Ngân hàng Việt đã lún sâu vào khó khăn

Cập nhật 24/10/2011 10:40

Yếu kém về quản trị cũng như thực thi chưa nghiêm việc đánh giá, phòng ngừa rủi ro đã đẩy hệ thống ngân hàng lún sâu vào khó khăn khi có các biến động vĩ mô mang lại - TS. Phan Minh Ngọc, Phó giám đốc nghiên cứu DN của Ngân hàng Sumitomo Mitsui chi nhánh Singapore, phân tích.

Vấn đề tái cấu trúc hệ thống ngân hàng lại một lần nữa được đặt ra gần đây với sức nóng ngày càng tăng theo hiện trạng xấu đi của nền kinh tế. Có điều, dường như người ta nhìn nhận nguyên nhân gây ra bất ổn hiện nay trong hệ thống ngân hàng là những nguyên nhân có tính ngắn hạn, mới xảy ra gần đây, và quan trọng hơn, nằm ở phía ngân hàng thương mại chứ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nói riêng và Chính phủ nói chung không có liên quan gì mấy. Việc tái cấu trúc ngân hàng xem ra cũng chưa được hiểu đúng, đầy đủ, đôi khi được đơn giản hóa tối đa thành chuyện NHNN tìm các ngân hàng nào nhỏ, có vẻ bí thanh khoản để tái cấp vốn (mua lại), biến thành sở hữu nhà nước và đặt dưới sự kiểm soát chặt chẽ của NHNN, hoặc buộc các ngân hàng này sát nhập vào những ngân hàng lớn hơn, có vẻ "ổn" hơn, và tiến trình này chỉ cần ngày một ngày hai là kết thúc.

Bài viết bàn về tái cấu trúc hệ thống ngân hàng Việt Nam sẽ bắt đầu với việc phân tích những nguyên nhân gây ra thực trạng bất ổn của hệ thống ngân hàng, có những nguyên nhân dài hạn bên cạnh những nguyên nhân ngắn hạn, có nguyên nhân từ phía NHNN nói riêng và Chính phủ nói chung, đồng thời cũng có nguyên nhân từ phía các ngân hàng thương mại.

Phần tiếp theo, bài viết sẽ nêu một số công việc cụ thể phải làm khi tiến hành tái cấu trúc hệ thống ngân hàng với giả thiết rằng hiện tại hệ thống ngân hàng đã lâm vào tình trạng sắp đổ vỡ mang tính hệ thống, chủ yếu nhìn từ góc độ thể chế và pháp lý, trong đó có những việc phải làm ngay, trong ngắn hạn, và có những việc phải thực hiện trong cả một quá trình lâu dài hơn.

Lưu ý rằng, do đăng tải trên tờ báo phổ thông nên bài viết sẽ ở dưới dạng cố gắng giản lược hóa, không có nhiều số liệu minh họa, và cũng không hoàn toàn đầy đủ, tổng quát, chỉ nêu ra một số ý chính mà tác giả thấy cần đưa ra thảo luận.

Có 3 tập hợp yếu tố dẫn đến sự hình thành và tích tụ các rủi ro gây đổ vỡ mang tính hệ thống cho hệ thống ngân hàng.

Bùng nổ về số lượng, "quên" chất lượng

Thứ nhất, đó là sự mở rộng nhanh chóng của hệ thống ngân hàng trong những năm gần đây, nhưng không đi kèm với sự tăng cường và hoàn thiện công tác quản lý và phòng ngừa rủi ro, quản trị ngân hàng, cũng như công tác thanh tra giám sát của NHNN.

Có 3 tập hợp yếu tố dẫn đến sự hình thành và tích tụ các rủi ro gây đổ vỡ mang tính hệ thống cho hệ thống ngân hàng.

Ở Việt Nam, chỉ trong vòng mấy năm gần đây đã chứng kiến sự bùng nổ của hệ thống ngân hàng với sự tăng mạnh về con số ngân hàng và chi nhánh được thành lập cũng như về tốc độ tăng trưởng tín dụng bắt nguồn từ tăng trưởng cao của cung tiền là hậu quả của chính sách tiền tệ nới lỏng. Đến lượt mình, gia tăng tăng trưởng tín dụng lại dẫn đến tăng trưởng kinh tế nóng và tăng áp lực lạm phát. Điều đáng nói là sự mở rộng nhanh chóng của hệ thống ngân hàng không đồng hành với sự cải thiện đáng kể trong công tác phòng ngừa rủi ro (như không áp dụng các chuẩn mực quốc tế về phân loại vốn vay, trích lập dự phòng, và công bố thông tin) cũng như việc giám sát, thanh tra và xử phạt của NHNN, lại còn bị tác động bởi nạn tham nhũng, can thiệp bởi chính quyền và các nhóm lợi ích. Công tác quản trị yếu kém ngoài lý do xem nhẹ tầm quan trong của nó trước áp lực mở rộng về lượng còn do bởi việc không có hoặc không hoạt động hiệu quả của các cơ quan thanh tra, giám sát của NHNN cũng như của các tổ chức xếp hạng rủi ro tín dụng.


Tệ hại hơn, nhiều ngân hàng được thành lập bởi các tập đoàn kinh tế hay một nhóm lợi ích - mà nòng cốt là một số cá nhân tư bản với mục đích là cung cấp vốn cho nội bộ tập đoàn đó, nhóm lợi ích đó - mà vì thế chất lượng các khoản cho vay, cũng như hạn mức cho vay, không bao giờ là điều đáng quan tâm.

Thêm nữa, khi thị trường chứng khoán và nhà đất có dấu hiệu tăng trưởng mạnh, các ngân hàng thi nhau đổ vốn vào đó, tự mình đặt vào vị trí chịu cả rủi ro tín dụng lẫn rủi ro thị trường và do đó rất dễ tổn thương nặng bởi sự lên xuống của giá cả ở hai thị trường đầy rủi ro này.

Sự tăng trưởng quá nhanh của hệ thống ngân hàng về lượng nhưng không đi kèm với sự tăng trưởng tương ứng về chất, trong đó có nguồn nhân lực ngân hàng, với nạn thiếu hụt nhân sự lành nghề đánh giá được mức độ rủi ro là một trong những nguyên nhân đẩy hệ thống ngân hàng Việt Nam vào tình thế khó khăn như hiện nay.

Nhân đây, cũng cần nói thêm đôi điều về luồng ý kiến quy kết nguyên nhân gây ra rủi ro đỗ vỡ cho hệ thống ngân hàng Việt Nam là từ chủ trương cho thành lập mới một loạt ngân hàng, nhất là các ngân hàng được nâng cấp từ nông thôn lên thành thị.

Ông Lê Đức Thúy, nguyên Thống đốc NHNN và là tác giả của chủ trương đó chỉ biện hộ một cách yếu ớt tại sao lại làm như vậy (1) mà không thể phản biện được rằng về bản chất chủ trương này chẳng có gì sai trái (thậm chí là ngược lại vì làm tăng tính cạnh tranh và nhờ đó tăng cường hiệu quả hoạt động của các ngân hàng) NẾU song song với sự ra đời của hàng loạt ngân hàng mới, các điều kiện cần cho nó, ví dụ như chuyện đào tạo nhân lực và tăng cường công tác quản lý, phòng ngừa rủi ro theo chuẩn mực quốc tế ..v.v... cũng được thỏa mãn.

Bất cân đối cơ cấu và rủi ro đạo đức


Tập hợp yếu tố thứ hai làm tăng tính dễ tổn thương của hệ thống ngân hàng Việt Nam là sự bất cân đối về thị phần cũng như sở hữu chi phối, rủi ro đạo đức, và thiếu vắng cơ chế khuyến khích thực thi các biện pháp quản trị đúng đắn.

Mặc dù số lượng ngân hàng đã tăng lên nhanh chóng gần đây, có thể nói hệ thống ngân hàng Việt Nam vẫn bị chi phối bởi một số "ông lớn" ngân hàng thương mại nhà nước vốn chiếm thị phần đa số trong thị trường ngân hàng. Tuy nhiên, sự tập trung quá mức này cũng sẽ chẳng có gì đáng nói nếu đi kèm với nó là động lực khuyến khích các hoạt động đúng đắn. Sự bất đối xứng còn hiện diện ngay trong cơ cấu sở hữu của một ngân hàng thương mại, nơi một hoặc một vài cá nhân cổ đông vẫn chiếm đa số cổ phần của ngân hàng. Sự tập trung quá mức này còn dẫn đến tình trạng bất đối xứng thông tin giữa các cổ đông và vì thế những cổ đông chi phối là người hưởng lợi. Cho dù việc cung cấp thông tin là bắt buộc thì thông tin cung cấp cũng không được đảm bảo là chính xác do công tác kiểm toán và các tiêu chuẩn kế toán yếu kém.

Rủi ro đạo đức tồn tại phổ biến trong hệ thống ngân hàng Việt Nam thông qua việc Chính phủ trực tiếp can thiệp, chỉ đạo, hoặc bảo lãnh cho vay một số dự án, doanh nghiệp, ngành nghề, bộ phận kinh tế nào đó, dẫn đến việc các ngân hàng cho vay mà không cần bận tâm đến tính khả thi của dự án, khả năng sống còn của doanh nghiệp (đây cũng có thể coi là biểu hiện của việc tước đi động cơ buộc ngân hàng thực thi chính sách phòng ngừa rủi ro đúng đắn). Theo đó là cho vay quá mức, lợi nhuận thấp, dòng tiền hạn chế, và kết cục phát sinh các khoản nợ xấu. Rủi ro đạo đức cũng phá sinh từ việc Chính phủ tuyên bố công khai sẽ cứu giúp các ngân hàng có nguy cơ mà không hề đưa ra một lộ trình thoái lui nào. Bảo hiểm tiền gửi công khai và ngầm định cũng là một nguồn khác cho rủi ro đạo đức, làm cho giới quản lý ngân hàng ở Việt Nam càng thêm mạo hiểm đầu tư vào những lĩnh vực đầy rủi ro mà họ sẽ không bao giờ dám làm khi khác đi.

Tính hai mặt của chính sách vĩ mô và hội nhập

Tập hợp yếu tố thứ ba góp phần tạo ra sự đổ vỡ của hệ thống ngân hàng là các chính sách kinh tế vĩ mô và sự hội nhập tài chính. Trong những năm trước, nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế, chính sách tiền tệ và tài khóa được nới lỏng tối đa, và tín dụng vì thế tràn ngập nền kinh tế, không những làm tăng áp lực lạm phát mà còn chảy vào các lĩnh vực đầu cơ đầy rủi ro như chứng khoán và bất động sản, kéo theo sự tăng nóng về giá cả của những mặt hàng này, lại kích thích thêm nữa tín dụng ngân hàng chảy vào đó.

Sang năm nay, khi lạm phát đã có dấu hiệu nguy hiểm thì gánh nặng kiềm chế lạm phát lại bị dồn lên vai chính sách tiền tệ. Lãi suất tăng cao, còn tín dụng cho chứng khoán và bất động sản bị thắt lại. Giá chứng khoán và bất động sản sụt giảm làm cho giá trị các khoản thế chấp cũng sụt giảm tương ứng. Đi kèm với đó là tình trạng nhiều nhà đầu cơ mất khả năng thanh toán đã làm tăng tỷ lệ nợ xấu trong lĩnh vực này và làm xấu đi nghiêm trọng bảng cân đối tài sản của nhiều ngân hàng.

Lãi suất VND cao còn dẫn đến chênh lệch lãi suất cho vay bằng VND và USD tăng lên trong khi NHNN tuyên bố là sẽ giữ ổn định tỷ giá. Trong môi trường đó, các doanh nghiệp và ngân hàng được khuyến khích vay nước ngoài, vay bằng ngoại tệ thay vì nội tệ (trong khi nguồn thu trả nợ lại bằng nội tệ) và không bận tâm đến việc hedging phòng ngừa rủi ro biến động tỷ giá. Nếu trong những tháng tới, tỷ giá vì một lý do nào đó tăng vọt, chắc chắn tỷ lệ nợ xấu của những con nợ vay bằng ngoại tệ nhưng lại có nguồn thu chủ yếu bằng nội tệ sẽ tăng vọt.

Hội nhập tài chính cũng là một lý do quan trong làm tăng khả năng bị tổn thương của hệ thống ngân hàng nội địa. Sự cho phép thành lập và hoạt động các ngân hàng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài ở Việt Nam, một mặt, mang lại những lợi ích thiết thực như chuyển giao công nghệ và đào tạo nhân lực, mặt khác lại làm tăng tính cạnh tranh trong hệ thống. Do sự ưu việt hơn trong hoạt động và tập trung vào khu vực doanh nghiệp, tập đòan kinh tế trong và ngoài nước hàng đầu, các ngân hàng nước ngoài đã lấn át các ngân hàng nội địa ở phân khúc này, buộc các ngân hàng nội địa phải lấn sâu thêm vào phân khúc hạng trung gồm những doanh nghiệp hạng hai, doanh nghiệp vừa và nhỏ và khách hàng cá nhân, là phân khúc tất nhiên có độ rủi ro cao hơn.

Như một vòng luẩn quẩn, vì rủi ro cao hơn nên các ngân hàng thường áp dụng lãi suất cao hơn cho các đối tượng vay này (không hiếm khi vượt quá sức chịu đựng của họ khi có biến động vĩ mô) và dùng thế chấp là bất động sản hay một số tài sản có tính thanh khoản khác. Hai yếu tố này sẽ làm ngân hàng dễ bị tổn thương hơn nữa trong môi trường kinh tế vĩ mô bất ổn với lãi suất tăng cao và giá bất động sản giảm dẫn đến tỷ lệ nợ xấu tăng thêm.

Ngoài ra ngân hàng nội địa còn cạnh tranh với nhau theo khu vực địa lý, mở thêm nhiều chi nhánh và địa điểm giao dịch ở những vùng sâu, vùng xa hơn, đồng nghĩa chi phí họat động tăng lên trong khi mức độ rủi ro cũng tăng lên.

Tuy vậy, đáng chú ý là bất chấp rủi ro tăng lên, nhiều ngân hàng vẫn tiếp tục có phần trích lập dự phòng cho các khoản nợ xấu thấp hơn bản thân các khoản nợ xấu đó vì được phép khấu trừ giá trị tài sản thế chấp vào giá trị khoản nợ xấu.

Để kết luận cho phần đầu bài viết, có thể thấy tình trạng yếu kém hiện tại trong hệ thống ngân hàng Việt Nam bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân phức hợp, đan xen lẫn nhau, và diễn ra trong cả một quá trình kéo dài ít nhất từ vài năm trước. Nổi lên trong đó là sự yếu kém về quản trị trong từng ngân hàng, quản trị cả hệ thống ngân hàng, cũng như sự thiếu vắng các động cơ khuyến khích các ngân hàng thực thi nghiêm túc việc đánh giá, công tác phòng ngừa rủi ro đúng đắn. Chính khiếm khuyết về cấu trúc đó đã đẩy hệ thống ngân hàng lún sâu vào khó khăn khi có các biến động vĩ mô mang lại từ bản thân các chính sách kinh tế trong nước lẫn biến động đến từ bên ngoài.

DiaOcOnline.vn - Theo VEF