch đáng ngờ (STR) gửi đến Cục Phòng, chống rửa tiền, cao hơn các lĩnh vực khác.

“Mặc dù phải khẳng định rằng không phải tất cả các khoản tiền thu bất chính đều được tội phạm đưa vào chu trình tẩy rửa tiền, song điều này cũng chứng tỏ, so với các lĩnh vực khác trong nền kinh tế, khả năng bọn tội phạm lựa chọn hệ thống ngân hàng nhằm hợp pháp hóa các khoản thu bất chính để biến những đồng “tiền bẩn” trên thành “tiền sạch” là cao hơn”, báo cáo nhận định.

Căn cứ vào những vụ đại án đã và đang bị điều tra về tội rửa tiền thời gian vừa qua và các số liệu về STR của Cục Phòng, chống rửa tiền có thể thấy nguy cơ rửa tiền trong lĩnh vực ngân hàng có thể liên quan chủ yếu đến việc rửa tiền có nguồn gốc từ tội tham ô tài sản (tội phạm chủ yếu liên quan đến những người có chức vụ, quyền hạn), đánh bạc và trốn thuế.

Theo đó, để che giấu nguồn tiền thu được, tội phạm thường sử dụng tài khoản ngân hàng dưới tên người khác để nhận và chuyển các khoản tiền có nguồn gốc bất hợp pháp.

Với bất động sản, các giao dịch mua bán, chuyển nhượng bất động sản có thể thực hiện bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản và không thông qua sàn giao dịch bất động sản nên rất khó cho các cơ quan chức năng kiểm tra, xác định nguồn gốc của tiền.

Ngoài ra, đối với các vụ đại án về tham ô thời gian qua cũng như vụ đánh bạc nghìn tỷ đồng đang bị điều tra về rửa tiền, trong số các tài sản thu được từ các vụ án đều liên quan đến các tài sản là các bất động sản.

Để rửa tiền, các đối tượng phạm tội thường nhờ người thân trong gia đình mua, chuyển nhượng, cho tặng bất động sản.

Với các phân tích liên quan, báo cáo trên đã đưa ra kết luận nguy cơ rửa tiền trong lĩnh vực bất động sản là cao.

Đối với lĩnh vực chứng khoán, trong giai đoạn từ năm 2012 đến tháng 9/2017, theo số liệu thống kê của các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử tội phạm rửa tiền, không có vụ rửa tiền nào bị điều tra, truy tố, xét xử liên quan đến lĩnh vực chứng khoán.

Từ năm 2015 đến nay, cơ quan quản lý đã tiến hành phối hợp, xác minh, xử lý đối với 7 vụ việc giao dịch có dấu hiệu đáng ngờ liên quan đến rửa tiền trong lĩnh vực chứng khoán. Cơ quan quản lý đã nhận được 02 báo cáo giao dịch đáng ngờ, nhận được từ công ty chứng khoán.

Liên quan đến việc nhận diện khách hàng, theo quy định, công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ không được giao dịch tiền mặt với khách hàng. Khách hàng của công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ phải thực hiện nộp, rút, chuyển tiền thông qua các ngân hàng thương mại. Do vậy, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ gặp một số khó khăn trong việc xác định các giao dịch đáng ngờ do không nhận biết được người thực hiện giao dịch nộp, rút, chuyển tiền có phải là chủ tài khoản sở hữu chứng khoán hay không.

DiaOcOnline.vn – Theo Dân trí