Nghị định 24: Chấm hết với đầu cơ vàng

Cập nhật 06/04/2012 09:40

Nghị định 24 ra đời vào đầu tháng 4/2012, cũng là thời điểm mà thị trường chứng khoán đang manh nha một đợt tăng mới. Đó cũng là cú giáng cuối cùng vào niềm hy vọng bị gặm nhấm đến mòn mỏi của giới đầu cơ chuyên đánh vàng, mở ra một thời vận mới cho những kênh đầu tư đầy rủi ro khác.

Hết cửa cho dân đầu cơ


Được chính thống đốc Ngân hàng nhà nước hứa hẹn sẽ ban hành từ đầu tháng 11/2011, nhưng phải gần nửa năm sau nghị định về quản lý kinh doanh vàng mới được Thủ tướng chính thức ký ban hành. Đây là một "độ trễ" kéo dài quá lâu khiến cho nhiều người chờ đợi trong bất an.

Ngay sau khi nghị định được ban hàng, giám đốc một DN trong lĩnh vực kinh doanh vàng tiếp tục đặt vấn đề: Tại sao cùng vào ngày 3/4/2012, cùng thời điểm với nghị định 24 được ký, lại xuất hiện một công văn của NHNN gửi cho 5 ngân hàng và Công ty SJC liên quan đến mạng lưới phân phối vàng? Tại sao chỉ có nhóm "G5+1" mà không hiện ra thêm thành viên nào khác? Và tại sao tất cả những thương hiệu vàng "Phi SJC" lại bị loại thẳng thừng trong nghị định 24?

Nhìn tổng quát, nghị định 24 của Chính phủ không khác nhiều với nội dung dự thảo từ trước đó. Những điều kiện cơ bản về cấp phép cho tổ chức kinh doanh vàng vẫn được giữ nguyên. Hình thức kinh doanh vàng tài khoản cũng được đề cập, tuy không quá "sâu sắc". Có chăng, chỉ là biểu hiện có vẻ "khiêm tốn" hơn chứ không như bản dự thảo đầu tiên được NHNN công bố trên mạng vào cuối tháng 10/2011.


Tuy nhiên trên tất cả và quan trọng nhất vẫn là quy định "không sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán". Về tinh thần này, cùng với chủ trương Nhà nước độc quyền trong sản xuất vàng miếng và xuất khẩu vàng nguyên liệu cũng như nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng, giới đầu tư của 12.000 cơ sở kinh doanh vàng và cả những người dân quen mua vàng tích trữ đã biết từ lâu. Vấn đề còn lại là bản nghị định này sẽ tác động ra sao đối với thị trường kinh doanh vàng.

Dĩ nhiên mục tiêu quan trọng nhất của bản nghị định được xã hội trông đợi là chấn chỉnh lại hoạt động kinh doanh vàng, trong đó nổi trội là những hành vi đầu cơ và làm giá vàng đã tồn tại đầy rẫy từ nhiều năm qua.

Trong khoảng thời gian gần đây nhất, bất chấp "barem" của thống đốc NHNN về "nếu giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới 400.000 đồng là có dấu hiệu đầu cơ", độ chênh cao của giá vàng trong nước so với giá quốc tế vẫn luôn duy trì ở mức 2-4 triệu đồng/lượng trong suốt 5 tháng cuối năm 2011, kể cả cho đến những ngày gần đây mức chênh đó vẫn duy trì ở mức trên 2 triệu đồng/lượng.

Trên thị trường, giá vàng niêm yết hàng ngày hầu hết được "tham chiếu" bởi Công ty SJC chứ chẳng phải ai khác. Mà những dấu hiệu từ SJC khi đặt giá niêm yết cao hơn hẳn giá thế giới lại đã luôn trở thành một nghi vấn lớn lao nhưng chưa bao giờ được giải thích cặn kẽ.

Từ đó, hiển nhiên các cơ sở kinh doanh vàng - những nơi bị chuyển từ kinh doanh vàng miếng sang vàng nữ trang, sẽ không thể không hoài nghi về ý nghĩa thực chất của nghị định 24 trong thực tế triển khai, nhất là khi thương hiệu vàng SJC vẫn đóng vài trò độc tôn và Công ty SJC vẫn được NHNN "bảo trợ".

Chiến dịch "tái cấu trúc vàng" cũng vì thế mà đã cơ bản hoàn thiện.

Chọn kênh đầu tư mới nào?

Dường như đã diễn ra một sự đồng nhất về ý chí và cách thức tiến hành giữa chiến dịch vàng với chiến dịch tái cấu trúc các ngân hàng thương mại diễn ra từ tháng Mười năm ngoái.

Gần đây nhất vào tháng 3/2012, giới đầu tư và dư luận xã hội đã chứng kiến sự "đảo chiều" chỉ sau 3 tuần lễ về thông tin Ngân hàng SHB thâu tóm Ngân hàng Habubank. Một trong những tham khảo đáng chú ý nhất cho sự quay ngoắt này đến từ NHNN, từ sự khẳng định "thông tin SHB mua Habubank là không chính xác" vào trung tuần tháng 3, đến chủ trương chấp thuận cho việc "đã rồi" vào cuối tháng 3.


Tương tự, Bảo Tín Minh Châu đã trở thành "nạn nhân" đầu tiên trong số các thương hiệu có tiếng lâu đời bị gạt ra rìa. Vào cuối năm 2011, khi lần đầu tiên giá vàng BTMC thấp hơn giá vàng SJC đến 1,2 triệu đồng/lượng, cơn khủng hoảng của vàng "phi quốc doanh" đã bắt đầu.

Cuộc khủng hoảng trên còn được thấm đẫm bởi một ưu tư khôn nguôi - thanh khoản. Kể từ tháng 10/2011, tình hình thanh khoản trên thị trường vàng đã diễn biến theo chiều hướng giảm dần. Chẳng mấy chốc, trên thị trường đã lan rộng hình ảnh "mười người bán, một người mua". Một hình ảnh sống động không kém là những cửa hàng của Bảo Tín Minh Châu trở nên trống rỗng khách viếng từ đầu năm 2012 đến nay, lại trùng với thời điểm mà thống đốc NHNN lần đầu tiên đưa ra một dự báo về thị trường vàng: vàng sẽ là kênh rủi ro rất cao.

Khuynh hướng giá tuột dần với tình trạng thanh khoản lắng đọng của thị trường vàng thế giới đang khiến cho dòng tiền có xu hướng chuyển từ vàng sang các kênh đầu tư khác.

Cũng nương theo tình thế trên, nghị định 24 của Chính phủ đã chỉ làm nốt một công đoạn có tính then chốt của chiến dịch vàng: chuyển dịch thế độc quyền từ thị trường chợ đen trôi nổi vào tay Nhà nước, và vô hình trung "siết" thanh khoản của thị trường kinh doanh vàng miếng về mức tối thiểu.

Không còn được sử dụng vàng miếng như một công cụ để thanh toán trên thị trường tự do, tất nhiên vàng sẽ có xu hướng chuyển thành tiền mặt để đầu tư vào các kênh khác.

Nghị định 24 ra đời vào đầu tháng 4/2012, cũng là thời điểm mà thị trường chứng khoán đang manh nha một đợt tăng mới. Với những gì mà các tổ chức đầu cơ chứng khoán đã chuẩn bị kỹ lưỡng trong suốt 3 tháng qua, những tháng sắp tới có thể sẽ là một con sóng tăng bất thường, thậm chí cực mạnh của chứng khoán.

Và đó cũng là cú giáng cuối cùng vào niềm hy vọng bị gặm nhấm đến mòn mỏi của giới đầu cơ chuyên đánh vàng, chính thức mở ra một thời vận mới cho những kênh đầu tư đầy rủi ro khác.

DiaOcOnline.vn - Theo VEF