Nguy cơ phá sản gói 30 nghìn tỉ đồng

Cập nhật 19/09/2013 15:10

Gói tín dụng 30 nghìn tỉ đồng hỗ trợ nhà ở xã hội chính thức được vận hành hơn 3 tháng, nhưng chưa hề có tác động hâm nóng thị trường bất động sản. Đến nay, cả nước mới có 350 cá nhân được vay và cũng chỉ 3 doanh nghiệp được duyệt vay từ gói hỗ trợ này.

Người thu nhập thấp đừng mơ

Gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng đặt ra mục tiêu tạo cơ hội cho người có mức thu nhập thấp, trung bình có nhà ở. Thế nhưng trên thực tế triển khai, người có thu nhập thấp, trung bình rất khó tiếp cận nguồn vay này do không đáp ứng được các điều kiện cho vay của ngân hàng (phải có xác nhận của địa phương về tình trạng nhà ở, xác nhận của cơ quan công tác, chứng minh thu nhập, chờ sự hợp tác giữa ngân hàng và chủ đầu tư dự án...).

"Gói 30.000 tỷ chậm giải ngân do người đi vay phải làm nhiều thủ tục để được vay, trong khi chính quyền một số địa phương sợ trách nhiệm nên không muốn cấp giấy chứng nhận, còn điều kiện vay của các ngân hàng lại khá khắt khe. Còn doanh nghiệp chậm được vay vì ngân hàng yêu cầu phải có tài sản thế chấp, trong khi doanh nghiệp bất động sản vốn đang gặp khó khăn, còn đầy nợ thì lấy đâu tài sản mà thế chấp".

TS. Nguyễn Trí Hiếu chuyên gia kinh tế

Chị Trần Thu Đông (xã Đặng Xá, Gia Lâm, Hà Nội) - làm cho một doanh nghiệp tư nhân đã từng chạy khắp các ngân hàng để làm thủ tục vay tiền mua căn hộ dành cho người thu nhập thấp tại Khu đô thị Đặng Xá, Gia Lâm nhưng không thành. Chị than vãn: "Tôi là một trong số gần 30 khách mua nhà thu nhập thấp Đặng Xá không vay được tiền của ngân hàng, chỉ vì họ yêu cầu chứng minh thu nhập phải trên 10 triệu đồng/tháng để đảm bảo trả nợ. Mà mấy ai đi mua nhà thu nhập thấp có mức lương đấy. Tôi chỉ có thu nhập 6 triệu đồng/tháng, lương đã trả qua ATM, nên lãnh đạo cơ quan không thể xác nhận khống mức lương cho tôi".

Một vướng mắc khác cản người có nhu cầu vay tiền mua nhà là các ngân hàng chẳng màng đến tài sản thế chấp là căn hộ nhà ở xã hội, vì quy định loại nhà này sau 10 năm mới được chuyển nhượng. "Nếu người mua không đủ khả năng trả nợ, không lẽ ngân hàng phải giữ căn nhà 10 năm mới bán được để thu hồi vốn vay?" - nhân viên tín dụng ở Ngân hàng Agribank Cầu Giấy cho biết. Do đó, ngân hàng đòi hỏi người vay vốn từ gói ưu đãi phải có tài sản thế chấp, trong khi thực tế những đối tượng muốn mua nhà thu nhập thấp đến nhà ở cũng chưa có, thì lấy tài sản gì để thế chấp?

Thực tế khác là một số ngân hàng thương mại cũng cạnh tranh cho vay mua nhà với lãi suất chỉ 6,9%/năm hoặc 8% trong 3 năm đầu tiên, mà điều kiện vay dễ hơn nhiều, nên nhiều người cũng không còn mặn mà với lãi suất 6% của gói 30.000 tỷ đồng nữa.
 

3 tòa nhà xã hội tại Khu đô thị Kiến Hưng của Vinaconex Xuân Mai được xây dựng từ nguồn vốn vay thương mại .


Doanh nghiệp dài cổ… ngóng

Tiến độ giải ngân gói 30.000 tỷ cho các doanh nghiệp lại càng sốt ruột hơn, bởi từ khi có chủ trương, cả nước đã có hơn 50 dự án bất động sản đăng ký chuyển từ nhà thương mại sang nhà ở xã hội, với quy mô khoảng 34.000 căn hộ. Để đón nguồn vốn ưu đãi 30.000 tỷ đồng, đến nay mới chỉ có 3 dự án được cho vay với số tiền cam kết cho vay là hơn 700 tỷ đồng. Sự chậm trễ trong giải ngân này cũng khiến Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam trăn trở: "Khi họp với các ngân hàng về tình hình giải ngân gói tín dụng 30.000 tỷ, ngân hàng nào cũng báo cáo tiến độ giải ngân đang rất tốt, nhưng thực tế tôi thấy ngân hàng nào cũng có vẻ đang rụt rè".

Nguyên nhân doanh nghiệp khó vay tiền xuất phát từ việc chậm trễ trong thủ tục hành chính xét duyệt dự án lẫn điều kiện cho vay của ngân hàng. Điển hình như tại Hà Nội, chưa có dự án nhà ở xã hội nào chuyển từ nhà ở thương mại sang hoàn tất xong thủ tục chuyển đổi để đi vay ngân hàng. Các dự án đã xong, có hợp đồng tín dụng với ngân hàng nhưng cũng chưa chắc chắn có vay được hay không. Ông Hồ Minh Hải - Trưởng phòng Kinh doanh của doanh nghiệp đầu tư dự án nhà xã hội Bắc Cổ Nhuế - Chèm cho biết: "Tiếp cận vốn ngân hàng không dễ, bởi ngoài chuyện chứng minh đầy đủ hồ sơ pháp lý còn phải chứng minh tài sản thế chấp, thêm cả hiệu quả của dự án nữa…".

Lãnh đạo một doanh nghiệp bất động sản khác cho biết, lý do chưa vay được tiền là có mâu thuẫn trong khung chính sách bởi: "Đất xây dựng nhà ở xã hội được Nhà nước giao không thu tiền và cũng không được cấp sổ đỏ. Mà không có sổ đỏ thì không thể dùng làm tài sản thế chấp ngân hàng. Đất thì không có giá trị để vay tiền, còn nhà thì vài năm sau mới hình thành, nên phải có thứ khác để làm tài sản bảo đảm. Thị trường bất động sản đóng băng mấy năm khiến đa số doanh nghiệp nợ xấu, thế nên chỉ vài doanh nghiệp có tài sản đảm bảo mới vay được. Về phía ngân hàng, đây chỉ là chương trình hỗ trợ lãi suất nên họ cũng phải thực hiện quy định cho vay như dự án nhà thương mại, tức là phải có vốn đối ứng, có tài sản đảm bảo cho phần vay".

DiaOcOnline.vn -Theo Khám phá