Ngân hàng rủ nhau “đi đêm”?

Cập nhật 07/03/2012 13:10

Ngân hàng Nhà nước đã tiến hành phân nhóm ngân hàng để giao chỉ tiêu tín dụng nhằm giúp thị trường trở nên minh bạch, công bằng hơn. Thế nhưng, sự minh bạch nửa vời có nguy cơ đẩy doanh nghiệp vào những cuộc "đi đêm" của ngân hàng.


Đã gần một tháng trôi qua kể từ khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng theo nhóm. Câu chuyện này dường như ngày một bộc lộ những vấn đề không thể không tính đến.

Một nửa sự thật là sự nhốn nháo

Ngay sau động thái được coi là cải cách từ NHNN, lẻ tẻ từng ngân hàng cũng công bố mình thuộc nhóm nào (chủ yếu là nhóm 1, 2). Từ danh sách các ngân hàng thương mại (NHTM) hiện có, người ta dễ dàng dùng phép loại trừ để khiến các ngân hàng nhóm dưới lộ diện. Thế nhưng, điều mà ít người biết là trong số các tổ chức tín dụng bị phân vào nhóm dưới còn bao gồm cả các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, vì thị phần của các ngân hàng nước ngoài còn thấp nên ít bị chú ý. Điều này cho thấy, không phải cứ "ngoại" là tốt như xưa nay chúng ta vẫn nghĩ!

Qua danh sách phân nhóm vừa được cập nhật, cũng khiến người ta giật mình. Có vẻ như nhiều dự đoán đã trật lấc khi ở "chiếu trên" (nhóm 1, 2) có những cái tên như: NamA Bank, DaiAbank, Phương Đông, BaoViet Bank… Minh bạch đâu chưa thấy, đã thấy ngay thị trường đang dấy lên cuộc chiến tranh giành vốn huy động giữa các NHTM. Việc vượt trần lãi suất huy động tạm lắng một thời gian, nay được dịp nhộn nhịp trở lại. Việc phân nhóm trở thành "vũ khí" để các ngân hàng "chơi nhau" và khiến người gửi tiền trở nên hoang mang khi phải lựa chọn nơi gửi và có cả cơ hội mặc cả lãi suất với ngân hàng.
Đó là đầu vào, còn đầu ra - tín dụng thì sao? So với mọi năm, việc triển khai kế hoạch kinh doanh của các NHTM đã chậm đi đáng kể khi phải chờ và điều chỉnh theo việc phân chỉ tiêu tín dụng của NHNN. Vì thế, ngay khi được xếp nhóm, các NHTM lập tức đưa ra các chương trình tín dụng. Các NHTM thi nhau công bố chương trình giảm lãi suất, cho vay những đối tượng ưu tiên, như: BIDV, ACB (100 triệu USD cho vay ưu đãi phục vụ xuất, nhập khẩu); Vietcombank… rồi cả các NHTM nhỏ hơn như VPBank (5.000 tỷ đồng); MHB; TienPhongbank (1.000 tỷ đồng). Tổng các gói tín dụng ưu đãi lên đến cả chục tỷ đồng. Nhưng, những đồng vốn ưu đãi đó đã, sẽ đến được với ai, doanh nghiệp nào?
BIDV được biết đến là ngân hàng đi đầu trong việc nhiều lần giảm lãi suất cho vay, triển khai nhiều chương trình tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên. Nhưng, không hiểu tại sao khi BIDV đưa ra gói tín dụng hỗ trợ lãi suất mới thì không bao giờ họ công bố kết quả của đợt triển khai lần trước (?!) Trước câu hỏi của phóng viên về vấn đề này, ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT BIDV chỉ nói: Chưa kịp cập nhật số liệu !

Cũng trong số các NHTM công bố triển khai tín dụng ưu đãi mới đây, người ta còn thấy có cả ngân hàng thuộc nhóm dưới (tất nhiên họ không bao giờ tự khai mình thuộc nhóm dưới). Nhưng hãy đặt vấn đề: các tổ chức tín dụng nhóm 4 nếu muốn cung tín dụng họ phải thu hồi được nợ. Việc thu nợ trong bối cảnh hiện nay, ai cũng biết là không dễ dàng gì. Và với mức tăng trưởng tín dụng 8% trong năm nay của nhóm 3 thì cũng là con số quá nhỏ so với tốc độ tăng trưởng tín dụng của các NHTMCP nhỏ, những năm trước đây là không dưới 40%/năm, thậm chí 70 - 80%. Vì thế, giờ nếu có cơ hội cung tín dụng, sao họ có thể cho vay với lãi suất ưu đãi khi đây là nguồn thu chính của ngân hàng? Cách thông thường phải là lấy chất lượng bù số lượng. Nghĩa là nếu có cho vay, họ phải cho vay với lãi suất cao để bù vào khoản cung tín dụng ít ỏi mà khó lắm ngân hàng mới có được.
NHNN cho biết, sau 6 tháng sẽ xem xét lại việc phân nhóm. Có ý kiến cho rằng, như vậy là quá lâu là cứng nhắc vì có thể sẽ có ngân hàng nỗ lực để đủ điều kiện được "nâng hạng" trước 6 tháng. Thêm nữa, ở đây nếu chưa xét đến sự hợp lý hay không về mặt thời gian thì cũng không thể bỏ qua thực tế, tín dụng vẫn là nguồn thu chủ yếu của ngân hàng. Vậy ai dám chắc sẽ không có tiêu cực khi chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng ở vào cơ chế xin - cho?

"Ði đêm" có là tất yếu?


Một ngân hàng có mức tăng trưởng tín dụng 15% hay 17% thì cũng không phải cao so với nhu cầu vay vốn của nền kinh tế. Thế nhưng, nhiều ngân hàng nhóm trên đã thừa nhận việc có tăng trưởng hết room tín dụng hay không còn phụ thuộc nhiều yếu tố. Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch HĐQT Agribank, cho biết, mục tiêu tăng trưởng tín dụng của Agribank năm nay chỉ là 10%. Ông cũng thừa nhận: không nhất thiết sử dụng hết chỉ tiêu tín dụng. Ngân hàng còn phải cân đối trên nhiều phương diện như khả năng huy động vốn, nguồn lực, công nghệ, quản trị rủi ro, kể cả các chỉ tiêu an toàn do NHNN quy định. Điều này cho thấy, yếu tố "cung" xuất hiện.

Khác với Agribank, Vietinbank còn khẳng định sẽ sử dụng hết chỉ tiêu 17%, thậm chí họ còn ngỏ lời muốn có mức tăng trưởng tín dụng cao hơn. Vậy là, yếu tố "cầu" trong việc chia sẻ tín dụng cũng đã có. Mặt khác, sẽ có nhiều NHTM nhỏ có nhu cầu tăng thêm ngoài mức tín dụng được giao. Vì cho dù ở nhóm 1, được giao chỉ tiêu cao nhất là 17% thì cũng là quá ít đối với họ. Hơn nữa, 1% tăng trưởng của ngân hàng lớn có thể bằng với 10% của ngân hàng nhỏ. Do đó, tính về tổng thể NHNN hoàn toàn có thể giữ được mức tăng trưởng chung của toàn ngành là 17% như kế hoạch của năm nay. Thế nhưng, sẽ không có chuyện công khai "chuyển giao" hạn mức tín dụng giữa các nhóm. Vì như thế khác nào phủ định nỗ lực phân nhóm, làm minh bạch thị trường của NHNN. Vì vậy "cung" và "cầu" chỉ có thể đi đêm với nhau.

Và từ việc các ngân hàng đi đêm với nhau thì khách hàng vay vốn - doanh nghiệp - cũng sẽ phải "đi đêm" theo. Ngân hàng hết chỉ tiêu cung tín dụng sẽ "giới thiệu" khách hàng cho ngân hàng chưa sử dụng hết "room". Và tất nhiên doanh nghiệp không chỉ phải "cảm ơn" cho bên giới thiệu mà có thể sẽ còn phải trả mức lãi suất vay cao hơn ở ngân hàng được giới thiệu…
Vậy nên, sau khi phân nhóm ngân hàng để giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng - mào đầu cho sự công khai, minh bạch, NHNN sẽ làm gì để phòng ngừa những hiệu quả không mong muốn trên? Lúc này vẫn chưa có động thái rõ rệt từ phía NHNN cho câu hỏi này!

DiaOcOnline.vn - Theo DĐDN